Xót thương những người em ngoài quê nghèo khó, vợ chồng người anh đưa vào Xuân Lộc sinh sống và cho ở nhờ trên đất của mình. Hơn 20 năm sau, những người em bị cho là trở mặt chiếm luôn đất, đẩy gia đình người anh vào một cuộc chiến tìm công lý.
Mất đất vì cho ở nhờ
Nhìn căn nhà sắp sập, chỗ chui ra, chui vào của hai vợ chồng già trông giống như kho chứa ve chai, đồng nát. Họ không còn nhà nên đến tá túc tại căn nhà nát của vợ chồng đứa đi làm ăn xa.
Người chồng, ông Bùi Văn Tâm đang lúi húi nấu cơm cho vợ, trên cái chảo méo mó đen kịt là mấy miếng cà tím nửa kho, nửa xào. Ở một góc nhà, người vợ, bà Trần Thị Hồng Khánh lúi húi gom mớ rau củ xin được ở ngoài chợ, bỏ vào bịch để chở đến cho mấy người bệnh cùng xóm.
Vợ chồng họ mới ngoài 60, nhưng vẻ lam lũ và tấm lưng còng của người vợ khiến họ già yếu hơn tuổi thật. Cả hai hiện đang ngụ tại ấp Chiến Thắng, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.
Bưng tô cơm chồng đưa, ngoài miếng cà tím nằm trên, không hề có cá thịt, canh xào, bà Khánh vừa nuốt vừa nghẹn ngào kể chuyện. Một câu chuyện đầy oan trái và bất công đã ụp xuống hai phận già hơn sáu năm qua mà sự việc bắt nguồn từ lòng thương ruột thịt…
Vào cuối năm 1992, vợ chồng ông mua một mảnh đất của người cùng xóm giá 15 chỉ vàng. Vợ chồng người bán đất (tên Phạm Văn Đông và Lương Thị Vân) hiện giờ vẫn còn sống ở đây. Hai bên giao – nhận đất và vàng xong xuôi. Một năm sau, người mua được UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cấp sổ đỏ, rộng hơn 1.500m2.
Mọi việc sẽ không có gì nếu hai năm sau, người chú ruột của ông Tâm (tên là Bùi Văn Sáu, quê Quảng Nam) không gửi người con trai của mình nhờ vợ chồng ông Tâm, bà Khánh giúp tìm kế sinh nhai. Nhớ lại ngày đó, giọng ông Tâm đượm buồn: “Tôi thương người chú ruột và bầy em họ ngoài quê đói khát, thiếu ăn thiếu mặc nên bàn với vợ đưa tụi nó vô đây làm với vợ chồng tôi”. Thương nhà chồng, bà Khánh đồng ý. Năm 1994, con trai ông Sáu tên Bùi Văn Niên vào nhà ông Tâm, bà Khánh ở cùng. Sau đó, người em gái ông Niên tên Bùi Thị Hiền cũng vào theo anh trai.
Tuy chỉ là anh em chú bác nhưng vợ chồng ông Tâm đối đãi hai người em tên Niên và Hiền như người nhà. Hàng ngày, hai người em phụ vợ chồng người anh buôn bán, làm rẫy. Sẵn có mảnh đất mới mua như đã nêu ở trên, vợ chồng người anh cho hai đứa em mượn dựng nhà ở tạm, mong họ sớm ổn định đời sống. Tình thương và sự giúp đỡ ấy như cái “phao cứu sinh” cho cả gia đình người em họ. Lần lượt ông Sáu và những người con khác từ Quảng Nam vào Xuân Lộc, Đồng Nai sinh sống. Họ xin vợ chồng ông Tâm, bà Khánh cho ở nhờ trên mảnh đất cùng với ông Niên, bà Hiền. Phía ở nhờ luôn miệng cam kết, khi nào vợ chồng ông Tâm cần, họ sẽ trả lại đất.
Vợ chồng ông Tâm, bà Khánh trong căn nhà ở nhờ |
Xác nhận khống để chiếm đất?
Bây giờ kể lại, trong ánh mắt ông Tâm vẫn ánh lên niềm vui trong quá khứ khi nhìn thấy người chú ruột với đàn con thiếu ăn, từng ngày dần thoát khỏi cảnh nghèo khó. Ông Tâm không lo sợ gì, bởi ông tin một lẽ đơn giản, họ cũng là một phần máu thịt của ông, họ chẳng thể chiếm luôn mảnh đất, nơi đã cưu mang họ. Ngay cả khi thấy con của ông Sáu chở gạch về xây nhà trên mảnh đất mượn, bà Khánh thắc mắc với đám em họ, những người ở nhờ vẫn nhất mực “khi nào anh chị cần, tụi em sẽ trả lại đất”.
Đến năm 2007, do cần thêm vốn buôn bán, ông Tâm, bà Khánh bán đi một phần đất trống (hơn 600m2). Hai bên mua bán được huyện cấp sổ mới, mảnh đất cho gia đình người chú ruột ở nhờ còn hơn 900m2. Bây giờ đã có thêm vài căn nhà tạm nữa của đám con ông chú dựng lên trên mảnh đất cho mượn diện tích hơn 900m2 nên vẫn thừa rộng rãi. Hai gia đình vẫn qua lại, đầy ắp tình cảm như ngày nào.
Chỉ có điều, hai vợ chồng ông Tâm đã không lường được những toan tính từ nơi họ đã làm phúc: một ngày, mảnh đất của họ đã bị gia đình người chú ruột lạnh lùng chiếm đoạt.
