Xin sóng đài truyền hình, xin tiền nhà tài trợ - câu chuyện tưởng như không liên quan đến việc sản xuất một bộ phim, nhưng nó lại là chuyện đã và đang tồn tại phía sau trường quay phim truyền hình. Đạo diễn - biên kịch Trần Đình Thu, Trưởng dự án phim truyền hình của Hãng phim Thanh Niên, kể về những điều ít biết trong nghề làm phim của mình.
Đạo diễn - Biên kịch Trần Đình Thu |
- Là một nhà sản xuất, anh có thể cho biết một tập phim truyền hình hiện nay cần bao nhiêu tiền?
- Rất khó trả lời câu hỏi này. Có nhiều loại phim khác nhau với mức chi phí rất khác nhau, từ cả tỷ đồng mỗi tập cho đến xấp xỉ một trăm triệu đồng một tập tùy loại. Ở đây chúng tôi xin nói đến loại phim xã hội hóa bình thường ở các đài hiện nay, là loại phim chi phí thấp.
Tôi lấy một ví dụ thế này, chúng tôi đang thực hiện dự án phim “Lấy chồng Hàn”. Nếu chúng tôi chọn phương án ký hợp đồng tiền mặt với đài SCTV thì hợp đồng sẽ quy định mức khởi điểm là 150 triệu đồng mỗi tập; sau đó nếu làm tốt hơn thì mới có thưởng. Mặc dầu mức thưởng có thể đến trên 230 triệu mỗi tập nhưng làm sao biết chắc là mình được thưởng ở mức nào để quyết định đầu tư?. Vậy chúng tôi sẽ chọn mức đầu tư nào đây?.
Đầu tư thấp thì chất lượng kém mà đầu tư cao thì có khi bị lỗ vốn. Nói như vậy để bạn thấy rằng, kinh phí cho một tập phim là bài toán hóc búa của nhà sản xuất. Vừa rồi chúng tôi phối hợp với một nhà đầu tư cá nhân sản xuất bộ phim “Oan nghiệt” với chi phí gần 200 triệu mỗi tập nhưng hiện cũng có những đạo diễn sẵn sàng nhận trọn gói 100 triệu/tập phim đề tài tâm lý xã hội như vậy, thậm chí thấp hơn 100 triệu họ cũng nhận.
- Công đoạn nào là khó nhất trong việc làm phim truyền hình: Xin sóng hay xin tài trợ?
- Với những kênh truyền hình lớn và uy tín như VTV1, VTV3, HTV7, HTV9, SCTV14… thì việc xin sóng khó hay dễ phụ thuộc vào chất lượng kịch bản. Khi tôi mới bước vào lĩnh vực sản xuất, nhiều người “hù” tôi là sóng ở các đài đã có chủ hết trơn rồi, không chen chân vào nổi đâu, nhưng thực tế không phải như vậy. Với các kênh kể trên, tôi cho rằng hiện nay không hề có việc “xí” phần. Nếu kịch bản của bạn thật hay và phù hợp tiêu chí của Đài, thế nào bạn cũng xin được sóng. Như kịch bản “Lấy chồng Hàn” chúng tôi xin sóng một cách công khai minh bạch ở SCTV 14 mà không cần phải “chạy” như lời đồn đại.
Còn việc xin tài trợ thì lại là chuyện khác, là một vấn đề không dễ trình bày trong một hai câu. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau chứ không đơn giản như việc xin sóng.
- Các sản phẩm tài trợ trong phim thường gây phản cảm cho khán giả vì nó được phô ra quá lộ liễu. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Trước hết, khán giả nên thông cảm cho các nhà làm phim, đôi lúc sản xuất mấy chục tập phim, phần lãi nằm ở kinh phí tài trợ đó thôi, nghĩa là không có mấy cái đó thì nhà sản xuất không biết bấu víu vào đâu để mà kiếm lãi. Nhiều người kêu rêu về chuyện này nhưng không nghĩ ngược lại cho nhà sản xuất, tại sao họ lại làm như vậy?.
Ai cũng thích một bộ phim hoàn toàn không có quảng cáo nhưng điều đó thì khó lắm. Quan trọng là khi lồng ghép quảng cáo vào phim, họ làm thế nào cho khỏi bị sượng quá mà thôi. Có một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lồng ghép quảng cáo bị sượng, là nhà sản xuất không chuẩn bị sẵn một kịch bản lồng ghép mà đạo diễn ghép “sống” ngay tại phim trường nên thành ra không nhuyễn. Vậy thôi.
- Trong thị trường phim hiện nay, chúng ta cần có hành động gì để phim Việt có sức sống, tránh nhàm chán và dễ đi vào chỗ phản nghệ thuật?
- Tôi làm phim chưa lâu, chưa có thành quả gì đáng kể nên không dám bàn nhiều về vấn đề này, chỉ xin góp đôi lời. Trước nay có nhiều diễn đàn lên án phim Việt, so sánh phim Việt với phim Hàn quốc hay phim Mỹ. Khán giả bức xúc thì hoàn toàn đúng, nhưng mà so sánh thì không đúng.
Một diễn viên ngôi sao của phim Hàn có mức cát xê lên đến 40 tỷ đồng cho một bộ phim truyền hình 30 tập. Con số này bằng tổng chi phí của 10 bộ phim truyền hình Việt có độ dài tương tự, và cao gấp 100 lần cat xê của một sao Việt. Tương tự, một nhà biên kịch Hàn Quốc hay Trung Quốc có thu nhập cao gấp hàng mấy chục lần so với biên kịch Việt Nam. Vậy thì sao có thể so sánh 1 bộ phim truyền hình Việt với một bộ phim truyền hình Hàn Quốc?.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, không phải vì thế mà chúng ta chấp nhận chất lượng phim Việt kém mãi. Tôi cho rằng hiện nay đang có một cuộc chạy đua về việc nâng cao chất lượng phim giữa các đài truyền hình. Thí dụ như SCTV, họ áp dụng một phương pháp khắc nghiệt là chỉ trả tiền cho những phim nào đạt chỉ số rating (chỉ số đo lượng người xem đài tương đối) trên 1,5; dưới con số này thì nhà sản xuất mất trắng. Còn HTV thì sẵn sàng mua kịch bản trực tiếp từ nhà biên kịch để phân phối lại cho nhà sản xuất, vì thế họ lọc được những kịch bản hay. Đó là những tìn hiệu cho thấy thị trường phim Việt đang chuyển mình.
- Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Tuấn Ngọc (thực hiện)