Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng năm nay giá cả nhiều mặt hàng đồng loạt tăng mạnh từ trước. Lo sợ giá cả tiếp tục leo thang khi cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng, cả người bán hàng và các bà nội trợ đổ xô đi mua sắm, tích trữ hàng thiết yếu cho Tết.
Nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh chuẩn bị đủ lượng hàng để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết.(Ảnh chụp trên phố Phan Bội Châu) Ảnh: Trường Giang |
Hai ngày nghỉ cuối tuần, lượng khách đến siêu thị Big C tăng đáng kể. Chị Lưu Thị Hà, ở ngõ 191 đường Đà Nẵng (quận Ngô Quyền) cho biết, giá cả nhiều loại hàng tăng đến chóng mặt, chỉ tuần trước, tuần sau giá đã khác. Như chị vẫn mua sữa Milo cho con với giá 20.000/ lốc 4 hộp, nhưng vài ngày trước, tại đại lý đầu đường Đà Nẵng (quận Ngô Quyền) giá lên 21.500/ 1 lốc, mà cũng chưa có hàng về, chị đành phải chuyển sang mua loại khác. Chị thường căn ke có đợt khuyến mại ở siêu thị để mua dự trữ một số hàng như dầu ăn, xà phòng giặt, dầu gội đầu… giá rẻ hơn một chút hoặc được quà tặng kèm. Những loại hàng này dù có để lâu một chút cũng không sao. Đôi lúc siêu thị cũng khống chế số lượng hàng khuyến mại khách được mua trong ngày cũng là hợp lý để tránh việc một số người lợi dụng thu gom hàng rồi bán lại với giá cao.
Siêu thị Metro là trung tâm thương mại bán buôn, nhưng cũng là địa chỉ cho nhiều người tiêu dùng mua trữ hàng. Chị Nguyễn Thu Hằng ở phố Vũ Chí Thắng, phường Nghĩa Xá (quận Lê Chân) đẩy xe hàng chất cao ngất ra quầy thanh toán. Chị Hằng tâm sự, năm nào cũng vậy, chị đều mua số lượng đáng kể bánh kẹo, mứt, rượu để làm quà biếu hai bên gia đình nội, ngoại. Năm trước, sát Tết chị mua bánh Chocopie ở cửa hàng bánh kẹo bên ngoài đắt thêm 5000 đồng/gói, thắc mắc thì người bán hàng thản nhiên “Tết mà”. Rút kinh nghiệm năm nay đối phó với “bão giá”, chị Hằng dự trù số lượng bánh, kẹo cần mua để biếu và dùng trong gia đình trong dịp Tết, mua sớm một chút cho yên tâm. Mua hàng ở siêu thị, giá có phần ổn định hơn, lại không lo hàng giả, kém chất lượng. Không chỉ bánh, kẹo, bia, chị Hằng dự trữ luôn thực phẩm khô miến, mộc nhĩ, nấm hương, bột nêm… Sau khi xem xét, cân đong đo đếm giá cả giữa nhãn hàng này với nhãn hàng khác, cuối cùng chị khệ nệ xách 2 can dầu ăn Nepture loại 5 lít, một gói bột giặt Tide loại 9 kg. Chị bảo mua hàng với số lượng nhiều giá sẽ càng rẻ hơn. Mỗi thứ một chút, nếu khéo mua sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá.
Trong khi Nhà nước tiếp tục có những chính sách để bình ổn nhưng trên thị trường giá cả một số mặt hàng thiết yếu vẫn có xu hướng tăng. Chị Nguyễn Thị Mai, chủ cửa hàng bánh kẹo trên đường Chợ Hàng, phường Đông Hải (quận Lê Chân) cho biết: “Chưa đến Tết nhưng hầu hết các mặt hàng bánh kẹo, bia, đường, hạt dưa, hạt bí… giá đều tăng hơn so với trước. Giá dầu ăn các loại cũng tăng, có loại tăng từ khoảng 13.000 đến 17.000/ 1 can 5 lít. Hay bia lon Hà Nội đã tăng từ 170.000 đồng lên 200.000 đồng/thùng. Hôm trước, có doanh nghiệp tư nhân đặt mua 13 thùng bia để dự trữ làm quà cho nhân viên, dùng trong dịp Tết”.
Áp lực tăng giá tác động đến đời sống, sinh hoạt của nhiều gia đình. Các bà nội trợ phải áp dụng nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng, từ việc cắt giảm những khoản chi phí không thật sự cần thiết, chọn mua loại hàng giá vừa phải. Các đại lý và người tiêu dùng đều lo tích trữ mua hàng Tết từ sớm. Bình ổn giá, chống hàng giả, hàng kém chất lượng là mong muốn của người dân khi Tết cận kề. Việc kiểm soát giá đối với những mặt hàng, dịch vụ phải đăng ký, niêm yết giá cần được cơ quan chức năng, quản lý thị trường thực hiện chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá tùy tiện. Bên cạnh đó, người dân cần những thông tin cụ thể về chính sách hỗ trợ của thành phố, công bố về chỉ số giá tiêu dùng cũng như những điểm bán hàng bình ổn giá.
Hoàng Minh