Nông dân “khóc ròng”
Theo kế hoạch trong năm nay, toàn tỉnh sẽ đưa vào trồng 6.700ha sắn. Hiện trên địa bàn đã trồng 4.900ha, tập trung tại huyện Phong Điền, TX Hương Trà, huyện Quảng Điền.
Bệnh khảm lá sắn đã đang gây hại trên diện tích chừng 1.600ha. Trong đó, diện tích bị mất trắng hơn 800ha; diện tích nhiễm trung bình - nặng 700ha. Các địa phương đã đang nhổ bỏ, tiêu hủy chừng 1.000ha.
Diện tích nhiễm bệnh nặng tập trung ở xã Phong An, Phong Sơn, Phong Hiền, Phong Hòa, Phong Chương của huyện Phong Điền. Còn ở TX Hương Trà tập trung ở phường Hương Văn, Hương Xuân, Hương Chữ, Hương Vân. Mới đây, bệnh này còn gây hại lên địa bàn huyện vùng núi A Lưới, với diện tích 10ha, tập trung ở xã Hồng Hạ và xã Hương Nguyên.
Theo tìm hiểu, bệnh khảm lá sắn lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh. Khi cây sắn còn non bị nhiễm virus sẽ không cho củ; cây đã lớn mới nhiễm virus vẫn có biểu hiện bệnh nhưng thiệt hại nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm.
Tình hình bệnh khảm lá sắn diễn ra trên diện rộng và ngày càng nghiêm trọng khiến người dân “đứng ngồi không yên” khi phải tiêu hủy sắn, năng suất những cây còn lại có thể giảm sút, kinh tế thiệt hại nặng...
Vụ sắn năm nay, ông Trần Hưng Thạnh (ngụ Giáp Thượng, phường Hương Văn, TX Hương Trà) trồng 15ha sắn hiện được 3 tháng tuổi. Sau một thời gian, cây có hiện tượng bị xoăn, bạc lá, lây lan nhanh các cây khác. Ông đã mua nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật về phun và tăng cường bón phân nhưng bệnh không thuyên giảm. Gần nửa diện tích trồng sắn của ông bị nhiễm nặng vừa bị tiêu hủy. Theo tính toán, vụ này nhà ông phải bỏ ra 500 triệu đồng mua giống, tiền công, máy cày, phân bón.
Ông Thạnh buồn bã: “Đây là bệnh mới, chưa từng xảy ra nên chúng tôi không biết làm sao để chữa. Gần đây chính quyền nói tôi phải tự nhổ bỏ rồi đốt để tránh mầm bệnh lây lan, tôi chấp hành; lại tốn tiền thuê người làm. Tính sơ sơ, vợ chồng tôi mất trắng 200 triệu đồng vì sắn; tiền mua phân bón còn nợ ở ngân hàng, chưa biết lấy đâu mà trả?”.
Vụ đông xuân 2019, đậu phộng ở địa phương này đa phần cũng đều bị chết vì khô hạn kéo dài và nông dân đã được hỗ trợ theo quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất tại vùng bị thiệt hại do thiên tai.
Ông Lê Ánh (ngụ phường Hương Xuân) bày tỏ: “Tôi đã có kinh nghiệm hơn 40 năm trồng sắn, đây là loại bệnh lạ, dù có hái lá bỏ đi thì lá mới lên cũng bị xoắn lại như thường. Nếu cơ quan chuyên môn như bên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT biết bệnh này để khuyến cáo sớm cho nông dân thì hay. Khi đó chúng tôi sẽ phá bỏ sắn bị nhiễm bệnh sớm; vừa đỡ tốn tiền bón phân, vừa đỡ lây bệnh cho diện tích khác, lại có thể trồng mới được. Hai cây trồng chủ lực của nông dân chúng tôi là đậu và sắn trong hai năm nay đều mất trắng”.
Dùng xăng để tiêu hủy sắn bị bệnh |
Thống kê, hỗ trợ cho nông dân
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, với điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao trong thời gian tới, bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) sẽ tiếp tục phát sinh gây hại, nguồn bệnh đang tồn đọng trên các vùng trồng sắn.
