Ký ức thời binh nghiệp luôn thôi thúc…
Tôi từ Tây Nguyên ra thăm ông. Đến chân cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng, nối giữa Vĩnh Phúc với Thủ đô Hà Nội, hỏi thăm nhà ông Ngưỡng, một cháu gái khoảng hơn 10 tuổi nhanh nhảu: “Chú đi theo cháu”. Cứ thế cháu chạy trước, tôi xe máy theo sau. Khoảng gần nửa cây số thì cháu chỉ tay “Nhà bác Ngưỡng đây chú ạ” rồi chạy hút vào trong xóm.
Tôi chưa kịp cảm ơn cháu thì một người đàn ông dong dỏng gầy, tóc bạc nhanh nhẹn bước ra: “Tôi là Ngưỡng đây”. Nụ cười tươi tắn, thân thiện của ông cùng với cái bắt tay mạnh mẽ, khỏe khoắn đúng “chất lính” với những tiếng chào hỏi, chuyện trò rôm rả tạo nên một không gian thật vui vẻ, đầm ấm, như xua tan bao mệt mỏi qua chặng đường dài.
Mặc dù đã được đồng nghiệp trong làng báo Vĩnh Phúc nhắc nhiều về ông, một doanh nhân mang đậm chất lính: Hào khí, sôi nổi nhưng rất đỗi chân thành, khi gặp ông, tôi mới hiểu được cái chất lính trong con người ông chủ một doanh nghiệp bên bờ sông Hồng mãnh liệt, hào khí như thế nào.
Không câu nệ tiểu tiết, ông thoải mái, hào sảng, thân thiết như những người bạn lâu ngày gặp nhau. Khi chúng tôi gợi chuyện về những kỷ niệm chiến trường, giọng ông bỗng trầm lại, ký ức về một thời binh nghiệp bỗng ùa về rõ nét. Trong những năm cả nước dồn sức chống xâm lược trên biên giới phía Bắc, đầu năm 1978, Đỗ Văn Ngưỡng đi bộ đội vào Sư đoàn 316 thuộc Quân khu 2.
Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ được đi tuyến đầu biên giới, trong một trận đánh tháng 2/1979 đối diện với quân thù tại điểm cao 1046 mặt trận Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ngày ấy, Thượng úy Đỗ Văn Ngưỡng đã bị thương và được đưa lùi về tuyến sau.
Những tháng năm sau đó, ông tiếp tục dấn thân, cống hiến sức trẻ của mình cho đơn vị cho đến lúc ra quân năm 1981. Trong những năm tháng trong quân ngũ, Đỗ Văn Ngưỡng luôn nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã nhận được nhiều Bằng khen của Quân đội; được bạn bè, đồng chí quý trọng, tin yêu.
Trở về quê hương với thương tích của chiến tranh, nhưng so với các đồng đội, ông cho rằng bản thân còn may mắn hơn nhiều: “Đồng đội tôi nhiều người đã ngã xuống cho nền độc lập, hòa bình của đất nước hôm nay. Có người đến bây giờ vẫn còn đang nằm lại đâu đó trên chiến trường chưa được trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Trở thành doanh nhân như một cái duyên, tôi khát khao và hy vọng mình sẽ tiếp tục đóng góp dựng xây và phát triển đất nước trong hoàn cảnh mới và mong được giúp đỡ những mảnh đời xung quanh mình…” - ông tâm sự.
Bản lĩnh người lính trên mặt trận kinh tế
Cuối năm 1981, thương binh 2/4 Đỗ Văn Ngưỡng rời chiến trường trở về quê hương bên bờ sông Hồng thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Mặc dù mang trên người thương tích của chiến tranh nhưng bản lĩnh của anh Bộ đội Cụ Hồ đã giúp người cựu chiến binh này không lùi bước trước những khó khăn, vất vả. Ông cùng gia đình hăng hái tham gia vào phát triển kinh tế lao động sản xuất ở địa phương.
Thời điểm này nền kinh tế đất nước đang trong thời kỳ bao cấp, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Ông tâm sự: “Nhìn thấy cảnh nghèo khó mà bao đêm vợ chồng tôi trằn trọc, suy tư để nghĩ kế làm ăn. Có nhiều đêm tôi không sao chợp mắt nổi, bước lang thang bên bờ sông Hồng nghĩ về thế sự cuộc đời và tôi nghĩ là mình phải vượt lên…”.
Chuyện đến đây, vợ ông, bà Hà Thị Chi xen vào: “Nhà tôi nghèo lắm. Ông ấy đi bộ đội về hai bàn tay trắng”. Ông bà ngược xuôi buôn bán, thu mua nông sản, từ dâu tằm, đỗ, mía; trồng dâu, kéo kén rồi vào mãi tận Thanh Hóa mua chuối về bán, lên Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái mua sắn, măng, ngô… về xuôi bán kiếm lời. Bao nhiêu năm như thế, quăng quật, phong trần mà vẫn vượt qua.
Ngồi tâm sự với ông bên bờ sông Hồng, ông như được trải lòng khi nhớ lại chặng đường vượt lên khó nhọc để trở thành một doanh nghiệp có uy tín của tỉnh Vĩnh Phúc như ngày nay. Rít một hơi thuốc thật sâu, ông kể: Vợ chồng bàn tính mãi nhưng không có vốn để mở rộng sản xuất.
