[links()]Tuy có sự “giật dây”, xếp đặt của người Pháp, nhưng không thể phủ nhận Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu là một cặp “xứng đôi vừa lứa” trong con mắt của hậu thế. Tuy nhiên, với quyết định này của nhà Vua, đã khiến Thái Hậu Từ Cung vô cùng phiền lòng, còn triều đình như phải đối mặt với một cơn sóng giữ.
Nam Phương hoàng hậu, người phụ nữ Việt Nam duy nhất trong thời phong kiến được mặc áo màu vàng. |
Nỗi niềm Hoàng Thái hậu
Đỗ Mậu đã phân tích tâm trạng thất vọng của Đức bà Từ Cung như sau: “Chỉ tội nghiệp cho bà Từ Cung Thái Hậu, vì trong lúc con mình ở nơi đất khách quê người thì bà đã lo nghĩ đến tương lai của dòng họ, đã nghĩ đến việc tìm bạn trăm năm cho con. Tại Huế, bà đã cho dò xét thân thế, phẩm hạnh, sắc đẹp của bao nhiêu tiểu thư khuê các, con những vị đại thần để có thể lựa chọn một nàng dâu cho Hoàng tộc, một Hoàng Hậu tương lai cho nước An Nam.
Bà đã chọn được một nữ sinh con một vị đại quan có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà bà mẹ của tiểu thư đó cũng sùng mộ đạo Phật như Bà. (Tiểu thư này sau lấy chồng họ Phạm, giáo sư trường Quốc học Huế). Bà chỉ đợi con mình ngự giá hồi loan chính thức điều khiển việc nước là làm lễ thành hôn cho đôi lứa.
Cuộc đời của bà xuất thân từ nơi dân dã, phúc đức cha ông đẩy đưa bà được tiến cung làm Hoàng Hậu nên bà cố học hỏi cho thành người đài các chốn vi cung, cố trau dồi đức hạnh cho thành người vợ hiền dâu thảo. Nhưng chẳng may chồng mất sớm, bà lại chỉ có một con trai nên thiết tha mong cho con trưởng thành để nối nghiệp vua cha và nối dõi tông đường.
Vì thế, đối với bà, việc tìm kiếm một nàng dâu đức hạnh mọi bề là điều quan trọng thiết yếu nhất. Quan trọng vì không phải chỉ thương con mà còn vì danh dự triều đại nhà Nguyễn nữa. Bà không ngờ rằng trong lúc bà đang sống những giây phút rộn ràng của bất kỳ một người mẹ nào đang lo chuyện trăm năm cho con thì người Pháp, cũng âm thầm thực hiện âm mưu vượt quyền hạn và giết giấc mơ của bà để cưới vợ cho vua Bảo Đại”.
Sự chống đối vô vọng của triều đình và Đức Bà Từ Cung
Đạo Thiên chúa của Nam Phương là một trở ngại lớn đối với hôn nhân, gây công phẫn trong hoàng gia đến mức vấp phải sự phản đối quyết liệt. Một tờ báo quốc ngữ ra ngày 22/2/1934 đã liều lĩnh nêu lên lễ cưới của Bảo Đại với Nam Phương có thể diễn ra và đưa cả tin Tôn nhơn phủ đã phủ quyết.
Tờ báo nói rõ: “Tôn nhơn phủ đã quở trách Nhà Vua một cách nghiêm khắc nhưng tôn kính”. Tờ báo thạo tin còn cho biết Bảo Đại đã bỏ ngoài tai hết thảy. Ngay lập tức số báo ấy đã bị thu hồi.
Bà Từ Cung bày tỏ không đồng tình việc Bảo Đại đòi lấy cô Nguyễn Hữu Thị Lan, vì tuy là con nhà giàu nhưng cha mẹ không có chức tước gì trong triều đình. Huống chi lại theo đạo Công giáo!.
Bảo Đại còn cứng rắn thưa với mẹ rằng, nếu không lấy được Nguyễn Hữu Thị Lan thì thà ở vậy suốt đời. Vua cũng cam kết Hoàng hậu sẽ thắp nhang cúng vái tổ tiên theo đúng phong tục tập quán của người Việt.
Người đứng đầu Tôn Nhân Phủ là Tôn Thất Hân lại càng phản đối kịch liệt. Tôn Thất Hân nêu lý do: “Thị Lan chỉ đậu tú tài toàn phần Pháp không thể so ra với Trạng Nguyên xứ ta, lại đòi làm Hoàng Hậu nữa thì không thể chấp nhận được”.
Trước Hoàng Tộc, Bảo Đại thẳng thắn trả lời Tôn Nhân Phủ như sau: “Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình đâu”.
Tôn Thất Đàn, cựu thượng thư bộ Hình định thảo một kiến nghị có chữ ký của các đại thần đứng đầu các Bộ và các nha phủ quan trọng trong triều yêu cầu Nhà vua nên từ hôn với Nam Phương. Bản thân ông và bạn bè còn nghĩ đến buộc Nam Phương bỏ Công giáo theo đạo Phật pha trộn với đạo Lão đang thịnh hành ở Việt Nam nếu cứ lấy Bảo Đại. Vị cựu thượng thư còn nói thêm có một vài vị quan quyền cao đức trọng tỏ ý thà chết còn hơn được thấy việc hôn nhân này vi phạm những nguyên tắc của nhà nước quân chủ.
