QTV: Trong cuộc sống hôm nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã thành công, trong đó có sự đóng góp công sức của những nhà khoa học là nữ giới. Chị Trần Thị Doanh, thạc sỹ nông học, trưởng phòng nuôi cấy mô của Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm nông nghiệp Quảng Ninh là một trong những người đã có công trong việc tạo ra các giống cây mới, cho năng suất cao, những đóng góp này có ý nghĩa lớn trong sự thành công của các đề án lâm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh.
Chị Trần Thị Doanh ( bên trái) |
Sau khi tốt nghiệp Đại học lâm nghiệp, chị Doanh đươc phân công công tác tại trung tâm Khoa học và sản xuất lâm nông nghiệp QN và làm việc tại Bộ môn Lâm học. Phòng Nuôi cấy mô của trung tâm là nơi chị Doanh và các đồng nghiệp hàng ngày nghiên cứu, nuôi cấy những mầm sống ban đầu của một cây trồng. Bộ phận này được thành lập từ năm 1995, và để phục vụ cho công việc chị Doanh được Lãnh đạo trung tâm cử đi học tại Trung Quốc về công nghệ nhân giống vô tính. Công nghệ này nhân giống vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô với ưu điểm nổi bật là xuất được một số lượng lớn cây giống chỉ trong thời gian ngắn, cây giống sản xuất ra giữ được nguyên bản chất di truyền của vật liệu ưu trội. Do đó nó có ý nghĩa quan trọng trong việc làm tăng năng suất và chất lượng các sản phẩm được gây trồng trên diện rộng. Miệt mài nghiên cứu đến năm 1997, chị đã tìm ra qui trình nuôi cấy mô cho loài cây keo lai, tiếp đó là cây Đu đủ và đã áp dụng vào sản xuất được trên 3 vạn cây keo lai mô, bước đầu mở ra triển vọng sản xuất cây giống chất lượng cao trên qui mô lớn.
Không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, chị lại cùng các đồng nghiệp say sưa nghiên cứu, đến năm 1998, qui trình nhân giống bạch đàn U6 được tìm ra, áp dụng và đã sản xuất được 200 nghìn cây vào năm 1998, đến năm 2005, sản lượng tăng lên 8,5 triệu cây . Đến nay chị Doanh đã là trưởng phòng nuôi cấy mô của Trung tâm KH&SX Lâm nông nghiệp Quảng Ninh.
Chị Trần Thị Doanh tâm sự: Khi còn trẻ, chị đi thực tế nhiều và thấy rằng rừng Quảng Ninh tuy nhiều nhưng bị khai thác bừa bãi, chất lượng giống cây không đảm bảo. Chị mơ ước làm thế nào để có thể tạo ra được những giống cây sinh trưởng phát triển tốt phục vụ cho trồng rừng.
Và đến nay có thể nói ước mơ ấy của chị đã trở thành hiện thực. Đó là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu, tìm tòi vất vả.
Ngoài công việc nghiên cứu, chị Doanh còn đảm nhận nhiệm vụ quản lý chỉ đạo sản xuất với quân số 70 người. Do đặc thù công việc khá vất vả, địa bàn sản xuất thường ở những vùng sâu vùng xa, khí hậu khắc nghiệt, thị trường cây giống bấp bênh, lao động chủ yếu là nữ, nên việc chỉ đạo sản xuất của chị Doanh gặp nhiều khó khăn. Nhưng xác định kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học tại trung tâm không phải là của một cá nhân mà là của cả tập thể nên chị Doang luôn động viên chị em làm việc. Kết quả là phòng nuôi cấy mô của chị hàng năm đóng góp vào doanh thu của trung tâm từ 2 đến 3 tỷ đồng và cũng tạo thu nhập cho chính bản thân cán bộ công nhân viên của phòng Nuôi cấy mô.
Trong những năm gần đây, Trung tâm KH và SX Lâm nông nghiệp QN chuyển hướng nghiên cứu sản xuất một số loại hoa và rau cao cấp. Năm 2009 vừa qua, trung tâm đã rất thành công với loài lan Hồ điệp, nhận được sự phản hồi tích cực từ thì trường và trung tâm đã tiêu thụ một số lượng lớn lan Hồ điệp vào Tết âm lịch vừa qua. Thành công này có sự đóng góp lớn của phòng nuôi cấy mô nói chung và trưởng phòng Trần Thị Doanh nói riêng.
Đã bước sang tuổi 50 nhưng chị Doanh vẫn hăng say làm việc, mải miết với các đề tài nghiên cứu. Sự gắn bó với các loài cây đã đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo khoa học ở người phụ nữ này. Hi vọng chị sẽ thành công hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp khoa học của tỉnh Quảng Ninh.
Hoài Minh