Không có khách, đành nghỉ việc không lương
Được biết, tại nhà hàng Nguyễn Thị Hoa làm, ban đầu nhân viên chia luân phiên nghỉ làm nhưng bây giờ thì tất cả nghỉ hẳn vì nhà hàng đã đóng cửa. Nhà hàng trước đây có hơn 20 nhân viên phục vụ, hiện tại tất cả phải nghỉ việc không lương ở nhà chờ thông báo tiếp theo.
Vốn là một địa điểm du lịch sầm uất nhưng Hội An những ngày này đường phố khá vắng vẻ. Trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Cửa Đại, Lý Thường Kiệt, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng… dễ dàng nhận thấy rất nhiều hàng quán treo bảng thông báo đóng cửa.
Tuy nhiên, ảnh hưởng nhiều nhất phải kể đến các cơ sở lưu trú, khách sạn. Hiện tại phần lớn homestay, khách sạn đã ngừng hoạt động hoặc chuẩn bị đóng cửa, đồng nghĩa lao động các đơn vị này cũng nghỉ việc.
Bà Hứa Thị Anh - Tổng Giám đốc khách sạn Phú Thịnh cho biết, dự kiến hết tháng 3 này Phú Thịnh sẽ chính thức đóng cửa. Ngoài trừ vài người giữ lại để bảo vệ, chăm sóc vườn cây, gần 120 lao động khách sạn sẽ phải nghỉ việc không lương.
“Bây giờ khách sạn đã hết khách, những tour khác thì đã hủy nên tạm ngừng hoạt động, nhân viên cũng buồn, lo lắng nhưng họ đồng cảm với mình. Cũng may trước đây công ty đã đóng bảo hiểm thất nghiệp cho nhân viên nên anh em đỡ phần nào, ngoài ra Công đoàn công ty cũng sẽ hỗ trợ thêm một ít phúc lợi cho anh em” - bà Anh thông tin.
Tại Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, đến nay gần 80% nhân viên phải nghỉ việc để hưởng lương cơ bản, tương đương hơn 650 người (chủ yếu diễn viên, nhân viên shop lưu niệm, nhà hàng…), chỉ giữ lại bộ phận hành chính, kinh doanh nhưng cũng chỉ hưởng 50% lương. Một quản lý ở đây chia sẻ, theo kế hoạch những lao động này sẽ nghỉ đến hết tháng 3, sau đó tùy tình hình dịch sẽ tính tiếp.
Ông Lê Viết Phúc - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An thừa nhận, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có số liệu chính xác về lực lượng lao động nghỉ việc vì phải chờ doanh nghiệp báo cáo lên, nhưng chắc chắn số lao động mất việc rất lớn vì liên quan đến nhiều ngành nghề dịch vụ như lưu trú, lữ hành, may mặc, nhà hàng, lưu niệm…
“Theo quy định, khách sạn 3 sao trở lên mỗi phòng sẽ có 1,3 lao động; homestay, biệt thự du lịch tỷ lệ là 0,7 người/phòng. Với 12 nghìn phòng như hiện nay thì số lao động bị nghỉ việc khi khách sạn đóng cửa là không hề nhỏ, chưa kể các ngành nghề dịch vụ kinh doanh ăn theo khác” - ông Phúc phân tích.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, hiện tại hiệp hội vẫn chưa thống kê được số lao động mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 vì tình hình biến động từng ngày.
“Rất nhiều doanh nghiệp thời gian qua không có doanh thu, chứ chưa nói đến lợi nhuận. Theo tôi, giải pháp bây giờ vẫn phải làm sao vừa hạn chế rủi ro nhưng vẫn phải bảo toàn nhân viên bằng cách hỗ trợ lương. Quan điểm của hiệp hội là nên cố gắng giữ lại lao động, nhưng điều này thì tùy vào nguồn lực của mỗi đơn vị. Đặc biệt, mong Nhà nước có nguồn quỹ hỗ trợ giúp doanh nghiệp đào tạo lại lao động sau này” - ông Thanh đề xuất.
3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc vì dịch Covid-19 trong quý 2/2020
Đó là dự báo của Trung tâm dịch vụ việc làm – Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, từ đầu năm đến 18/3, cả nước có gần 130.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Dự báo, trong quý 2/2020, nếu dịch Covid-19 bùng phát mạnh hơn thì sẽ có tới 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm; và khoảng 2 đến 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.
Theo thống kê 2 tháng đầu năm 2020, có 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019). Sang đầu tháng 3, đặc biệt từ tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, trên 15% doanh nghiệp báo cáo phải cắt giảm quy mô sản xuất.
Đường phố Hội An vắng vẻ trong mùa dịch (nguồn ảnh QNO) |
Đặc biệt là với các ngành có số lượng lao động lớn, chủ yếu là lao động nữ như doanh nghiệp dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp đã thực hiện giãn ca, không làm thêm giờ. Dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống với hơn 500 ngàn lao động đang làm việc có nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục ngoài công lập với hơn 30 nghìn lao động đang bị ngừng việc…
Tại báo cáo nhanh về tác động của dịch Covid-19 gửi Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý 2/2020, sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm.
Nếu trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, sẽ có từ 350 đến 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 2-3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc. Ước tính các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Quyền lợi của người lao động sẽ thế nào?
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp bị đình trệ; kéo theo đó là số người lao động mất việc làm gia tăng. Trước tình hình này, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động để triển khai hướng dẫn việc tạm dừng đóng BHXH, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí và tử tuất theo nguyên tắc những doanh nghiệp có trên 50% người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và doanh nghiệp bị 50% thiệt hại do ảnh hưởng của dịch. Vậy nếu doanh nghiệp được tạm ngừng đóng BHXH thì liệu quyền lợi của người lao động có bị ảnh hưởng hay không?
Trả lời cho câu hỏi của đông đảo người lao động rằng chính sách tạm dừng đóng này sẽ tác động thế nào đến quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, cũng như quyền lợi và quá trình đóng hưởng BHXH của người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, quỹ bảo hiểm để hỗ trợ cho người lao động trong thời gian mất việc không ảnh hưởng gì đến tình hình việc làm hiện tại. Việc hỗ trợ của bảo hiểm nhằm giúp cho người lao động trong lúc khó khăn, đặc biệt là trong thời gian mất việc và có khả năng tái tạo việc làm mới, khi phục hồi tiếp tục quay trở lại sản xuất.
Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất mở rộng hơn cho các doanh nghiệp, mở rộng hơn đối với người lao động liên quan đến vấn đề bảo hiểm thất nghiệp với 3 mức hỗ trợ: Một là, tạm dừng đóng BHXH từ tháng 3 đến tháng 12/2020; Hai là, miễn đóng cho tất cả những người mất việc, ngừng việc và không có việc do ảnh hưởng của Covid-19; Ba là, giải quyết toàn bộ phần hỗ trợ trở lại cho doanh nghiệp để đào tạo nghề, chuyển đổi công việc cho người lao động.
Bên cạnh chính sách tạm dừng đóng BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động. Ước tính số lao động bị ngừng việc là 250 - 500 ngàn người, tương ứng từ 17,6 đến 35 ngàn doanh nghiệp; đề xuất hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm. Theo tính toán của Bộ này, số người lao động bị thôi việc là 100 đến 200 ngàn người. Dự kiến số tiền doanh nghiệp phải vay để trả trợ cấp thôi việc từ 1 đến 2 ngàn tỷ đồng.
Đồng thời Bộ này cũng đề xuất hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp bị giải thể, phá sản và đề xuất chương trình tín dụng ưu đãi đối với người lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng, được vay vốn ưu đãi…