Gian lận vẫn diễn ra ngay trước mắt người tiêu dùng, họ bị “móc túi” một cách ngang nhiên mà không biết kêu ai… Vấn đề này đã được các đại biểu QH “mổ xẻ” khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật đo lường chiều 18/11.
Đề nghị phạt “kép” gian lận đo lường
Đại biểu Mai Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, thực tế hiện nay nhiều hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch và trong nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn… vẫn được diễn ra ngay trước mắt người tiêu dùng.
Ví dụ như hoạt động đo xăng dầu, người bán xăng bán cho khách xong nhưng không đưa đồng hồ về số 0 mà tiếp tục bán cho những người khác. Vì vậy, nhiều khách hàng không để ý thì sẽ bị “móc túi” một cách ngang nhiên mà không biết kêu ai.
Gian lận xăng dầu được nhiều đại biểu lấy làm dẫn chứng tại phiên thảo luận về dự án Luật đo lường chiều 18/11. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa) |
Đại biểu Tuyết lấy một dẫn chứng khác: Giá điện được tính theo bậc thang nhưng bất cập ở chỗ người sử dụng điện không biết được chỉ số đồng hồ của mình hàng tháng là bao nhiêu.
“Tôi ví dụ chúng ta quy định 50 số đầu tiên là giá thấp, từ số 51 đến số 100 giá cao lên rất nhiều, từ trên 100 đến 150 cao hơn nữa. Tháng này dùng hết 100 số, người ta chỉ tính có 50, tháng sau lại dùng 100 số họ cũng chỉ tính 50 thôi, đến tháng thứ ba đùng một cái lên 200 số. Người dân đi kiện không kiện được bởi vì tổng cộng điện năng dùng với chỉ số đồng hồ đo hiện tại là đúng”, bà Tuyết nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) cho rằng, để xảy ra tình trạng gian lận xăng dầu cũng như nhiều mặt hàng khác trong thời gian qua là do chế tài xử lý chưa đủ mạnh.
Dự thảo quy định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về đo lường được áp dụng không quá 5 lần số tiền thu lợi.
“Như vậy cũng chưa thỏa đáng, bởi vì có phạt như vậy cũng không thấm vào đâu do gian lận thương mại đưa lại”, bà Mai nhấn mạnh.
Để mức phạt đủ sức răn đe, bà Mai đề nghị áp dụng phương pháp phạt kép, tức là vừa phạt hành vi vi phạm về đo lường, vừa phạt hành vi vi phạm về gian lận hàng hóa trong thương mại.
Không chỉ quy định về mức phạt, theo đại biểu Rcom Sa Duyên (Gia Lai) muốn hạn chế hành vi gian lận đo lường thì phải biến chính những người tiêu dùng thành một kiểm soát viên bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Muốn vậy, đại biểu Duyên đề nghị cần phải có quy định bắt buộc người tiêu dùng có quyền như yêu cầu người bán, tức là người bán phải tạo điều kiện thuận lợi để kiểm tra phương tiện đo, thực hiện phép đo lượng hàng hóa đã mua.
Kiểm định phương tiện đo: “Vừa đá bóng vừa thổi còi”
Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện nay còn 30% - 40% số phương tiện đo thuộc danh mục nhưng chưa được kiểm định đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đó chỉ là con số thống kê, còn thực tế, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) việc kiểm định các phương tiện này còn rất nhiều bất cập, không chính xác và khách quan.
“Một số lượng không nhỏ tổ chức kiểm định phương tiện đo ở trong các lĩnh vực như điện năng, nước sạch, xăng dầu cũng đồng thời là doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ này đã gây hiện tượng "vừa đá bóng vừa thổi còi"”, bà Mai dẫn chứng sự không minh bạch trong hoạt động kiểm định.
Vì vậy, để khắc phục những bất cập trên, bà Mai kiến nghị “Nên chăng cần có đơn vị kiểm định thiết bị đo lường độc lập, đơn vị này được các tổ chức quốc tế công nhận”.
Đại biểu Rcom Sa Duyên (Gia Lai) cũng thẳng thắn nêu thực trạng: “Nhiều đơn vị tổ chức vừa có chức năng kiểm định phương tiện đo vừa làm nhiệm vụ sự nghiệp và cả kinh doanh. Do đó cần có khoản mục quy định các biện pháp nhằm loại bỏ những tồn tại tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý Nhà nước và các hoạt động sự nghiệp kinh doanh”.
Đại biểu Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) đề nghị nên bổ sung vào Dự thảo Luật một khoản, điều quy đinh "Những đơn vị sử dụng phương tiện đo lường để kinh doanh, buôn bán thì ở trong ngành đó không được làm công tác kiểm định".
Một bất cập khác trong việc kiểm định phương tiện đo lường là ngoài kiểm định trước khi sử dụng thì việc kiểm định định kỳ sau một thời gian nhất định, được tiến hành như thế nào.
Đại biểu Võ Thị Dễ (Long An) cho rằng, nếu bỏ quên việc kiểm tra định kỳ, nhất là với các phương tiện đo trong y tế thì sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ như máy đo huyết áp, nồi áp suất, máy xét nghiệm máu phải định kỳ kiểm tra để đảm bảo lúc nào cũng phải chính xác, liên quan đến việc chuẩn đoán và điều trị bệnh.
“Tôi đề nghị bổ sung một khoản là Chính phủ sẽ quy định cụ thể nhóm phương tiện đo lường nào sẽ áp dụng việc kiểm định, hiệu chuẩn định kỳ”, đại biểu Dễ nói.
Nguồn: Bee.net