Đã có đến 23 cán bộ, công nhân của công ty vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất vùng rừng núi cực Bắc Tây Nguyên này. Những ký ức về một thời gian khó như tiếp thêm động lực cho cán bộ, công nhân của công ty vượt qua thử thách để giữ lấy thành quả ấy...
Bạt núi, trồng rừng trên đồi cao, đất dốc
Năm 2000, Công ty Nguyên liệu giấy Đồng Nai bắt đầu mở vùng nguyên liệu, trồng rừng ở tỉnh Kon Tum. Hơn 17 năm qua, để có được trên 9.000 ha rừng nguyên liệu giấy hôm nay, công ty đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm, gian khó để trồng và giữ rừng. Bom mìn còn xót lại của chiến tranh, nước lũ, mưa nguồn, muỗi rừng, vắt suối…đã cướp đi tính mạng của 23 cán bộ, công nhân của công ty. Sự nghiệp trồng rừng đã in đậm dấu ấn của quá khứ khốc liệt nhưng đấy cũng chính là động lực để hàng trăm kỹ sư, cán bộ, công nhân của công ty bám rừng, bám đất, bạt núi, mở đường trên khắp 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đưa cây thông 3 lá phủ xanh những vùng đất trơ trọi, hoang vu do chất độc đi-ô-xin của đế quốc Mỹ đã làm tàn lụi mọi gốc cây, ngọn cỏ trên đất rừng Kon Tum.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Tống Hữu Chân nhớ lại, vượt qua gian khó, từ năm 2000 đến 2004 công ty đã trồng được gần 17.000 ha rừng nguyên liệu giấy. Rừng đang phát triển tốt thì gặp phải khó khăn do không còn vốn để phát dọn thực bì, vì số rừng trồng đến năm thứ 3 thì hết quy trình chăm sóc theo quy định của Tổng Công ty giấy Việt Nam. Đất Tây Nguyên 6 tháng mùa khô không một giọt mưa, khắc nghiệt nên mùa khô năm 2003 - 2004, hơn 1.600 ha rừng của công ty bị lửa thiêu rụi. Rừng bị cháy kết hợp với việc nhà máy bột giấy Kon Tum ngừng xây dựng khiến việc giải ngân vốn cho công ty chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng hầu như ngừng trệ.
Không có tiền lo cho rừng, nguy cơ cháy luôn rình rập, công ty lâm vào cảnh khốn khó. Trong tổng số 232 cán bộ, công nhân của công ty có trên 100 người xin chuyển hoặc xin nghỉ việc, trong đó có gần 40 kỹ sư lâm nghiệp và cán bộ kỹ thuật. Phó Bí thư Đảng ủy Phạm Văn Hà nhớ lại: “Khi ấy nghĩ đến mùa khô, với nguy cơ hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước bỏ vào rừng sẽ tiếp tục bị cháy mà xót xa, cám cảnh. Đây là thời điểm nguy nan nhất, khó khăn nhất của những người trồng rừng nguyên liệu giấy Kon Tum”.
Đổi thay từ chiếc “ghế nóng”
Việc cháy rừng, mất rừng nguyên liệu giấy ở Kon Tum đã nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự của Chính phủ. Bộ Công nghiệp lúc ấy đã chỉ đạo Tổng Công ty giấy phải kiên quyết giữ lấy gần 14.000 ha rừng còn lại. Công ty giấy Đồng Nai cùng lúc đó được chuyển đổi thành Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam với việc chuyển trụ sở đặt đại bản doanh chỉ huy tại tỉnh Kon Tum.
Chiếc ghế giám đốc của công ty này luôn “nóng” không kém gì sức nóng của lửa rừng. Đã có hai vị giám đốc xin “thoái vị” chiếc ghế nóng này. Năm 2005, Tổng Công ty giấy Việt Nam điều động một vị ở Vĩnh Phúc vào làm giám đốc thì cũng chỉ gần hai năm sau, vị giám đốc này cũng “cáo lui” xin thôi để trở lại Phú Thọ. Tống Hữu Chân từ Kế toán trưởng được tín nhiệm giao chức phó giám đốc rồi hơn một năm sau trở thành giám đốc. Trưởng thành từ công nhân rồi đến kế toán, Tống Hữu Chân đã gắn bó, đắm mình với công ty từ những ngày đầu gian khó. Nhìn thấy rừng bị cháy, người lao động bị mất việc làm anh không nỡ. Anh tâm sự: “Biết là khó, cực kỳ khó khăn nhưng anh em, tổ chức tín nhiệm chẳng lẽ mình lại thoái thác. Hơn nữa mình là đảng viên lại nguyên là người lính mà đứng nhìn rừng bị mất từng ngày hay sao! Mình không được vô trách nhiệm khi hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước đã đổ vào rừng rồi. Phải giữ lấy không còn con đường nào khác”.
