“Chữ hiếu thời nay” – nói ra cụm từ này nhiều người nghĩ nó méo mó, bởi nhan nhản những câu chuyện như con "vứt" bố ốm nằm ra đường, con kiện mẹ già đòi tiền phụng dưỡng... Bản thân tôi cũng không còn mấy tin tưởng vào cái "sự hiếu" của giới trẻ thời nay nữa, cho đến lần chứng kiến cuộc sống một đại gia đình...
Lần đó, đoàn nhà báo chúng tôi theo chân một doanh nghiệp đi làm công tác từ thiện giúp đỡ người tàn tật, trẻ mồ côi. Bà Đào Thị Minh bị khiếm thị ở thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương là một trong những trường hợp được giúp đỡ.
Nhìn thấy mấy thanh niên trẻ tuổi, ăn mặc hợp mốt xúm vào đỡ bà Minh ngồi dậy, tôi đã nghĩ thầm: “Nhiều con thế kia, sao để mẹ già phải sống nhờ lòng tốt của người dưng”.
Đào Ngọc Khánh, em gái và hai người cô già. |
Nhưng sau đó, tôi biết mình đã hồ đồ khi biết về gia cảnh của bà Minh. Khiếm thị từ lúc 5 tuổi do bị sởi chạy hậu, cả cuộc đời bà Minh chỉ quẩn quanh trong nhà. Bố mẹ già qua đời, ông anh trưởng tiếp tục thay cha mẹ cưu mang cô em không may phận hẩm.
Rồi căn bệnh quái ác cũng đã cướp anh trai của bà Minh năm ông 49 tuổi. Chồng mất, một tay nuôi bầy con nhỏ, nhưng chị dâu bà Minh không vì thế mà hắt hủi cô em chồng.
Năm tháng qua đi, Đào Ngọc Khánh - người con trưởng của anh trai bà Minh, gọi bà bằng cô nay đã trưởng thành, lập gia đình và mở một cửa hàng làm tóc. Công việc bận rộn, nhưng tình yêu thương của Khánh với người cô vẫn như ngày nào cha anh còn sống, mẹ anh còn khỏe.
Khánh cho biết, những năm gần đây, sức khỏe của bà Minh yếu đi, chuyện vệ sinh cá nhân đôi khi không tự chủ được. Và Khánh – một thanh niên khá thời trang, đẹp trai, ông chủ cửa hàng lớn ở thị trấn Kẻ Sặt – vẫn không ngại ngùng lăn lưng vào dọn dẹp, làm vệ sinh cá nhân cho cô.
"Chưa có ai tuyệt vời như vợ em chị ạ", Khánh tâm sự với tôi. Từ ngày theo Khánh về làm dâu gia đình, vợ Khánh chưa lúc nào thốt lên nửa câu phàn nàn về hai bà cô của chồng (ngoài bà Minh, Khánh còn phụng dưỡng một người cô nữa không chồng).
Chồng làm được gì cho hai cô, thì vợ Khánh cũng làm được điều đó. Hai bà cô già, ốm đau bệnh tật không tránh khỏi có lúc khó tính, khó ở, than vãn, cằn nhằn, nhưng hai vợ chồng Khánh và mấy anh chị em trong nhà, bảo nhau nhịn hết vì “cha mẹ mình đã thương yêu các cô như vậy, lẽ nào mình không”.
Gia đình, họ tộc nhà Khánh có quy định rõ ràng trong chuyện phụng dưỡng hai cô. Cháu nào không tự tay chăm được thì phải có nghĩa vụ thăm nom đều đặn và đóng góp chi phí. “Kẻ có công, người có của”, biết vậy nhưng dân hàng phố khi được hỏi vẫn rất cảm phục tấm gương hiếu đễ của vợ chồng, anh em Khánh. “Trẻ tuổi mà đã biết hiếu như vậy, nhà này thật có phúc ”, họ nói.
Ngày 1/7 vừa rồi, người Trung Quốc đã chính thức đưa chữ hiếu vào luật. Luật mới cho phép các bậc phụ huynh ở Trung Quốc đưa con cái họ ra tòa nếu như việc chăm sóc cha mẹ không được làm tử tế. Tưởng nhân văn, nhưng luật lại bị chê bai bởi chẳng lẽ nào chữ hiếu chỉ được tính bằng số lần con cái đến thăm cha mẹ.
Và nữa, ở đời “nước mắt luôn chảy xuôi”, có cha mẹ nào nỡ kiện con cái chỉ vì nó bỏ quên mình?.
Hồng Minh