Mãi đến năm 2002, với sự quyết tâm và được sự động viên của nhiều đồng đội cũ, ông đã quyết định vay ngân hàng 500 triệu đồng để thành lập Công ty TNHH Tổng hợp Thương mại Vĩnh Thịnh nhằm đầu tư vào sản xuất kinh doanh con giống, cây trồng và chăn nuôi, phát triển dịch vụ nông nghiệp phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng.
“Vạn sự khởi đầu nan”, do làm ăn uy tín và phục vụ tốt nên doanh nghiệp Vĩnh Thịnh của ông ngày càng tạo dựng được niềm tin với khách hàng. Đến năm 2007, ông lại mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh, tiếp tục vay thêm vốn, thuê 10.000 mét vuông đất ngay sát bờ sông Hồng thuộc xã Vĩnh Thịnh để đầu tư kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng gồm: cát, đá, sỏi, xi măng, vận tải đường thủy, đường bộ…
Ông tâm sự: Lúc ban đầu do thiếu vốn, kinh nghiệm lại chưa có nên gặp không ít khó khăn nhưng với sự quyết tâm và lòng kiên định, với vai trò là Giám đốc doanh nghiệp, ông luôn tìm tòi, cầu thị và điều quan trọng nhất là giữ uy tín và chăm sóc khách hàng tận tình, chu đáo nên công ty dần vượt qua và đứng vững.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao danh hiệu Doanh nhân Văn hóa thế kỷ 21 cho ông Đỗ Văn Ngưỡng năm 2015 |
Ông không quản ngại gian khó, tất tả ngược xuôi khắp các tỉnh lân cận để mở rộng thị trường, chủ động hợp tác với các đối tác, liên kết để tìm kiếm bạn hàng với giá thành phù hợp, các bên đều có lợi để cùng nhau phát triển.
Hiện nay công ty thường xuyên có khoảng từ 25 đến 30 công nhân và hàng chục công nhân lao động cho từng thời điểm khác nhau, hầu hết là người địa phương, là cựu chiến binh, đồng đội cũ của ông và con em gia đình chính sách trong xã được ông giúp có việc làm ổn định với thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Tiếp xúc với nhiều người lao động ở đây, anh em công nhân cho biết, ông Ngưỡng là một người rất tốt bụng, sống có đạo đức, ông luôn quan tâm đến đời sống của mọi người, coi anh em công nhân như những người thân của gia đình.
Ông phân công lao động hợp lý nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi người. Ông cho biết, giai đoạn từ 2011 đến 2018, doanh thu bình quân của công ty hàng năm đạt từ 5 đến 7 tỷ đồng, lợi nhuận từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, ngoài kinh doanh vật liệu xây dựng, doanh nghiệp Vĩnh Thịnh của ông còn có một đội xe chuyên dùng phục vụ cả đường bộ và đường thủy đi khắp các tỉnh phía Bắc với một đội ngũ công nhân chuyên nghiệp, luôn lấy mục tiêu phục vụ khách hàng làm mục tiêu phấn đấu vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Năm 2015, ông lại đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt với hơn 1000 mét vuông chuồng trại. Ông lặn lội vào tận thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để tìm mua con giống. Hiện nay, trang trại doanh nghiệp Vĩnh Thịnh của ông luôn có từ 50 đến 70 con lợn nái và 600 đến 700 con lợn thịt.
Đến thăm trang trại này của ông, các cán bộ thú y của huyện Vĩnh Tường và tỉnh Vĩnh Phúc đều cho rằng được bảo đảm về môi trường, đáp ứng tốt các yêu cầu về tiêu chuẩn và hệ thống quản lý chất lượng về chăn nuôi gia súc theo quy định.
Sống là để tri ân
Đau đáu với những hoàn cảnh còn nghèo khó của những đồng đội cũ và những gia đình chính sách, gia đình nghèo trên quê hương Vĩnh Thịnh, mỗi năm, gia đình ông Ngưỡng dành từ 150 đến 200 triệu đồng để chăm lo công tác từ thiện xã hội. Năm 2016, ông bà còn tổ chức các hoạt động hướng về Trường Sa, Hoàng Sa với kinh phí hàng chục triệu đồng; đi thăm, tặng quà tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cựu chiến binh ở thành cổ Quảng Trị.
Doanh nghiệp còn hỗ trợ mỗi thôn trong xã Vĩnh Thịnh từ 10 đến 20 triệu đồng góp phần đẩy nhanh việc xây dựng Nông thôn mới. Đặc biệt, với anh chị em là công nhân làm việc cho công ty, ông đã giúp cho mỗi gia đình vay từ 5 đến 25 triệu đồng không lấy lãi để giúp họ chăn nuôi tăng thêm thu nhập, giải quyết khó khăn trong cuộc sống.
Những đóng góp của ông Đỗ Văn Ngưỡng trong suốt những năm qua đã được các cấp, các ngành ở địa phương và Trung ương ghi nhận, tuyên dương với những thành tích: Hội viên Cựu chiến binh sản xuất giỏi tỉnh Vĩnh Phúc các năm 2015, 2016, 2017, 2018; Doanh nhân Cựu chiến binh tiêu biểu toàn quốc; Doanh nhân Văn hóa thế kỷ 21; được Văn phòng Quốc hội tặng biểu tượng Quốc huy năm 2016 và rất nhiều Bằng khen của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Tường và xã Vĩnh Thịnh quê ông.
Chia tay ông Đỗ Văn Ngưỡng, tôi thật sự trân quý và cảm phục ý chí, khát vọng đi tới và tấm lòng của một doanh nhân người lính thời bình. Chúc ông luôn “thuận buồm xuôi gió” trong chặng đường dựng nghiệp phía trước.