Rét đậm kéo dài ảnh hưởng nhiều tới việc trồng trọt của bà con nông dân, nhất là chuẩn bị sản phẩm hàng hóa cung ứng dịp Tết Nguyên đán Tân Mão. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường rau quả “sốt”.
Người trồng rau lỡ dịp
9 giờ sáng trên cánh đồng Giồng (Thủy Đường, Thủy Nguyên) vắng người làm hơn mọi khi. Một trong 2 người đang làm đất, chị Nguyễn Thị Luân ở xóm Quán (Thủy Đường) cho biết, trời lạnh nên mọi người ra đồng muộn. Như bình thường, giờ này, khá đông người có mặt ở ruộng chăm bón hoặc hái rau bán, thậm chí 3-4 giờ sáng trên cánh đồng đã có người. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là thời tiết này khiến ngoài đồng “không có nhiều việc”. Trời rét đậm, rau phát triển chậm, muốn trồng mới hay thu hoạch cũng không được. Thường, thu hoạch xong, cho đất nghỉ 3-4 ngày, lại trồng mới. Nhưng đợt này phải lùi lại, chờ thời tiết ấm hơn. Còn những luống đã trồng, thời gian thu hoạch bị kéo dài. Đây cũng là lý do khiến giá rau trên thị trường đang “nóng”. Chị Luân chỉ luống rau cải cúc thu hoạch dở 1 vài hàng thở dài: “Do ảnh hưởng thời tiết, rau vẫn “ngắn”, mọi người hái dở rồi để đấy. Hay như rau xà lách, bình thường, trồng 1 tháng cho thu hoạch, thời tiết này phải tháng rưỡi”. Bà Nguyễn Thị Hoa (xóm Trại, Thủy Đường) chia sẻ. “Để có rau bán Tết, mọi người cũng tính toán thời gian nhưng vẫn không lại với thời tiết”. Nhiều bà con trồng rau ở Thủy Nguyên cho biết, chỉ cần trời ấm trở lại khoảng 1 tuần, sẽ không thiếu rau và giá cả mặt hàng này lại trở lại bình thường.
Bà con nông dân ở huyện An Dương lo lắng hơn vì đây là thời điểm thu hoạch nhiều loại rau. Bác Liên (xã Đồng Thái) cho biết, bị ảnh hưởng nhiều nhất là các cây ngắn ngày, trồng 1 tháng có thể thu hoạch. Với các loại rau như súp lơ, cải bắp, cà chua…để có rau phục vụ Tết, thường trồng trước đó 2 – 3 tháng. Ví dụ như cà chua, trồng từ tháng 10 có thể thu hoạch qua Tết; một số ruộng bị cháy, bà con đã kịp thời trồng mới để cho thu hoạch vào dịp Tết. Ông Bùi Xuân Khải, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương cho biết, thời tiết ảnh hưởng nhiều đến cây trồng nhưng lo nhất hiện nay là làng hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện.
Nông dân làng Đồng Dụ (Đặng Cương, An Dương) tưới nước giúp cây đào giữ ấm trong những ngày rét đậm. |
Lo …hoa cắt cành
Nghe dự báo thời tiết, đợt rét còn kéo dài đến gần Tết, anh Vũ Văn Tiếp ở thôn Văn Phong (Đồng Thái) thấp thỏm không yên với 7 sào hoa lay ơn. Anh Tiếp cho biết, nóng hay lạnh quá đều bất lợi cho sự phát triển của hoa. Năm trước, người trồng hoa đã chao đảo vì trời ấm, năm nay có nguy cơ chao đảo bởi trời rét đậm kéo dài. Nhất là đối với người trồng hoa cắt cành. Như mọi năm, vào giờ này hoa lay ơn đã phân công (tách nụ), thậm chí đã có hoa để bán, năm nay hoa chưa ra bắp. Một số cây hoa ra bắp từ đầu tháng, thì 2 tuần nay vẫn thế, chưa thấy phân công. “Giống hoa này nếu thuận thời tiết (trời nồm) nở rất nhanh. Chỉ cần trời ấm trong khoảng 5 ngày là đủ...” – anh Tiếp chia sẻ. Anh Nguyễn Văn Thùy, Chủ nhiệm HTX Đồng Thái cho biết, nếu thời tiết ấm hơn, cũng phải ngoài 20 tháng Chạp âm lịch mới có hoa. Còn nếu rét tiếp tục kéo dài, không chắc đã được thu hoạch.
Tuy không lo lắng nhiều như người trồng hoa cắt cành, nhưng người trồng đào vất vả và bận rộn hơn khi trở rét đậm. Bác Phạm Văn Hạnh (Đặng Cương, An Dương) cho biết, năm nay bà con tuốt lá sớm nhưng vẫn không tránh được sự ảnh hưởng của thời tiết. Theo nguyên tắc, phải sử dụng bóng điện giữ ấm cho cây. Nhưng cả một cánh đồng đào rộng như thế này thì chăng bao nhiêu cho đủ. Vì vậy, để giảm sự tác động, mọi người tăng cường tưới nước, bón phân lân để gốc đào ấm, tăng nhiệt, giúp đào kịp bung nụ, nở hoa. Tuy nhiên, không vì thế mà làng hoa vắng khách đến thăm và chọn mua. Hiện, nhiều vườn bán được 20 -30% số đào có trong vườn.
Bài và ảnh: Hà Minh