Chi cục khuyến cáo nông dân tăng cường tiêu hủy bệnh khảm lá sắn. Thường xuyên kiểm tra và phun trừ bọ phấn nơi có mật độ cao bằng các loại thuốc hóa học như Chess 50WG, Topchets 650WG… kịp thời, hiệu quả, tránh chủ quan để bọ phấn trắng mô giới truyền bệnh khảm lá phát tán lây lan trên diện rộng.
Với các địa phương chưa phát hiện bệnh, cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rà soát diện tích trồng sắn, bệnh khảm lá để khoanh vùng dập dịch. Đồng thời kiểm tra nghiêm ngặt nguồn giống.
UBND tỉnh đã công bố dịch bệnh khảm lá sắn và giao việc cụ thể cho Sở NN&PTNT, UBND các huyện Phong Điền, Quảng Điện và TX Hương Trà chỉ đạo các địa phương có dịch bệnh khảm lá sắn thi hành nghiêm Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, áp dụng các biện pháp phòng trừ. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương này chủ động bố trí ngân sách hỗ trợ cho bà con nông dân bị thiệt hại.
Theo ông Nguyễn Văn Phương (Phó Chủ tịch UBND tỉnh): “Hiện bệnh khảm lá sắn đang lây lan nhanh và gây hại nghiêm trọng, các đơn vị phải triển khai khẩn cấp phòng chống. Ngoài ra, phải khuyến cáo người dân tuyệt đối không được sử dụng các cây đã nhiễm bệnh để làm giống, gieo trồng; chủ động nhổ bỏ tiêu hủy các cây có triệu chứng khảm vàng loang lổ trên lá, lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm, nhằm hạn chế lây lan.
Địa phương cũng cần tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân về bệnh, tác hại và các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; nghiên cứu, chuyển đổi cây trồng ở các diện tích đã nhiễm bệnh cũng như tìm các giải pháp hỗ trợ vật tư, phương tiện cho nông dân trong thời gian tới”.
Một trong những nơi đầu tiên làm thủ tục để hỗ trợ cho nông dân là xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Theo ông Đoàn Văn Quốc (Chủ tịch UBND xã), tính đến 15/4, địa phương có 66,2ha sắn bị bệnh khảm lá. Trong đợt này, huyện quyết định hỗ trợ số tiền 102.300.000 đồng, 371 hộ sẽ được nhận. Các hộ còn lại sẽ được hỗ trợ trong các đợt tiếp theo.
Các địa phương đều cho rằng giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là khả thi nhất trong tình hình hiện nay. Về lâu dài, cần có phương án nghiên cứu ra các giống sắn kháng nhằm chống chịu với virus khảm lá sắn. Như thế mới có thể đối phó với loại bệnh này. Vì thế rất cần sự vào cuộc của ngành nông nghiệp, nhà khoa học nhằm đẩy lùi bệnh.
UBND TX Hương Trà và UBND huyện Phong Điền đã thống nhất mức hỗ trợ tiêu hủy 2 triệu đồng/ha với diện tích bị nhiễm bệnh trên 70% và 1 triệu đồng/ha với diện tích bị nhiễm bệnh 30-70%. Các địa phương đơn vị tùy vào điều kiện để hỗ trợ thêm.
Tại TX Hương Trà, theo ông Lê Hoài Nam (Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp), hiện có 291/560 hecta bị nhiễm bệnh. Địa phương đã thành lập tổ công tác, huy động nhân dân, lực lượng dân quân tự vệ tổ chức các đợt ra quân tiêu hủy đồng loạt; đến nay đã tiêu hủy được 233ha. Diện tích chưa tiêu hủy tập trung ở phường Hương Vân do nơi đây sắn trồng xen với lạc và lạc cũng sắp thu hoạch nên sẽ hủy sau. Địa phương đang trồng thử nghiệm cây đậu tương để thay thế cây sắn, đảm bảo sinh kế cho nông dân...