Liên tục diễn ra các vụ chống đối
Từ đầu tháng 2 đến nay, liên tục xảy ra các vụ người vi phạm giao thông chống đối, lăng mạ, thậm chí tấn công lực lượng CSGT khi đang thi hành công vụ.
Đơn cử, vào đêm 6/2, tổ công tác hực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trấn áp tội phạm tại km 39+900, QL4E (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) phát hiện tài xế xe máy Air Blade, do một nam thanh niên điều khiển, chở theo một người, có biểu hiện vi phạm nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Nhưng thay vì chấp hành hiệu lệnh, tài xế (tên Kiều Tiến Tâm, SN 1994, trú tại TP Lào Cai) đã tăng ga cho xe đâm thẳng vào đồng chí Quách Văn Trường, Đội phó Đội CSGT đường bộ. Nạn nhân bị hất văng, ngã xuống lòng đường, phải nhập viện cấp cứu, bị đa chấn thương, nứt hộp sọ.
Trước đó, ngày 5/2, tại Vĩnh Phúc, Tổ CSGT Công an huyện Vĩnh Tường, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý chuyên đề nồng độ cồn tại đường đê tả sông Hồng đã phát hiện một xe ô tô đi vào đường ngược chiều nên ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, tài xế Cao Văn Lý (SN 1958, trú tại huyện Vĩnh Tường) đã quay đầu xe bỏ chạy. Khi bị CSGT chặn lại, tài xế vẫn cố tình tiến thẳng khiến một CSGT đứng ngay phía trước đầu xe phải bám trên nắp capo của xe ô tô để tránh va chạm. Xe ô tô bỏ chạy được 2km thì tông phải 1 xe máy, hất văng CSGT xuống đường, gây thương tích cho cả CSGT và người điều khiển xe máy.
Theo kiểm tra ban đầu của cơ quan chức năng, cả hai đối tượng nêu trên đều đã vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Vì muốn trốn tránh việc kiểm tra nên đã có hành vi bỏ chạy, chống đối và gây thương tích người thi hành công vụ. Cả hai vụ việc đã được cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp với lực lượng CSGT củng cố hồ sơ để xử lý theo pháp luật hình sự.
Ở một diễn khác, tại tỉnh Hòa Bình, vào ngày 2/2, có trường hợp tài xế Đỗ Đình Tám đã điều khiển xe khi đang say rượu. Khi được Tổ công tác của Đội CSGT - Trật tự Công an TP Hòa Bình yêu cầu dừng lại, tài xế không chấp hành hiệu lệnh và quay đầu xe bỏ chạy. Chiếc ô tô chỉ dừng lại sau khi tông trúng mô tô của lực lượng chức năng tại chốt kiểm tra. Tài xế vẫn ngồi trên xe chửi bới lực lượng chức năng, sau đó xuống xe túm cổ áo và tấn công khiến một chiến sĩ CSGT bị thương và phải nhập viện. Đối tượng sau đó đã bị tổ công tác khống chế, kiểm tra nồng độ cồn 1,163mg/l khí thở, bị xử phạt 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Theo thống kê của Cục CSGT, trong năm 2022, cả nước đã xảy ra 26 vụ chống người thi hành công vụ, làm 10 cán bộ, chiến sĩ CSGT bị thương. Đặc biệt, trong thời gian gần đây xảy ra một số vụ lái xe say rượu hoặc/và dương tính với ma túy, khi bị kiểm tra đã chống đối quyết liệt, bỏ chạy trên đoạn đường dài, chèn ép xe cảnh sát, gây tai nạn rồi bỏ chạy. Đáng nói, có đối tượng chỉ cần thấy CSGT ra tín hiệu dừng xe, chưa tiếp xúc với CSGT, chưa biết vi phạm gì… đã tăng ga lao thẳng vào CSGT.
Trước đây, người vi phạm thường xin xỏ để được bỏ qua, nếu không được sẽ quay ra khiêu khích, sau đó có thể mới xuất hiện thái độ chống đối. Nhưng hiện nay, đã có tình trạng người vi phạm chủ động tấn công lực lượng CSGT ngay từ đầu, cho thấy mức độ nguy hiểm của những hành vi này đang ngày càng gia tăng. Mặt khác, cũng có nhiều đối tượng ghi hình hoạt động của CSGT, đăng tải lên mạng xã hội với mục đích khiêu khích, giễu cợt, cố tình cản trở hoạt động của lực lượng CSGT
Tăng nặng chế tài xử lý để răn đe
Theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ có mức phạt tiền từ 1 – 8 triệu đồng tuỳ theo mức độ vi phạm. Trong đó, việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ;… là những hành vi bị phạt nặng nhất. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên thực tế, ngày càng nhiều người vi phạm có hành vi chống đối CSGT khi đang thi hành công vụ theo tính chất và mức độ vi phạm khác nhau, đặt ra câu hỏi về tính chất răn đe của những chế tài nêu trên đã đủ chưa. Dư luận cho rằng, hành vi lái xe không tuân thủ hiệu lệnh, lăng mạ, chống đối, tấn công người thi hành công vụ cần được xử lý thật nghiêm khắc để răn đe xã hội. Bên cạnh đó, cả những trường hợp lợi dụng quyền giám sát để cản trở, khiêu khích CSGT, đăng tải thông tin tiêu cực trên Internet cũng phải được xử lý thích đáng theo quy định của Luật An ninh mạng.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho CSGT khi thực thi công vụ, cần kết hợp cả các giải pháp “phạt nguội”. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, nên cân nhắc cả hình phạt tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với những đối tượng vi phạm pháp luật giao thông nghiêm trọng để tạo tính răn đe, phòng ngừa các đối tượng này gây nguy hiểm cho xã hội.
Cùng với đó, cần tăng cường kỹ năng xử lý cho lực lượng CSGT để phòng tránh, “hóa giải” nguy cơ người vi phạm chống đối.