Nằm khuất sâu trong xóm nhỏ chuyên nghề tạc tượng lâu đời, mấy ai biết có một nghệ nhân vào mỗi sáng chủ nhật lại "hóa thân" thành ông đồ dạy chữ Hán – Nôm cho những người học trò hoài cổ, luôn trân trọng quá khứ.
ông đồ Nghiêm |
Ông đồ Nho của làng tạc tượng
Đến xóm Đình, xã Sơn Đồng, Huyện Hoài Đức, Hà Nội vào một chiều tháng Tư chớm nắng. Chúng tôi đi tìm ông đồ Nho Nguyễn Nghiêm Đạt, người thầy của lớp học Hán Nôm. Sao Khuê- người dân ở đây thường gọi ông bằng cái tên từ thuở thiếu thời. Nghiêm Vết là tên tục cụ thân sinh đặt cho ông gửi gắm một tâm nguyện đau đáu, rằng ông sẽ là người truyền lửa, giữ lại vết tích cho thứ ngôn ngữ cổ đang mai một dần theo năm tháng.
Nếu như nói nghề tác tượng điêu khắc là nghiệp của đời, thì việc dạy chữ Hán – Nôm là cơ duyên đến tình cờ nhưng lại gắn bó với ông suốt hơn mười năm nay. Bắt đầu từ việc truyền dạy chữ nho cho con cháu trong nhà đến bây giờ rất nhiều môn sinh từ mọi miền đất nước đã đến xin ông học chữ.
Chữ Nho là thứ tài sản vô giá ông góp nhặt, gìn giữ trong suốt những bước đường đầy thăng trầm, gian truân của đời mình.
Mười ba tuổi, xa quê ra phố với chí làm trai, mong nên nghiệp lớn, ông từng có những cơ hội trời cho, được học trung cấp điện ảnh, được cử làm người thuyết minh phim cho đội chiếu bóng 27. Nhưng rồi cái nghề danh giá một thời bỗng chốc chìm vào quá vãng.
Sau 19 năm phiêu bạt, ông lại trở về quê với hai bàn tay trắng như thuở ban đầu. Cuộc sống xoay vần, người đàn ông tài hoa có lúc bần cùng cũng phải dệt vải, bán kem, đổi đồng nát, mở hàng ăn ở chốn quê nghèo. Dẫu vậy, từ những năm tháng tuổi trẻ, lang thang lên Hà Nội mưu sinh cho đến lúc hồi hương, chật vật với miếng cơm manh áo, những con chữ như có lửa ấy chưa một lúc nào rời bỏ ông.
Sau năm1997, kinh tế gia đình ông dần khá lên nhờ chính nghề truyền thống của làng. Hai anh con trai ông đều đi theo nghề tạc tượng, điêu khắc. Bản thân ông Nghiêm Vết cũng là một nghệ nhân được nhiều chứng nhận, giải thưởng của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Song, ông vẫn canh cánh bên lòng ý nguyện của cụ thân sinh thuở sinh thời.
Chữ Hán Nôm, báu vật của đời, di vật của cha, Nghiêm Vết khao khát muốn cứu lấy nó trước cõi trần đầy những biến thiên, vật đổi sao dời này. Thứ ngôn ngữ gói trọn bản sắc dân tộc, bản anh hùng ca về mơ ước độc lập, tự chủ của cha ông không thể cứ thế rơi rớt mất qua những cuộc chuyển giao thế hệ. Nghĩ vậy, và ông làm ngay. Một lớp học mở rộng cánh cửa cho mọi người mà không màng đến bạc tiền, danh vọng. Lớp học Sao Khuê ra đời bằng một tấm lòng sáng trong như thế.
Học chữ để làm người
Lê Thánh Tông từng ví Nguyễn Trãi với sao Khuê: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo" (tấm lòng ức Trai sáng tựa sao Khuê). Giờ đây ngôi sao ấy lại được đặt tên cho lớp học lạ lùng, có một không hai này.
Cái tên gói trọn mong ước của đồ Nghiêm. Rằng lớp học Hán – Nôm của ông cũng như ngôi sao sáng dẫn đường cho môn sinh, sẽ là ngọn hải đăng cho những ai muốn tìm về với văn hóa cổ truyền dân tộc. Mười năm qua, Sao Khuê của xóm Đình đã soi sáng cho bao nhiêu cuộc đời. Từ Điện Biên, Lai Châu, đến Hưng Yên, Ninh Bình, và bao miền quê khác, bố đưa con, vợ dẫn chồng đến xin học chữ. Soi cho người ta sáng đức, sáng lòng, đó là điều mà chỉ thứ chữ tích tụ tinh hoa của đất trời mới làm được.
Không giáo án, không sách vở gì nhiều, cách thầy Nghiêm dạy trò vô cùng độc đáo. Mỗi chữ ông dạy đều gắn với một tích cũ, một chuyện xưa. Thế nên mỗi chữ người ta học từ ông là một lần đạo làm người được thấm nhuần, ghi lòng tạc dạ. Vì chữ cổ có nhiều nét, dễ nhầm lẫn, nên ông đồ Nghiêm thường vần vè làm thơ để học trò dễ thuộc, nhớ lâu. Ví như câu thơ : "Chữ gì đất ở trên cao/ Con đứng cắm sào đội ở dưới lên” là cách diễn giải chữ Hiếu. Học trò phục ông vì phương pháp truyền bá độc đáo, hiệu quả mà cũng vô cùng thâm thúy ấy.
Trong kí ức mười năm dạy chữ cho đời của Nghiêm Vết, không biết bao nhiều học trò đã tìm đến ông tầm sư học đạo . Một đĩa trầu, vài quả cau, và tấm lòng thiết tha với từng con chữ. Với ông thế là đủ. Từ tỉ phú, học giả, tiến sĩ, cho đến anh thương binh, cô sinh viên, nhà sư, nông dân, đều bình đẳng trong lớp học này. Ông kể về một anh thương binh ngổ ngáo, từng đánh vợ chửi con, từng không có lấy một người hàng xóm, từ khi học chữ đã tìm lại được thiện lương của mình.
Một cụ già 75 tuổi, bao năm nay, mỗi chủ nhật đều cần mẫn đạp xe từ Thanh Oai, Hà Đông đến lớp. Một ông tỷ phú trước lúc nhập môn chỉ nói một câu từ tận đáy lòng: “Con không thiếu tiền nhưng con thiếu chữ”. Vì tất cả những điều đấy, ông đồ Nghiêm đã quyết: “Cha tôi mù vẫn có thể dạy học đến tận cuối đời. Nên tôi, nếu người học không biết mỏi thì tôi cũng có thể dạy không biết chán”
Tuổi đã cao, tình nguyện làm một công việc không đem lại danh tiếng hay lợi nhuận gì, ông đồ Nghiêm chỉ canh cánh một điều, rằng ngày nào đó, khi ông nghỉ công việc quản trường ở trường Tiểu học Sơn Đồng, lớp học chữ Nho có thể không còn nữa. Giá như có một nơi để ông có thể yên tâm dạy học đến cuối đời mà không phải bắt học trò của mình lo chuyện thuê lớp, thuê trường thì vui biết mấy..,.
Vũ Thị Thu Phương