[links()] Bức tranh không hài hòa giữa những chế độ khám chữa bệnh khác nhau trong cùng một bệnh viện không phải là không có lý do. PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về vấn đề này:
Thưa ông, hầu hết các BV lớn ở Việt Nam đều trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép, trong lúc đó tại khu điều trị tự nguyện, mỗi phòng chỉ có 1 hoặc 2 người bệnh, thậm chí có lúc phòng còn để trống. Có nghĩa là BV không phải là thiếu giường cho người bệnh mà thực sự là vẫn còn nhưng chỗ đó dành cho người giàu. Liệu có sự phân biệt giàu- người nghèo trong khám chữa bệnh?
Việc tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu tại một số BV là nằm trong chủ trương thực hiện Nghị định 43 về tự chủ tài chính, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, làm giảm số người có nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao ra nước ngoài điều trị.
Giường bệnh theo yêu cầu là được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, huy động vốn không thuộc ngân sách nhà nước, trong khi vẫn đảm bảo chỉ tiêu hoạt động đối với các giường bệnh theo kế hoạch Nhà nước giao theo đúng quy định. Giá thu trên cơ sở hạch toán phù hợp với điều kiện phòng, giường và có sự đồng thuận theo yêu cầu của người bệnh. BV chỉ thực hiện thu tiền phòng tương ứng với giá theo yêu cầu, các khoản thuốc, y cụ, phẫu thuật, thủ thuật và thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
Tại BV công, đất đai, con người, máy móc thiết bị…phần lớn của Nhà nước, nhưng lại dành riêng một khu đất làm nơi điều trị và khám dịch giá cao. Số tiền này sẽ hạch toán và phân bổ như thế nào? Làm sao minh bạch được giữa điều trị thường và điều trị tự nguyện?
Ở hầu hết các bệnh viện phần kinh phí đầu tư cho khu điều trị tự nguyện được huy động từ nguồn ngoài ngân sách của bệnh viện, giá thu dịch vụ cũng được hạch toán trên cơ sở một số dịch vụ gia tăng có khấu trừ các khoản do nhà nước đầu tư.
Máy móc thiết bị đều dùng cho mọi người bệnh như nhau và thu theo khung giá của Bộ Y tế qui định (người bệnh điều trị theo yêu cầu chỉ có chênh lệch tiền phòng nằm và tiền mổ sớm, mổ ngoài giờ).
Nguồn thu từ khám và điều trị dịch vụ tại BV cũng như chênh lệch thu chi từ nguồn thu dịch vụ được hạch toán theo văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc khuyến khích phát triển dịch vụ y tế đã bổ sung thêm nguồn lực tài chính cho các BV công, song chính sách này đã làm hạn chế sự tiếp cận của người nghèo tới các dịch vụ y tế do không có tiền để trang trải chi phí; đồng thời gia tăng khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội, gây bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội được chăm sóc, đặc biệt là trẻ em. Bộ Y tế nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Dịch vụ khám, chữa bệnh tại các BV hiện nay là công bằng cho tất cả người bệnh từ thầy thuốc, trang thiết bị, thuốc vật tư, tiêu hao. Người nghèo, trẻ em, các đối tượng chính sách đã được nhà nước mua bảo hiểm y tế đảm bảo việc tiếp cận công bằng các dịch vụ khám chữa bệnh.
Phát triển các dịch vụ y tế theo yêu cầu đã bổ sung thêm nguồn lực tài chính cho việc cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh; giúp cho BV có thêm kinh phí để hoạt động, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm trang thiết bị hiện đại, có thêm kinh phí phát triển kỹ thuật cao, đào tạo được những chuyên gia giỏi giúp chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời, cứu sống được nhiều người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.
Thực tế, với mức giá thu dịch vụ của đối tượng có thẻ BHYT như hiện nay, thì người nghèo, người bệnh có thẻ BHYT được hưởng lợi rất nhiều từ những nguồn thu dịch vụ này. Bằng chứng là tại các BV người nghèo vẫn được hưởng y tế kỹ thuật cao với giá viện phí bằng với giá của Nhà nước qui định tại Thông tư 14 và Thông tư 03.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức độ sinh lời ở các khu khám chữa bệnh dịch vụ cao hơn nên nhiều BV sẽ ưu tiên cho hoạt động tại các khu dịch vụ mà không đầu tư đúng mức cho khu vực thường. Vì vậy, ở những khu vực thường, chất lượng có thể sẽ ngày càng giảm đi và những người bệnh không đủ điều kiện khám chữa bệnh ở những khu cao cấp sẽ chịu thiệt thòi?
Không có sự khác nhau về chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh tại khu vực, không có hiện tượng đầu tư cho khu theo yêu cầu mà không đầu tư cho BV để người không có đủ điều kiện được khám cấp cứu.
Ở hầu hết các BV, điều kiện khám chữa bệnh giữa hai khu vực là như nhau, chỉ khác nhau ở giá phòng nằm theo yêu cầu là phòng riêng có thêm một số dịch vụ gia tăng như tivi, tủ lạnh, điều hòa. Tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu hiện nay vẫn còn thấp, ở dưới mức cho phép.
Bên cạnh việc điều trị dịch vụ, một số BV lớn còn mở thêm dịch vụ khám Giáo sư. Có nghĩa là người bệnh sẽ được các Giáo sư khám và chẩn đoán bệnh thay vì được các bác sĩ khám, tuy nhiên số tiền họ bỏ ra sẽ cao gấp ba, thậm chí gấp bốn, năm lần. Việc làm này có được phép khi mà các Giáo sư cũng là người của bệnh viện, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị của BV để khám chữa bệnh? Theo quy định, các Giáo sư có phải khám bệnh hàng ngày tại các phòng khám? Những người bệnh khám theo diện BHYT có được các Giáo sư khám bệnh?
Các giáo sư là nguồn nhân lực chất lượng cao của các BV chủ yếu tập trung vào việc giải quyết những ca bệnh khó, hiểm nghèo, đào tạo đội ngũ chuyên môn kế cận. Ở hầu hết các BV không có sự phân công riêng biệt đối với các giáo sư, bác sĩ giỏi cho khu tự nguyện. Việc khám và điều trị cho mọi người bệnh trong BV đều thực hiện theo đúng quy trình chuyên môn của Bộ Y tế. Những ca bệnh khó đều phải hội chẩn với sự tham gia của các giáo sư, bác sỹ giỏi không phân biệt giàu nghèo.
Một số BV có hợp đồng với các giáo sư đã về hưu nhưng còn đủ sức khỏe để khám bệnh tại khu theo yêu cầu. Việc lựa chọn giáo sư khám có chi phí cao hơn do chất lượng khám tốt hơn là yêu cầu tự nguyện của người bệnh.
Xin cám ơn ông!
Vân Anh (thực hiện)