Đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) vừa kiểm tra đột xuất tại cơ sở chế biến cơm hộp tại phường Anh Dũng (quận Dương Kinh) phát hiện cơ sở này không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Đột nhập” cơ sở cơm hộp
Cơ sở chế biến cơm hộp do ông Nguyễn Xuân Hòa làm chủ trước nằm trên địa bàn phường Hải Thành, mới chuyển về phường Anh Dũng được hơn 1 tháng. Toàn bộ khu nhà được xây dựng lại. Nước được bơm trực tiếp từ giếng khoan lên, không qua bể lọc, cáu cặn, vàng khè, cơ sở sử dụng để nấu cơm, vo gạo, rửa rau và các loại đồ dùng như khay, cốc nhựa. Các ca nhựa đựng canh còn dính mỡ nhầy nhụa. Toàn bộ khay và ca nhựa khi rửa xong đều được đặt xuống nền xi-măng nhớp nháp bẩn thỉu.
Các lao động đóng hộp không có trang phục bảo hộ, móng tay để dài, cáu bẩn. Mồ hôi nhễ nhại, thi thoảng họ lại đưa tay quệt mồ hôi, chùi vào quần áo và tiếp tục đóng hộp. Chiếc bàn dùng để thái thức ăn chín nhem nhuốc. Mấy cân giò vừa được chủ nhà mua về vứt lăn lóc ở góc bàn. Các khay cơm sau khi đóng hộp được xếp vào thùng tôn cũ, cáu bẩn và đưa lên ô-tô để chuyển đến địa chỉ cần giao.
Ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết, mỗi ngày cơ sở của ông cung cấp 380 suất cơm hộp cho công nhân Công ty TNHH Đỉnh Vàng nằm trên địa bàn quận Dương Kinh. Giá mỗi suất cơm hộp 6500 đồng. Mỗi suất cơm gồm một vực bát cơm con, mấy lát khoai tây xào, mấy miếng thịt rang và nửa ca canh. Bác sĩ Phan Trọng Khánh, Giám đốc Sở Y tế cho rằng lượng cơm và thức ăn như vậy thì người lao động không thể có đủ lượng calo cần thiết để làm việc. Thức ăn đựng trong khay không bảo đảm vệ sinh, thời tiết nóng bức là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn gây bệnh hoạt động. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm và dịch tả là khó tránh khỏi.
Nền nhà để đồ đạc ngổn ngang, nhớp nháp |
Giám sát, kiểm tra chặt chẽ
Thạc sĩ Phạm Quốc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có 45 cơ sở chế biến cơm hộp, trong đó 70% số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Số cơ sở còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vì các lý do công nhân chưa được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa thiết kế bếp ăn một chiều, các loại thực phẩm, gia vị không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hết hạn sử dụng…
Việc cấp giấy đăng ký chứng nhận đủ điều kiện chỉ là điều kiện cần. Quan trọng là lương tâm của chủ cơ sở chế biến cơm hộp. Có thực tế đáng quan tâm là để giảm tối đa chi phí, rất nhiều cơ sở sử dụng nguồn thực phẩm kém tươi ngon. Toàn bộ quy trình chế biến từ rửa rau, chế biến cá, vo gạo... đều theo kiểu đại khái cho xong. Khay, hộp đựng cơm chỉ được rửa qua loa để kịp “quay vòng” phục vụ khách. Vì thế, có khách hàng không may bị “tào tháo” hỏi thăm, cố chịu, chỉ biết kêu… trời và lần sau “cạch”món cơm hộp.
Theo thạc sĩ Phạm Quốc Vinh, hằng năm, trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Đoàn liên ngành thành phố tăng cường kiểm tra nhắc nhở, xử phạt, thậm chí thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện của các cơ sở vi phạm. Trong trường hợp nhận được thông tin thực khách bị ngộ độc thực phẩm hoặc cơ sở chế biến thức ăn không bảo đảm vệ sinh, Chi cục tổ chức kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm và hướng dẫn cơ sở hoàn thiện các quy trình chế biến thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh. Vì vậy, số nhà hàng, cơ sở chế biến cơm hộp vi phạm giảm nhiều. 2 năm gần đây, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến nhiều người. Tuy vậy, chi cục không chủ quan, tiếp tục phối hợp với các đơn vị đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng để mọi người cùng tham gia giám sát./.