Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, địa danh Tốt Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn còn lưu dấu chiến thắng lịch sử oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn đại thắng quân Minh đầu thế kỷ XV. Mỗi mùa Xuân về, ở nơi chôn xác của hơn sáu vạn quân giặc, người địa phương vẫn giữ tục lệ vô cùng nhân văn: Cúng vong hồn cho những quân giặc chết trận.
Một cao niên ở Tốt Động nói về lễ cúng vong hồn quân giặc |
Lịch sử hào hùng
Tốt Động hơn 500 năm trước đã từng được thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn chọn là căn cứ địa, là “mồ chôn sống” giặc Minh. Đầu tháng 11/1426, tướng giặc Vương Thông cho tập trung 9 vạn quân hùng hổ tiến vào nước ta theo hướng Nam và Tây Nam. Đoán trước ý đồ của giặc, dù tương quan lực lượng không có lợi, quân ta đã chọn cách đối phó rất hợp lý và sáng tạo là tìm địa hình xung yếu để mai phục quân địch. Nơi được chọn chính là Tốt Động – Chúc Động với địa thế “hoàn hảo” tạo yếu tố đánh úp bất ngờ, giành chiến thắng oanh liệt. Từ những chiến thắng này, những tên gọi của xóm làng nơi đây cũng được “khai sinh”.
Cụ Đoàn Đình Thiện (66 tuổi), cao niên trong làng chỉ tay về phía những gò đống trên cánh đồng, cho biết những gò đống đó chính là chứng tích của trận đánh giặc Minh. Có tất cả hơn bảy gò đống nhưng hiện chỉ còn 3 gò, mỗi cái tên của mỗi gò đều gắn với một câu chuyện thú vị. Gò Đồng Mồ, còn gcó tên “cánh đồng mồ” là gò đất ở chính giữa cánh đồng, là nơi có nhiều xác giặc chết trận nhất. Áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi đã miêu tả điều này: “Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”. Năm 1866 (tức năm Tự Đức thứ 19), theo sắc chỉ của nhà vua, người Tốt Động thu nhặt hài cốt giặc chết trận ở cánh đồng đem lên gò chôn cất và xây lăng.
Cách gò Đồng Mồ khoảng hơn một cây số là gò Đồng Trê, là cánh đồng lầy thụt sâu nhất trận địa Tốt Động. Chính vì đặc điểm này, địa danh còn có tên gọi Trũng Hẻm. Lợi dụng địa hình thuận lợi, nghĩa quân Lam Sơn đã dồn ép giặc Minh xuống đây để tiêu diệt. Xác giặc ngổn ngang, sau đó cá trê sinh sôi rất nhiều làm tổ. Người dân chẳng dám bắt cá, còn gọi nơi đây là gò Đồng Trê.
Một trong những nơi chôn xác quân giặc |
Sát gò Đồng Mồ là gò Đồng Giả, tương truyền nơi đây nghĩa quân Lam Sơn đã lập doanh trại giả để “nhử” quân địch sa trận địa mai phục. Gò Đồng Vỡ lại là nơi lưu dấu sự thất bại thảm hại nhục nhã của quân giặc. Tương truyền giặc khi tướng giặc tử trận, quân lính bị phản công, sợ hãi nháo nhác chạy như ong vỡ tổ từ nơi đây.
Gò Đồng Kiếu là nơi đặt đài quan sát trận đánh Tốt Động – Chúc Động, nơi các tướng lĩnh kêu gọi nghĩa quân xung trận. Gò Trống, gò Kèn là nơi phát tín lệnh bằng kèn trống để quân sĩ xung trận, cũng là để cổ vũ tinh thần chiến đấu. Gò Đồng Án là nơi tướng lĩnh nghĩa quân cho đắp đất không cho quân giặc chạy vào các thôn xóm.
Ngày nay, ngoài gò Đồng Mồ, Đồng Trê và Đồng Giả, những gò đống khác đều không còn. Ở cổng đền xã Tốt Động vẫn còn những tấm bia đá ghi lại những câu chuyện xung quanh những địa danh này.
