Chộn rộn trước “giờ G”
Thời điểm Sài Gòn chuẩn bị bước vào “giờ G” giãn cách, nỗi lo lắng, hoang mang là không thể tránh khỏi. Nhiều người đau đáu với câu hỏi: Nên “đào thoát” khỏi vùng đất chuẩn bị phong tỏa hay an tâm ở lại cùng thành phố?
Rồi một cuộc “tích trữ” trên diện rộng diễn ra trên toàn thành phố. Người dân cũng đầy băn khoăn trước những lựa chọn: Nếu hòa chung vào dòng người đang ùn ùn kéo đến các chợ, siêu thị để “săn hàng” thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là không nhỏ. Còn nếu “bình chân như vại”, không trữ thức ăn, biết đâu mấy ngày sắp tới có bất trắc thì chẳng còn thứ gì mà duy trì bữa ăn gia đình?
Rồi những thông tin gây hoang mang dư luận cũng từ đâu ập đến, rằng sắp tới đây siêu thị sẽ đóng cửa, chợ thì cấm bán, người dân “có gì ăn nấy”.
Ngay ở những thời điểm ấy, hàng loạt thông tin trấn an lòng người đã được lan tỏa. Trước thời điểm TP HCM thực hiện Chỉ thị 16, Hội Lương thực, Thực phẩm TP HCM cho biết, các doanh nghiệp (DN) chế biến lương thực, thực phẩm đã tăng công suất sản xuất lên 50%, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho người dân trong vòng 6 tháng tới. Liên tiếp các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm nổi tiếng của TP như Vissan, Ba Huân, Sài Gòn Co.op, Thủy hải sản Sài Gòn đều khẳng định, nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục bình ổn, cam kết cung ứng đầy đủ, tăng độ phủ trên diện rộng...
Cùng thời điểm, thông tin hàng loạt tỉnh, thành trên cả nước ủng hộ lương thực, thực phẩm, tiền bạc và nhân lực cho Sài Gòn càng làm người ta ấm lòng. Tỉnh Hà Tĩnh đã trao 2 tỷ đồng gửi đến nhân dân TP HCM. Tỉnh Bến Tre ủng hộ 500 triệu đồng, tỉnh Bình Định ủng hộ 2 tỷ đồng, TP Hải Phòng ủng hộ 10 tỷ đồng, tỉnh Lâm Đồng ủng hộ 2 tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam ủng hộ 2 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ngãi ủng hộ 1 tỷ đồng, tỉnh Thanh Hóa ủng hộ 2 tỷ đồng và tỉnh Tây Ninh ủng hộ 1 tỷ đồng Quỹ mua vaccine. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long ủng hộ 10 tấn nông sản, tỉnh Long An ủng hộ 50 tấn gạo, tỉnh Đồng Tháp ủng hộ lương thực, nông sản trị giá 300 triệu đồng...
Ngoài ra, các tỉnh còn tiếp sức bằng tình nguyện viên, các y, bác sĩ tham gia phòng chống dịch Covid-19. Từ Đà Lạt, các nhà vườn cho biết đã ủng hộ Sài Gòn “cả vườn rau”. Có rất nhiều vườn rau như thế được các tình nguyện viên cấp tập hái, gửi xuống Sài Gòn để người Sài Gòn có rau xanh ăn, đỡ nỗi lo khan hiếm thực phẩm.
Bà con Quảng Bình, Quảng Trị từ thành thị cho đến miền quê, người dân thu gom lúa, gạo, bầu bí, mắm muối, cá... có gì gửi nấy, chất lên những chuyến xa hướng về thành phố mang tên Bác. “Sài Gòn đã rất nghĩa tình với miền Trung những ngày tháng bão lụt. Giờ hãy để miền Trung gửi tấm lòng đến Sài Gòn”. Những thông điệp ấy, hình ảnh ấy, những cuộc ủng hộ “ngược dòng” chưa từng thấy bao giờ khiến người Sài Gòn rưng rưng nước mắt. Và nỗi lo dường như vơi đi quá nửa, người Sài Gòn mạnh mẽ bước vào những ngày giãn cách.
Vườn rau “tại gia” và hạn chế tối đa nhu cầu để dập dịch
Những ngày giãn cách, thành phố không cho phép hoạt động kinh doanh thức ăn chế biến sẵn mang đi, với Nguyễn Phan Trung Thành, sinh năm 1995, nhân viên truyền thông của một công ty quảng cáo có tiếng tại TP HCM đúng là một “cực hình”. Sống trong một khu căn hộ cho thuê mini nhưng gian bếp nhỏ không mấy khi được thắp lửa. Gần như toàn bộ bữa ăn hàng ngày của Thành đều được đặt từ các cửa hàng ăn uống bên ngoài. Lý do là độc thân, không biết nấu ăn và khu vực Thành đang ở là khu quận 3 sầm uất với đủ các món ăn ngon cùng đa dạng mức giá, muốn gì có nấy vô cùng tiện dụng.