Cùng với việc ngược xuôi lo tiền đầu tư tiếp cho rừng, Giám đốc Tống Hữu Chân và ban lãnh đạo lặn lội hết từng hang cùng, ngõ hẻm ở những vùng sâu như: Sa Thầy, Đak Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông…để đánh giá, khảo sát thực trạng của rừng. Địa hình ở Kon Tum rất khó khăn, cách trở, với độ cao so với mặt nước biển từ 1.100 mét đến 1.300 mét, núi đồi chia cắt, đất dốc đồi cao, nơi xa trụ sở công ty nhất đến trên 100 km. “Nếu không sát, không lội hết rừng thì rất khó biết thực trạng để quản lý” - Giám đốc Chân tâm sự. Anh kêu gọi anh em xốc lại đội ngũ, bàn cách giữ lấy rừng. Cũng có một số ít người xin chuyển khỏi công ty vì chưa tin vào sự thành công của cơ chế mới, cách quản lý mới do Giám đốc Chân đưa ra. Đứng trước hàng trăm cán bộ, công nhân viên của công ty, giám đốc Chân dõng dạc: “Bây giờ là lúc chúng ta phải đoàn kết, chung sức lại để giữ lấy rừng, giữ lấy chính cuộc sống của chúng ta. Ai vì sự nghiệp chung, vì rừng thì hãy ủng hộ tôi…”
Sự tâm huyết, lăn xả vào công việc của giám đốc khiến mọi người dần thay đổi suy nghĩ, ủng hộ và tiếp tục bám rừng cùng ban giám đốc. Sự năng động, mạnh dạn quyết đoán của Tống Hữu Chân đã làm cho diện mạo của công ty có sức sống mới.
Để có tiền có vốn tiếp sức cho rừng, Tống Hữu Chân phải tất tả ngược xuôi đến các Bộ, ngành chức năng để thuyết phục, bảo vệ các phương án giữ rừng của mình. Công ty được Bộ Công thương phê duyệt dự án phòng cháy chữa cháy với kinh phí trên 27 tỷ đồng. Dự án đã được triển khai với việc xây dựng 400 bể nước, 20 lán trại trực chỉ huy phòng chống cháy, rà ủi khoảng 700 km đường cơ giới, đường ray cản lửa, đường bao lô, mua sắm dụng cụ, ống nước… để phục vụ công tác phòng , chữa cháy rừng. Tất cả đã và đang được đồng loạt triển khai trên những cánh rừng nguyên liệu giấy của tỉnh Kon Tum.
Vị giám đốc luôn biết “chia lửa”
Luôn trẻ trung, xởi lởi với mọi người là phong cách sống hằng ngày của vị giám đốc 53 tuổi này. Khi mới nhận chức giám đốc, mọi người trong công ty chưa tin vì khả năng xốc lại đội ngũ để chống lại lửa rừng. Nhưng đến hôm nay, mọi việc đều đã thay đổi. Tiếp xúc với nhiều cán bộ, công nhân của công ty mọi người đều đánh giá cao tinh thần trách nhiệm thực tiễn đến lối sống bình dị, sâu sát nhưng cũng kiên quyết của Tống Hữu Chân.
Từ các trưởng phòng thuộc cấp như Nguyễn Nhã Hoàng, Nguyễn Trung Trực, Hà Bá Hường, Cao Vinh Quang… đến các trưởng ban và các Phó giám đốc Phạm Văn Hà, Võ Đình Lợi đều cho rằng: May mắn cho công ty khi đã lựa chọn được một giám đốc biết cách quản lý, sát người, sát việc, thấu lý, đạt tình và luôn lắng nghe, đối thoại để tìm ra giải pháp tốt nhất, chung tay giữ lấy sự nghiệp rừng nguyên liệu giấy của công ty.
May mắn cho công ty khi đã lựa chọn được một giám đốc biết cách quản lý, sát người, sát việc, thấu lý, đạt tình và luôn lắng nghe, đối thoại để tìm ra giải pháp tốt nhất, chung tay giữ lấy sự nghiệp rừng nguyên liệu giấy của công ty...
Cuối năm 2014, một sự kiện làm nức lòng cán bộ, đảng viên và người lao động công ty. Đó là việc Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất ván Vener tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô do công ty quản lý. Nhà máy có công suất thiết kế 12.000 m3 ván vơ nia/năm với nguyên liệu đầu vào là số gỗ tỉa thưa hàng năm trên phần diện tích rừng thông trên 9.000 ha của công ty nhằm nâng cao giá trị sản phẩm rừng trồng, tạo điều kiện cho rừng phát triển, giải quyết việc làm và thu nhập cho nhân dân huyện Đăk Tô. Đảng bộ công ty cũng vừa nhận cờ đơn vị 5 năm liền trong sạch vững mạnh tiêu biểu của Tỉnh ủy Kon Tum khen tặng. Bí thư Đảng ủy Tống Hữu Chân 12 năm liền đạt danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hôm nay, những người đến với Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam đều nhận thấy, có một ngọn lửa đang cháy, nhưng không phải là ngọn lửa rừng mà là ngọn lửa lòng nhiệt huyết của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm giám đốc Tống Hữu Chân đang cùng với những người lao động ở vùng cực bắc Tây Nguyên này giữ rừng, giữ lấy nguồn nguyên liệu chính để phục vụ cho công nghiệp sản xuất giấy và những ngành phụ trợ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum và những vùng lân cận.