Ngày đó xảy ra vào năm năm sau.
Năm 2012, xã Bảo Hòa có chủ trương xây nhà tình thương cho ông Sáu vì thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên vì là đất ở nhờ nên ông Sáu không đủ điều kiện xét duyệt (theo tiêu chí của xã, muốn được xã xây nhà tình thương, người trong diện xét duyệt phải có đất). Những người con của ông Sáu đến tìm vợ chồng người chủ đất cũ là ông Đông, bà Vân (người bán đất cho vợ chồng ông Tâm, bà Khánh năm 1992) nhờ viết một tờ giấy “khống” xác nhận: Ông Đông, bà Vân bán đất cho ông Niên nhưng nhờ vợ chồng ông Tâm đứng tên giúp.
Ông Đông kể lại một phần vì sợ ông Sáu mất suất nhà tình thương, một phần vì nghĩ tất cả là người thân quen nên ông Đông đồng ý giúp. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày, khi hiểu ra tờ giấy xác nhận khống không chỉ dừng lại ở câu chuyện xây nhà tình thương mà còn là một âm mưu chiếm đoạt tài sản, vợ chồng ông Đông đã vội vã viết đơn trình báo gửi hàng loạt cơ quan chức năng xã, huyện. Trong đơn trình báo, ông Đông khẳng định nội dung tờ giấy xác nhận bán đất cho ông Niên là sai sự thật, không có giá trị pháp lý. Đồng thời ông đề nghị chính quyền hủy bỏ tờ xác nhận trên.
Đến lúc ấy, vợ chồng ông Tâm, bà Khánh mới rõ những người mượn đất không bao giờ trả lại như cam kết ban đầu. Họ nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện Xuân Lộc đòi lại đất, một việc mà gần hai mươi năm trước, họ không bao giờ nghĩ đến khi chìa tay cứu đàn em họ và ông chú ruột.
Mịt mù công lý
Ruột thịt phải đưa nhau ra tòa, cái tình coi như đã cạn. Căn nhà nơi dung thân vợ chồng già ngày trước đã chia làm ba cho ba đứa con làm chỗ ở. Họ tính khi đòi đất xong, cả hai sẽ vào đấy ở để chăm nhau. Những tưởng tất cả sẽ qua nhanh chóng nhưng ai ngờ, người đòi đất lại vướng vào một tai họa khác: Tai họa chốn công đường. Sáu năm trường kiện tụng với bốn bản án các cấp nhưng đến nay hành trình đòi đất vẫn mịt mù công lý.
Trở lại vụ kiện, giữa năm 2015, tức là sau gần ba năm kể từ ngày nộp đơn khởi kiện, TAND huyện Xuân Lộc mới đưa vụ án ra xét xử. Lúc này, ông Sáu là bị đơn, do đã qua đời, nên tám người con ông Sáu ra tòa thay cha. Phía bị đơn cũng có yêu cầu phản tố đề nghị tòa công nhận đất này của mình. Người bán đất cho vợ chồng ông Tâm cũng có mặt. Cuối cùng, bản án tuyên “bác yêu cầu khởi kiện của ông Tâm, bà Khánh” và “chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Sáu, công nhận diện tích 900m2 đất thuộc quyền sử dụng của ông Niên, bà Hiền...”.
Ông Tâm, bà Khánh kháng cáo. Tháng 9/2015 TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên xử phúc thẩm, tuyên “hủy toàn bộ án sơ thẩm” vì cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thu thập không đầy đủ chứng cứ. Phía nguyên đơn như trút bỏ gánh nặng, chờ đợi phán quyết mới.
Thêm gần hai năm nữa kể từ thời điểm tuyên hủy án sơ thẩm, vụ kiện mới được đưa ra xét xử sơ thẩm lần thứ hai vào giữa năm 2017. Bản án sơ thẩm lần hai của TAND huyện Xuân Lộc vẫn tuyên “bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Tâm, bà Khánh” và “chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Sáu, công nhận diện tích 900m2 đất thuộc quyền sử dụng chung của gia đình ông Sáu…”. Điều thấy được là sau mấy năm quay vòng, án lần hai là bản sao của án lần đầu.
Vợ chồng người đòi đất tiếp tục kháng cáo. Lúc này, Viện kiểm sát tỉnh Đồng Nai ra Quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm lần hai. Trong kháng nghị, đại diện Viện kiểm sát nhận định “đủ căn cứ đất trên của vợ chồng ông Tâm nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Đông…”. Do đó, đề nghị TAND tỉnh xử phúc thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm như nhận định của Viện đã nêu trong kháng nghị.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực lại tan thành mây khói khi bản án phúc thẩm lần hai vào đầu năm 2018 đã tuyên gần như y án sơ thẩm. Nói cách khác, người cho mượn đất đã mất đất, người ở nhờ thành chủ đất sau sáu năm kiện tụng.
Bây giờ, trên dọc tuyến quốc lộ 1 đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai, cứ vài ngày một lần, người đi đường vẫn thấy một người phụ nữ lam lũ, rách rưới, tuổi ngoài 60 chạy chiếc xe máy nát, lưng và ngực đeo tấm biển có những dòng chữ kêu oan, buộc đằng sau xe một giỏ đơn khiếu nại. Đó là người vợ của ông Tâm – bà Trần Thị Hồng Khánh. Bà vẫn đang bước tiếp trên con đường tìm kiếm công lý…
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.