Bệnh nhân là chị Đ.T.C.T, 32 tuổi, có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Chị T từng sinh mổ 1 lần năm 2020 và sau đó chị ngừa thai bằng phương pháp đặt dụng cụ tử cung (đặt vòng tránh thai). Một tháng nay chị bị ra huyết âm đạo kéo dài, sau đó đau âm ỉ bụng dưới. Đi khám ở cơ sở y tế địa phương, chị được xác định có thai bằng phương pháp thử que. Tuy nhiên, bác sĩ siêu âm không xác định được vị trí khối thai. Chị được bác sĩ lấy vòng ra và hẹn tái khám sau 1 tuần.
Sau đó vài ngày, chị bị ra huyết và đau bụng nhiều hơn nên đến khám tại bệnh viện tỉnh. Tại đây chị được xét nghiệm máu phát hiện beta HCG (một hormone do bánh nhau sản xuất) cao và siêu âm nghi ngờ thai ngoài tử cung ở vòi trứng bên trái. Bệnh viện tỉnh khuyên chị nhập viện bệnh viện Từ Dũ để được mổ bảo tồn vòi trứng thay vì phải cắt vòi trứng.
Ngày 7/5, tại Bệnh viện Từ Dũ, chị T được khám, kiểm tra, xét nghiệm máu và siêu âm. Bác sĩ nghi ngờ đây là một trường hợp thai ngoài tử cung trong ổ bụng cực hiếm gặp. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ beta HCG rất cao (hơn 10.000 mUI/mL). Siêu âm thấy khối thai to với phôi thai dài 10 mm, không có tim thai, nằm sâu trong vách chậu bên trái.
Ê-kíp bác sỹ trực nhanh chóng hội chẩn và lên kế hoạch phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân lúc 18h cùng ngày. Nội soi bụng bệnh nhân cho thấy ổ bụng sạch, không có máu, tử cung không to, hai vòi trứng bình thường. Sau khi thám sát kỹ mới phát hiện một khối thai to khoảng 7 tuần bám sâu vào vách chậu bên trái, rất gần đường đi của niệu quản bên trái và các mạch máu lớn vùng chậu.
Sau 2 giờ, các chuyên gia phẫu thuật nội soi đã thực hiện thành công ca mổ với lượng máu mất tối thiểu và bệnh nhân không cần phải truyền máu.
Hiện tại, sau mổ 1 ngày chị T đã có thể tự đi lại được, ăn uống bình thường, không sốt, vết mổ khô và hầu như không còn đau đớn.
Theo các bác sĩ, thai trong ổ bụng là một dạng rất hiếm gặp của thai ngoài tử cung. Tần suất dao động từ 1/10.000 đến 1/30.000 thai kỳ. Chiếm khoảng 1% trường hợp thai ngoài tử cung với tỉ lệ tử vong mẹ cao gấp 8 lần thai ngoài tử cung ở vòi trứng.
Chẩn đoán thai ở vị trí này thường dễ bị bỏ sót cho đến khi có biến chứng như vỡ, xuất huyết nội hoặc chỉ được phát hiện trong lúc mổ thám sát tình trạng bụng ngoại khoa. Nếu khối thai vỡ, khả năng mất máu lượng lớn cao hơn thai ở vòi trứng gấp nhiều lần và bệnh nhân có nguy cơ rơi vào sốc do mất máu nhiều rất cao. Do đó, bệnh nhân cần được phẫu thuật để cắt bỏ khối thai ở các bệnh viện chuyên khoa sâu có đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm.
"Mỗi phương pháp ngừa thai đều có tỉ lệ thành công và thất bại. Hiện tại không có phương pháp ngừa thai nào có tỉ lệ thành công là 100%. Sau khi đặt vòng, chị em cần tái khám phụ khoa định kỳ mỗi năm kiểm tra vị trí vòng để đảm bảo khả năng ngừa thai cao nhất. Nếu có bất thường hành kinh khi đang đặt vòng, bạn nên đi khám ngay để loại trừ khả năng có thai hoặc tìm nguyên nhân khác", bác sĩ khuyến cáo.