Và những ngày giãn cách này, với Thành cũng là những ngày phải tự tìm cách nấu nướng. Bữa ăn của Thành giờ đây rất đơn giản với các loại mì gói, mì xào, rau luộc hay trứng chiên, trứng luộc. “Đối với mình, những ngày giãn cách này rất khó khăn trong việc xoay xở ăn uống. Nhưng mình nghĩ mọi chuyện sẽ đơn giản nếu ta nghĩ tích cực. Ngoài kia còn bao nhiêu người đang khó khăn vì miếng cơm, manh áo, mình vẫn có thức ăn, ăn uống đầy đủ ngày 3 bữa, nhà cửa thoáng mát, vẫn còn tiền tích lũy là mừng lắm rồi. Ăn uống giản dị đi một chút, coi như đây là cơ hội để tập kĩ năng nấu nướng luôn”, Thành chia sẻ.
Còn không ít thanh niên trẻ tương tự như Trung Thành, gặp khó khi thành phố yêu cầu ngưng dịch vụ ship thức ăn. Tuy nhiên, đa số các bạn trẻ đều không than vãn, chấp hành nghiêm túc, thậm chí lên tiếng ủng hộ các quyết định của thành phố và chấp nhận những bất tiện nho nhỏ, cùng nhau chống dịch.
Những ngày này, không ai giàu bằng những người dân có “vườn rau tại gia”. Những vườn rau thùng xốp hiên nhà, ngoài ban công, những vườn rau xanh mướt trên sân thượng... chính là nơi cung cấp thực phẩm miễn phí, tiện dụng cho những người dân mà ngày thường chịu thương, chịu khó gieo hạt, vun tưới, chăm sóc. Không ít những vườn bầu bí mướp, vườn cải, muống sum suê được đăng tải một cách tự hào giữa mùa giãn cách. Và cũng có không ít hộ gia đình, trong những ngày thiếu thốn thực phẩm đã hái rau quả vườn nhà đem tặng cho lối xóm, gửi đi cho bà con vùng phong tỏa, xóm lao động nghèo. Người Sài Gòn hiểu, chấp nhận và sống vui với những gì mình đang có giữa ngày giãn cách. Họ còn kêu gọi nhau tiết chế bớt nhu cầu, đừng than vãn và lan tỏa năng lượng tích cực.
Ở nhà, người Sài Gòn không cô đơn!
Trong những ngày đầu giãn cách, có không ít người dân chưa thể thích nghi được với việc ở yên trong nhà gần như tuyệt đối, với việc tránh giao tiếp, nghỉ việc, không đến sở làm. Thế nên, vẫn còn không ít trường hợp tìm mọi cách ra đường, đi dạo mát, đi mua hàng không phải nhu yếu phẩm, đi tập thể dục, thăm nom bạn bè... Những trường hợp ấy đã nhanh chóng nhận được xử lý như cảnh cáo hoặc xử phạt của cơ quan chức năng.
Nhưng đó chỉ là con số nhỏ so với những người Sài Gòn đang nghiêm túc chấp hành quy định, ở yên trong nhà.
Trên mạng xã hội, người Sài Gòn liên tục chia sẻ những bí quyết “ở nhà vẫn vui” như nấu những món ăn thật ngon cho gia đình, dành thời gian nhiều hơn để vun vén nhà cửa, trang trí lại nhà, chơi với con cái, quan tâm nhiều hơn đến bạn đời. Hoặc làm một vườn rau, vườn hoa nho nhỏ, nuôi thêm động vật cho vui cửa, vui nhà.
Nhưng đâu phải ở yên trong nhà là mọi giao tiếp bị ngưng lại. Những cuộc gặp gỡ từ xa vẫn tiếp diễn mỗi ngày. Mạng xã hội giờ đây có quá nhiều công cụ tiện dụng để kết nối người với người. Những người ông, người bà vẫn hàng ngày được trò chuyện gần như trực tiếp với con, với cháu mình thông qua các ứng dụng video call. Các group chat nơi một nhóm bạn, nơi cả đại gia đình có thể trò chuyện tâm tình mọi thứ trên đời, cập nhật tình hình đời sống hàng ngày, hàng giờ. Rồi những cuộc tổ chức sinh nhật, thổi nến online, nhóm cùng nhau học ngoại ngữ, nhóm cùng nhau tập thể dục, nhóm chia sẻ bữa ăn dinh dưỡng...
Một nữ nhà văn trẻ ở Sài Gòn kể, mỗi ngày chị phải trả lời hàng trăm tin nhắn của người nhà, bạn bè, đồng nghiệp từ các tỉnh, thành khác nhắn hỏi thăm, động viên. Những cuộc gọi miễn phí qua mạng xã hội liên tục kết nối người Sài Gòn với người phương xa. Những lời nhắn nhủ động viên rằng cố gắng lên, kiên cường lên, cả nước ở bên Sài Gòn.
Ở nhà lúc này là yêu nước! Ở nhà là có ý thức, ở nhà là góp phần vào công cuộc phòng chống dịch của Sài Gòn và của cả nước. Ở nhà nhưng người Sài Gòn đâu có cô đơn. Miền đất nghĩa tình phương Nam giờ đây là tâm điểm yêu thương, nhận biết bao động viên, bao sự chung tay, ủng hộ cả vật chất và tinh thần từ khắp nơi gửi đến.
Yên tâm, Sài Gòn sẽ ổn thôi!