Nhưng cuối cùng dưới sức ép của người Pháp và do sự quả quyết của Bảo Đại, bà Từ Cung và các quan đình đành phải nghe theo vua.
Vantican cũng phải vào cuộc
Phía gia đình cô Mariette Jeanne Lan đồng ý lời cầu hôn. Quá giàu, họ không đòi sính lễ mà còn tặng cô dâu 1 triệu đồng tiền Đông Dương và cả một lâu đài ở Đà Lạt. Tuy nhiên, họ đòi hỏi những điều kiện hết sức giản đơn nhưng lại rất phức tạp cho hai bên:
Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng Hậu Chánh Cung ngay ngày cưới. Được giữ nguyên đạo Công Giáo, và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo luật Công giáo và giữ đạo. Riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo. Phải được Tòa Thánh La Mã cho phép hai người được cưới nhau.
Dinh Nam Phương hoàng hậu, món quà hồi môn của ông Nguyễn Hữu Hào. |
Cũng giống như triều đình, cha mẹ cô gái lo lắng. Họ quyết định nhờ Toà giám mục can thiệp. Nhận thấy đây là một gia đình ngoan đạo, gương mẫu và có vai vế trong xã hội, Toà giám mục đã chuyển ý kiến về La Mã để cho Giáo hoàng đích thân phán quyết con chiên ngoan đạo Mariette có thể kết hôn với Hoàng đế một nước theo Phật giáo không?.
Theo Daniel Grandcléme, Đại diện Toà thánh ở Đông Dương đã đặt vấn đề lên Giáo hoàng và ít lâu sau chính nước Pháp qua đại sứ Pháp tại La Mã đã có những cuộc vận động ráo riết với Vatican.
Ngày 20/3/1934, hôn lễ được tổ chức tại Huế. Khi đó, Bảo Đại 21 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan 19. Bốn ngày sau, lễ Tấn Phong Hoàng Hậu rất trọng thể ở Điện Dưỡng Tâm. Nhà vua phong Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan tước Nam Phương Hoàng Hậu.
Việc phong hoàng hậu này cũng lại là một biệt lệ, vì 12 đời vua trước, các bà vợ chỉ được phong Vương Phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng Hậu. Bảo Đại giải thích hai chữ Nam Phương như sau: "Tôi đã chọn tên trị vì của hoàng hậu mới là Nam Phương, có nghĩa là "Hương thơm của miền Nam" và tôi đã ra một chỉ dụ, đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng, là màu dành riêng cho Hoàng đế".
Báo chí Pháp rất hào hứng với cuộc hôn nhân này, họ hết lời ca ngợi cô dâu và sự xứng đôi vừa lứa. Báo Monde colonial (Thế giới thuộc địa) thời đó đã viết: "Với dáng thanh lịch của riêng mình chứng tỏ một thị hiếu tinh tế và vững vàng, với chiếc áo dài dạ hội có những đường nét thuần khiết, màu sắc thanh nhã mà hoà hợp, chiếc áo nịt trong vừa khít với người, nàng xinh đẹp như một bông hoa quý".
Khi Nam Phương xuất hiện trong phòng khách của Toà Khâm sứ với bộ quần áo màu vàng rực rỡ, trông bà còn xinh đẹp hơn nữa. Báo Thế giới thuộc địa còn miêu tả: "Cả hai người đều mặc áo màu vàng, chít khăn vàng, quần lụa trắng, đi giày cườm thêu vàng, thật là đẹp đôi như một bức tranh sáng ngời về tuổi thanh xuân lộng lẫy. Hình bóng đôi uyên ương vàng rực uy nghi tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ làm say đắm người hoạ sĩ. Hoàng hậu Nam Phương xuất hiện rực rỡ trong nét duyên dáng tinh tế của tuổi trẻ như một huyền thoại".
Về cách hành xử và nếp sống đạo đức suốt đời của bà Nam Phương Hoàng hậu cho thấy bà rất xứng đáng được vinh danh là bậc mẫu nghi thiên hạ. Tuy nhiên, những sóng gió chính trị sau này cho thấy bà còn có một mục tiêu quyền bính ngấm ngầm mà mãnh liệt hiếm có qua cuộc hôn nhân này.
Tuy nhiên, đức độ, bản lĩnh quá kém cỏi của vua Bảo Đại và những chuyển biến thời cuộc đã không cho bà đạt được ước vọng này. Ngược lại lời hứa chung thủy một vợ một chồng của Bảo Đại với bà khi kết hôn cũng không trọn vẹn. Ông mãi chạy theo hình bóng những người tình và những cuộc rong chơi, ngay khi bà qua đời cũng không hề có mặt dù bà đã sinh, nuôi dạy cho ông 5 người con.
Chúng tôi sẽ giới thiệu cuộc đời phiêu lưu tình ái ngoạn mục và bị thảm của Bảo Đại trong các số báo tiếp theo của Xa lộ pháp luật.
Theo Xa lộ pháp luật