Giấc mơ đã tắt ngúm
Trái tim của “Little Africa” hay thành phố Socola như một số người đặt biệt danh là một địa điểm không dễ để định vị nếu không được chỉ dẫn thông tin. Ở chân một đường hầm không có điểm gì đáng chú ý, khác xa với đường Little North bận rộn ở Quảng Châu là nơi mà 2 năm trước khác biệt hoàn toàn với những khu khác của Trung Quốc.
Những người phụ nữ Angola đội túi đi chợ trên đầu, còn những người đàn ông Somali mặc áo choàng dài đi rao bán, trao đổi tiền tệ. Những người bán hàng Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) xẻ thịt cừu ngoài đường, thương gia Công-gô mua sỉ quần áo lót từ những cửa hàng Trung Quốc và những người đàn ông Nigeria vào quán bar châu Phi uống một chai bia Tsingtao và ăn một đĩa cơm Nam Phi.
Đăng Phong– một ngôi làng thành thị yên bình tại trung tâm Quảng Châu – trở nên sôi động nhờ dân nhập cư Trung Quốc cũng như châu Phi. Đến năm 2012, gần 100.000 người châu Phi ở khu vực cận sa mạc Sahara đã di chuyển đến Quảng Châu. Theo cuốn sách “Người châu Phi ở Trung Quốc” của Giáo sư Adams Bodomo, nếu thông tin này là chính xác thì đây là nơi có cộng đồng người châu Phi lớn nhất tại châu Á. Tất cả họ đều đến đây để theo đuổi giấc mơ làm giàu tại Trung Quốc.
Thế nhưng, giờ đây, giấc mơ ấy đang phai dần, nếu như không muốn nói là đã tắt ngúm. Trong vòng hơn 18 tháng qua, mặc dù khó có được con số cụ thể, nhưng các thông tin cho thấy đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người châu Phi được người dân địa phương và các nhà nghiên cứu cho rằng đã rời khỏi Quảng Châu.
Việc những nước Tây Phi phụ thuộc vào dầu khí cạn kiệt ngoại tệ, kết hợp với những yếu tố như chính sách nhập cư được cho là không thân thiện với người di cư, nạn phân biệt chủng tộc lan tràn và nền kinh tế chậm phát triển của Trung Quốc được cho là đang khiến Quảng Châu đang mất dần tính cạnh tranh thị trường.
Miền đất hứa?
Quảng Châu nằm cách Hong Kong khoảng 120km về phía Tây Bắc, và là nơi mà những người lao động thường xuyên phải làm việc trong bầu không khí ngột ngạt khói bụi. Người châu Phi bắt đầu đổ bộ vào khu vực có nhiều nhà máy này, sản xuất nhiều thứ từ máy giặt đến quần jeans Levi’s nhái từ giữa những năm 90.
Nền kinh tế Trung Quốc gần đây đã mở cửa và trong năm 2000, Bắc Kinh tổ chức Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi đầu tiên, dẫn đầu chiến dịch gắn kết mối quan hệ tốt với các quốc gia châu Phi giàu tài nguyên. Cho đến năm 2014, các giao dịch thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc vượt lên trên giao dịch của Mỹ với châu Phi, đạt hơn 120 tỉ USD và hơn 1 triệu người Trung Quốc đã chuyển đến châu Phi ở.
Khi những con phố Tàu (Chinatown) du nhập vào Lagos và Conakry, nhiều người dân châu Phi bắt đầu có suy nghĩ về Trung Quốc. Tuy nhiên, kiểu người châu Phi nhập cư vào Trung Quốc khác so với kiểu người di chuyển đến các nước phương Tây, giảng viên Roberto Castillo ngành châu Phi học tại đại học Hong Kong cho biết.
“Những người đến châu Âu thường không hoà nhập được với xã hội, không có cơ hội và mong muốn ổn định cuộc sống ở đó. Còn dân châu Phi ở Trung Quốc phần lớn đến đây để kinh doanh lập nghiệp. Nhiều người trong số họ có khả năng tài chính để di chuyển và khám phá miền đất mới” – ông Castillo cho hay.
