Thực phẩm bẩn vẫn là vấn nạn
Chưa bao giờ cụm từ “thực phẩm không an toàn” lại được đề cập nhiều như hiện nay. Hàng ngày, truyền thông liên tục đưa tin về thực phẩm này. Những thông tin về lợn tăng trọng có dư lượng salbutamol quá lớn, gà thải loại dư thừa kháng sinh, đậu phụ tẩy trắng và trộn bột thạch cao, hoa quả được thúc chín bằng thuốc kích thích, nước giải khát được pha chế bằng hóa chất, phát hiện các cơ sở sản xuất bánh kẹo sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc...
Việc sản xuất thực phẩm chế biến sẵn với các thành phần và tiêu chuẩn không như đăng ký với cơ quan quản lý không chỉ gây ra các bệnh cấp tính do ngộ độc thực phẩm mà còn là nguyên nhân của nhiều bệnh mạn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể.
Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày trước Quốc hội đã nêu rõ thực trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được phản ánh là diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương.
Báo cáo cũng cho rằng, mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì bệnh ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.
Tại Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Kế hoạch 119 của UBND Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết: Trong 1 năm qua với gần 154.000 cuộc thanh, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện hàng nghìn cơ sở vi phạm, xử lý hành chính hơn 14 tỷ đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 3 tỷ đồng.
Tính riêng trong trong quý III/2018, cơ quan chức năng thành phố đã tổ chức 725 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại 24.125 cơ sở; số cơ sở đạt yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm là 20.215. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã xử phạt 2.024 cơ sở vi phạm với tổng số tiền gần 9,53 tỷ đồng, hủy sản phẩm của 184 cơ sở.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp uy tín lựa chọn phát triển nền văn hóa an toàn thực phẩm đặt người tiêu dùng ở vị trí trung tâm, đặc biệt là việc hình thành các vùng nguyên liệu sạch, chế biến thực phẩm an toàn đã được các cơ quan thẩm định chứng nhận thực hành tốt.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp làm ăn chộp giật, cung cấp, bán các mặt hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm vì lợi nhuận. Trong khi đó, Luật An toàn thực phẩm cũng như các văn bản hướng dẫn luật đã cho biết rất rõ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về tính an toàn và bảo đảm chất lượng sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường.
Như vậy, vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay vẫn còn diễn ra khá phức tạp, các cơ sở kinh doanh thực phẩm thường xuyên vi phạm các quy định an toàn thực phẩm, bất chấp pháp luật để trục lợi trên sức khỏe của cộng đồng.
Người dân cần tẩy chay thực phẩm bẩn
Đánh giá về những khó khăn trong việc phòng chống thực phẩm bẩn, ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, sau 1 năm triển khai nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả kế hoạch của UBND Hà Nội đã góp phần nâng cao năng lực công tác quản lý của các cấp, các ngành.
Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tuyến xã đa số chưa đáp ứng được các tiêu chí ATTP. Việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã và một số tuyến huyện đa số vẫn chỉ là nhắc nhở.
Đặc biệt, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng điều đáng lo ngại nhất hiện nay là một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa có thói quen phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn.
Ông Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, để thực phẩm bẩn bị loại trừ thì thái độ, hành vi của người tiêu dùng rất quan trọng. Hiện nay nhiều người vẫn giữ thói quen “tiện đâu mua đấy”, nhiều khi thấy thực phẩm được chế biến bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn cứ ham rẻ mà mua.
Ngoài ra, người dân cũng thích mua ngoài đường, ăn ngoài đường mà không cần biết thực phẩm đó đã được kiểm dịch chưa, món ăn đó có sạch không. Do đó, thực phẩm bẩn, bán rẻ vẫn “có đất sống”.
Ông Hiền cũng cho biết thêm, theo kế hoạch từ năm 2018-2020, Hà Nội sẽ về triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP. Hệ thống đã phân ra 3 cấp: thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Các điểm cảnh báo ATTP sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin, đưa ra biện pháp quản lý cảnh báo về ATTP trên địa bàn thành phố, từ đó đưa ra các biện pháp cảnh báo cho cộng đồng.
Theo ông Hiền, cần có một quy trình từ tiếp nhận, xử lý thông tin và đưa ra cảnh báo; phải phân công cụ thể, ai là người chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin ở mỗi cấp. Cơ quan nhà nước giám sát, hậu kiểm như thế nào để kiểm tra lại thông tin đã tiếp nhận có đúng hay không, xác nhận mức độ tin cậy của thông tin để từ đó đưa ra cảnh báo đến người dân. Đồng thời, cũng cần tránh trường hợp cảnh báo sai.