Tục lệ nhân đạo
Sau chiến thắng lịch sử vài năm, vua ban hành chiếu chỉ người dân Tốt Động phải thu gom hài cốt của quân giặc rồi chôn tập trung tại một chỗ, hàng năm cúng vong hồn cho giặc. Đến năm 1866, vua Tự Đức ra chiếu cho làng làm lễ “nghĩa trủng”. Theo đó, cứ vào ngày 24/12 âm lịch hàng năm, người dân tổ chức làm lễ cúng vong hồn tử trận. Tục này đến nay vẫn còn được người dân lưu giữ.
Cũng theo sắc chỉ nhà vua, người địa phương dựng bia, lập đền cho các vong hồn tử trận. Tấm bia đá này hiện vẫn còn lưu giữ, khắc những dòng chữ chính là những “di ngôn” do cử nhân Bộ lại Đặng Tĩnh Trai soạn theo lệnh vua: “Ta rằng hỡi ôi! Số người thác ở đây trăm đời sau vẫn là ma khách. Nay các ngươi được về đây, thi thể các ngươi được thoát khỏi ngâm thây đáy nước, dãi nắng bãi cỏ hoang, ăn gió uống sương, hồn phách chập chờn như đom đóm…”.
Giải thích về cái tên “nghĩa trủng”, một cao niên trong làng cho biết: “Tên gốc của tục này là “nghĩa chủng”, nhưng do nhiều năm qua đi, người ta đọc chệch rồi thành quen. “Nghĩa chủng” có ý nghĩa làm việc nghĩa, việc tốt; tức là việc cúng vong hồn cho “ma giặc khỏi chịu cảnh ma đói”; cúng hàng năm cho “lũ nghiệt chủng”, gọi như vậy cũng bởi tội ác của quân giặc gây ra”.
Tấm bia đá ghi chỉ dụ vua Tự Đức |
Cụ Nguyễn Trọng Thích (80 tuổi), một thành viên hội cúng nghĩa trủng hàng năm chia sẻ: Ngày trước, cứ sau khi cúng ông Công ông Táo, đến ngày 24 tháng Chạp, cao niên trong làng sắp lễ rồi ra gò Đồng Mồ làm lễ cúng. Những năm gần đây, mọi người quyết định cúng “nghĩa trủng” luôn vào ngày 23 tháng Chạp. Buổi sáng một ngày sau đó, dân làng sắm đồ lễ gồm 1 con ngựa lớn, 1 con voi lớn, 1 mũ bình thiên, 2 mũ đương liên, 5 mũ ngũ phương, 5 lá cờ nhỏ và 1 lá cờ kéo to. Ngày trước đồ lễ còn có một con lợn quay khoảng 30 kg; sau này đổi thành 1 giò lợn kèm xôi, oản, hoa quả, một nồi cháo. Đoàn cúng gồm các cụ cao niên trong làng, sau khi sắp lễ, một người sẽ đọc bài văn cúng “ma giặc”: “Hỡi ơi các vong hồn! Vua ta có lòng nhân nghĩa, ra sắc chỉ cho thu nhặt hài cốt, xây mồ. Vì không nơi nương tựa, các ngươi hãy nhớ ngày này trở về đây mà hưởng Tết. Lòng thành lễ mọn, các ngươi cùng hưởng, không phải e lệ chi…”.
Trong khi đọc văn cúng, những trẻ chăn trâu ở cánh đồng sẽ đóng vai những vong hồn của giặc quẩn quanh khu vực cúng, chờ khi người cúng lễ đọc xong bài văn cúng sẽ lao vào tranh cướp đồ ăn. Bởi thế lễ này ngoài tên gọi lễ “nghĩa trủng”, còn được dân làng đặt cho cái tên khác là lễ “cướp cháo cầu”.
Các cao niên cho hay ngày xưa chi phí làm lễ được chức sắc trong làng lo liệu, hiện do các cao niên trong làng đi quyên góp. Theo đó cứ gần đến ngày 24 /12 âm lịch, hội cao niên trong làng lại đến từng dân nhận gạo, thịt, tiền… mỗi người một chút để tỏ lòng thành, cũng là để cầu mong cuộc sống yên lành, không bị “ma đói” quấy quả.
Một nhà nghiên cứu văn hóa nhận xét, lễ nghĩa trủng ở Tốt Động thể hiện tấm lòng nhân đạo của dân tộc Việt, đúng như lời của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy trí nhân để thay cường bạo”, lấy truyền thống nhân văn cao cả để “đối đãi” với kẻ thù.
Huyền Trang