Trên thực tế, khoảng 40 phần trăm người nhập cư châu Phi tại Trung Quốc đã có nền tảng giáo dục đại học, một số người có bằng tiến sĩ, theo kết quả điều tra “Người châu Phi ở Trung Quốc”. Như anh Ali Mohamed Ali - một thương nhân người Somali, tốt nghiệp đại học ngành bảo hiểm đang làm logistic tại Quảng Châu - chia sẻ 5 anh trai và chị gái của anh đều sang châu Âu. Tất cả những người này sau cùng đều kết thúc với việc làm tài xế taxi hoặc bảo vệ canh gác. “Sang các nước phương Đông sẽ có cơ hội đạt được thành tựu gì đó lớn hơn” – anh cho hay.
Còn anh Madina Diallo cho biết, trong năm 2012, anh xuất khẩu được 250 container hàng mỗi năm, gồm có mọi thứ từ đệm ga đến máy làm bỏng ngô. Bằng cách buôn bán những đồ dùng này tại quê hương mình, Guinea, anh có thể kiếm tới 1.500 USD mỗi thùng hàng hay 37.5000 USD mỗi năm – một khoản thu nhập lớn ở một nước mà thu nhập bình quân đầu người chỉ là 470 USD.
Những doanh nhân người châu Phi khác thì kiếm tiền bằng cách lập các công ty vận chuyển hàng hóa hoạt động ở khu vực cảng Quảng Châu. Hàng giả, hàng nhái cũng là một lĩnh vực đưa đến cho họ những khoản lợi nhuận lớn. Anh Moustapha Dieng, từng là phi công cho Senegal cho biết, vào đầu những năm 2000, dân châu Phi vẫn nhập hàng Nike và Adidas từ Mỹ.
“Khi chúng tôi bắt đầu bán hàng nhái từ Trung Quốc, chúng tôi có thể bán chúng tại Senegal với giá như hàng xịn nhập từ Mỹ. Không ai biết đến Trung Quốc và các loại hàng nhái của nước này. Lợi nhuận lên đến hơn 100%” – anh Dieng kể. Với những lý do như vậy, Quảng Châu trở thành miền đất hứa và ngày càng nhiều người dân châu Phi di cư đến đây.
Những nhà ngoại giao nhỏ
Felly Mwamba là một trong những nhà ngoại giao nhỏ của Quảng Châu. Mỗi quốc gia châu Phi đều có đại sứ tại thành phố của Trung Quốc. Người này do chính cộng đồng người nước ngoài từ các nước khác nhau đang sinh sống tại Trung Quốc – bầu chọn ra. Họ sẽ có trách nhiệm hợp tác với công an Trung Quốc, giải quyết vấn đề nội bộ và sắp xếp các sự kiện cộng đồng. Đại sứ này còn có trách nhiệm quản lí người dân trong cộng đồng mình bởi những người nhập cư khi tới Quảng Châu thường đến đăng kí với lãnh đạo cộng đồng của họ để trợ giúp những người mới đến.
Theo ông Mwamba, năm 2006, số người Congo tại Little Africa rơi vào khoảng 1.200 người. Tuy nhiên, hiện nay con số này đã giảm xuống còn chỉ khoảng 500. Đại sứ cho Guinea và Senegal cũng báo cáo về sự giảm sút số lượng. Ông Emmanuel Ojukwu – tự nhận là người đứng đầu của cộng đồng người châu Phi ở Trung Quốc và là đại sứ của cộng đồng người Nigeria – thừa nhận: “Có quá nhiều người về nhà vào dịp Giáng sinh và không quay trở lại”.
Số dân châu Phi tại Quảng Châu khó chắc chắn do bản chất của nghề buôn bán – có người vào và ra thành phố nhiều lần trong một năm – và hàng ngàn người ở lại quá hạn visa.
