Trả nợ cho đời
Những bát cháo từ thiện đã đưa chị Như Ngọc vượt qua cơn bạo bệnh, để đến khi xuất viện, chị tự hứa với lòng mình, rằng mai sau, nếu có thể, chị cũng sẽ giành hết tâm huyết của mình cho những việc làm thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh như chị đã từng được san sẻ như thế.
Như một lời trả ơn, chị Ngọc đã nỗ lực hết mình, vươn lên trong gian khó, tạo cho mình nền móng vững vàng về mọi mặt, để yên tâm, miệt mài thực hiện những việc tốt, giúp người suốt 7 năm qua.
Tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán – kiểm toán trường Đại học Duy Tân, nhưng khi ra trường chị lại phụ trách công tác Đoàn tại địa phương. Có lẽ, là cái duyên, khi công việc đó đã tạo điều kiện cho chị tham gia nhiều hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện, đem sức khỏe, tuổi xuân của mình giúp người, giúp đời.
“Nhưng phải đến khi được tham gia vào Hội người Quảng Nam (một câu lạc bộ thường xuyên thực hiện các hoạt động từ thiện trên địa bàn tỉnh) thì tôi mới có cơ hội thực hiện lời hứa thiện nguyện của mình một cách “bài bản”, “chuyên nghiệp”. Điều đó được thể hiện ở chỗ, chúng tôi làm việc có tổ chức, khoa học, có kinh phí ổn định và thực hiện công việc có tính thường xuyên” – chị Ngọc chia sẻ.
“Vào thứ năm hàng tuần, chúng tôi tổ chức phát hơn 300 suất cơm trưa cho bệnh nhân và người nhà tại các bệnh viện, chủ nhật hàng tuần, hội cũng tổ chức phát bánh mình miễn phí cho người nghèo, thành lập tủ quần áo từ thiện “ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận”, và những hoạt động tình nguyện đến những vùng biên giới, khó khăn trong những dịp lễ, tết…”, chị Ngọc cho biết thêm.
Dáng người nhỏ nhắn, yếu ớt nhưng tấm lòng bao dung, tình thương yêu con người đã tiếp thêm sức mạnh, những bước chân trên mọi nẻo đường gian khó chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi, chị vẫn miệt mài, cần mẫn thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Trong 7 năm qua, chị đã làm cầu nối kêu gọi bạn bè, các mạnh thường quân giúp đỡ cho hàng trăm trường hợp gặp khó khăn, đói nghèo, bệnh tật, bất hạnh, mồ côi... Khi được hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ trong ngần ấy thời gian làm thiện nguyện, chị Ngọc vẫn không dấu nổi cảm xúc, bồi hồi kể.
Chị Như Ngọc trong một chuyến đi từ thiện gần đây |
Cách đây khoảng 5 tháng, khi chị đang chuyển bụng sắp sinh con thì có điện thoại gọi tới, thông tin là có một người đàn ông bị tẩm xăng đốt, bị thương rất nặng, phải chuyển ra bệnh viện Hà Nội gấp thì mới có hi vọng cứu sống nhưng gia đình không có tiền, lúc đó, đã lên bàn sinh, nhưng chị vẫn cố cầm điện thoại, nhắn tin chuyển ngay tiền để người đàn ông đó được chuyển viện đi điều trị và khỏe mạnh trở về.
“May mắn là mẹ con tôi vẫn vuông tròn. Không điều gì hạnh phúc hơn khi trong lúc gian khó, mình vẫn vượt qua được để giúp người gặp hiểm nguy hơn mình” – Chị cười chia sẻ.
Sai quả ngọt trên cành
Hiện chị Ngọc đã trở thành Giám đốc truyền thông của một công ty lớn tại TP. Tam Kỳ đồng thời còn là chủ một quán cà phê sạch được sản xuất theo một quy trình khép kín, thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng. Bên cạnh đó, chị còn muốn xây dựng một thương hiệu cà phê sạch mang những nét đặc trưng riêng của đất Quảng.
Những sản phẩm cà phê được in hình những di tích, thắng cảnh của Quảng Nam, không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn mang tính thẩm mỹ, văn hóa cao. Lợi nhuận thu được, phần lớn chị giành để làm từ thiện, số ít còn lại chị trang trải cho cuộc sống với quan niệm “kinh tế mình có vững, cuộc sống mình có ổn định thì mới giúp được cho người khác”.
Ngoài những hoạt động thường xuyên của chị Ngọc và Hội người Quảng Nam đã làm suốt những năm qua, thì sắp tới đây (ngày 9.5.2018) chị và một số người bạn cùng thành lập một quán cơm từ thiện giá rẻ cho những người lao động có thu nhập thấp tại địa chỉ số 33, Trần Hưng Đạo, TP. Tam Kỳ.
Với mục đích giúp cho những người nghèo có được bữa cơm vừa no vừa ngon miệng mà không thấy ngại, thay vì trao tặng miễn phí, mỗi suất cơm chị chỉ lấy giá 3 nghìn đồng, để họ có thể mua bằng tiền do chính mình làm ra. Hiện mọi người đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, chỉ chờ ngày khai trương, bất kỳ ai cũng có thể đến mua mà không có sự phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai.
Chia tay chúng tôi, chị Ngọc chia sẻ: “Đến bây giờ, có thêm 2 đứa con, thời gian sẽ eo hẹp đi rất nhiều, đã từng có những lúc gian truân nhưng được sự chia sẻ của chồng và gia đình, tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi mà muốn dừng bước.
Điều làm tôi lo sợ, không phải ở sức khỏe, hay nguồn kinh phí mà chính là sự không tin tưởng của những mạnh thường quân khi giao tiền cho tôi. Nhưng tôi tin, bằng chính cái tâm của mình, cùng những gì mình đã làm được cho rất nhiều người, mình vẫn cứ sống tốt, cứ làm những điều có ích, cho đi rồi sẽ được nhận lại. Vậy nên, tôi vẫn tiếp tục thực hiện những công việc trước nay đã từng làm, cho đến khi nào chân không đi được nữa mới thôi…”.