Trung Quốc mất dần tính cạnh tranh
Nguyên nhân giấc mơ Trung Quốc đang làm thất vọng người dân châu Phi là do sự phát triển của nền kinh tế nước này. Trước hết, do tiếng tăm của Trung Quốc đang tăng lên toàn cầu, khách hàng châu Phi đã nhận ra họ đang mua món hàng đểu và tự nhiên họ muốn trả ít hơn. Hơn nữa, dưới áp lực quốc tế, chính quyền Trung Quốc đã hứa hẹn đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của các hãng quốc tế, phạt mạnh những vi phạm về thương mại.
Trong khi đó, lương nhân công tại Trung Quốc cũng đã tăng trong những năm qua, trong khi tỉ giá hối đoái cũng thay đổi, khiến cho chi phí sản xuất tại Trung Quốc cao hơn trước. “Lương sản xuất theo giờ tại Trung Quốc đã tăng trung bình 12% mỗi năm kể từ năm 2001, trong khi đồng yên mạnh đã khiến lợi nhuận của chúng tôi giảm” – anh Dieng cho biết. Anh này cho rằng sức cạnh tranh của thị trường Trung Quốc đang giảm và anh cũng đang chú ý tới một số thị trường được cho là tốt như Việt Nam hay Bangladesh. Vì hàng hóa từ Trung Quốc đang hụt đi lợi nhuận, nhiều dân châu Phi cảm thấy chất lượng cuộc sống của họ giảm đi.
Bên cạnh đó, một quan chức ngoại giao Trung Quốc cho hay “nhiều người dân Trung Quốc không muốn sống tại “Africa Town” nữa vì khác biệt về văn hoá, cách sống và vệ sinh”. Thêm vào đó, nhiều người Trung Quốc cũng không có thái độ thiện cảm với người châu Phi. Bà Tina Chan - chủ nhà máy sản xuất giày - cho biết bà không thích người dân châu Phi mà chỉ làm ăn với họ.
Một lý do khác khiến người châu Phi rời khỏi Trung Quốc là việc năm 2013, Trung Quốc đã thay đổi bộ luật quản lí nước ngoài – Luật Quản trị Ra-Vào – lần đầu tiên từ năm 1986. Theo quy định của Luật này, người dân châu Phi từng sống ở Quảng Châu nhiều năm, trả thuế đủ, làm ăn ở nhà máy Trung Quốc hoặc cưới một người mang quốc tịch Trung Quốc đều mong muốn cải cách chính sách sẽ giúp họ trên con đường trở thành dân cư đích thực.
Ông Castillo cho biết ông rất thất vọng vì cải cách không rõ ràng và vẫn giống luật năm 1986. Thông điệp rất rõ ràng: một khi là người nước ngoài, mọi thứ sẽ không trở nên dễ dàng. Như Diallo, dù có hộ khẩu thường trú, nhưng nghịch lý thay, vẫn phải đi nộp đơn lại hàng năm.
Sự đổi mới ở Little Africa
Năm 2014, giới chức Quảng Châu quyết định làm đẹp Đăng Phong, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân. Việc nâng cấp trong vòng 1 năm trời đã làm giảm sút giao dịch nước ngoài, ngăn chặn chợ phố từng là cuộc sống của khu vực, mở đường và làm đường nên có thêm sự có mặt của cảnh sát. Việc tân trang chỉ tập trung tại một khu vực nhỏ, khác hẳn so với phần còn lại của thành phố.
Sau sự đổi mới này, phần lớn dân châu Phi đã chọn rời khỏi khu vực Little Africa, một là di chuyển sang khu khác của thành phố, hai là rời khỏi Trung Quốc.
Sau 13 năm làm việc tại Trung Quốc, ông Mwamba cho hay ông đã sẵn sàng về nhà. “Tất cả mọi người đều muốn quay trở lại châu Phi và bắt đầu cái gì mới. Chúng ta đã học được ở đây về buôn bán trao đổi và những nhà máy nhỏ. Chúng ta nên quay trở về nhà và áp dụng những kiến thức đó” – ông nói.