Có một lượng người không nhỏ đóng góp vào việc đưa báo đến bạn đọc. Đây không chỉ là việc mưu sinh, mà còn là niềm vui của những người góp phần mang tin mới đến với độc giả. Nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà báo Việt Nam (21/6), xin gửi lời tri ân tới "những cánh tay nối dài" của những người làm báo.
Tinh mơ sôi động
Hà Nội có những Trung tâm phân phối báo lớn như: Phố Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Lễ và phố Ngô Sỹ Liên - sau ga Trần Quý Cáp…, những người bán báo rong thường tụ về đó để nhận báo và mang đi phát hành khắp các ngả phố.
Những người làm báo chuyên nghiệp vẫn còn nợ họ một lời cảm ơn… |
Tôi đến phố Ngôi Sỹ Liên lúc 4h30 để thấy những chồng báo được đưa từ nhà in về đây chuẩn bị giao cho “đội quân bán báo rong” tỏa khi khắp nơi phát hành. Trong buổi sớm tinh mơ, tiếng cười nói, tiếng sột soạt chia báo… khiến cả khu phố rộn lên như báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu.
Có đến hơn 70% số người bán báo rong là phụ nữ, cả già lẫn trẻ, họ từ những vùng quê, chủ yếu ở miền Trung ra thành phố mưu sinh. Để có báo mới, những thông tin kịp thời tới người đọc, những người bán báo rong phải đặt số lượng cụ thể từ ngày hôm trước để hôm sau nhận báo với đủ các loại: Bóng đá, Công an nhân dân, An ninh thủ đô, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ, Pháp luật Việt Nam… và nhiều tờ báo khác.
Ngoài ra họ luôn phải tính toán, cân nhắc làm thế nào để lấy số lượng bằng hoặc ít hơn mức tiêu thụ được để tránh bị ế. Họ cũng nhanh nhạy nắm bắt thông tin, xem thời sự, đọc báo để biết báo nào có những thông tin nóng hổi để nhận biết số lượng muốn lấy và để quảng bá.
Khi những vị khách đầu tiên muốn thưởng thức ly caphe sớm ấy cũng là lúc những người bán báo ôm chồng báo trên tay, hoặc chở bằng xe đạp có mặt để phục vụ. Và rồi suốt cả ngày trời, họ rong ruổi trên phố, đi qua các nhà hàng, các dãy phố có nhiều hàng càphê, hàng phở… dù mưa dầm hay nắng đổ, dù bước chân mệt nhoài để phục vụ món ăn tinh thần. Rồi đêm về, giấc mơ cơm áo gạo tiền cứ chập chờn trong giấc ngủ ở những phòng trọ giá rẻ.
Với những tờ báo bán chạy, phần lớn đại lý đều mua đứt bán đoạn, người bán dạo đặt số lượng từ hôm trước. Tránh lấy quá mà không bán hết hoặc lấy ít quá không đủ bán. Âu đó cũng là một nghệ thuật của người bán báo dạo, mà để học nó, không ít người đã phải trả không ít “học phí” khi đến chiều muộn, đống báo hôm đó vẫn còn trĩu trên tay.
Vất vả trăm đường
Những người bán báo rong sợ nhất là trời mưa. “Chợ báo” buổi sáng thường diễn ra ở lề đường nên hoàn toàn không có mái che. Với họ, ngày nắng đã mệt, ngày mưa còn cơ cực hơn. Có hôm đang chất báo lên xe thì trời đổ mưa thế là báo chí ướt nhẹp cả. Người bán dạo chỉ còn biết lấy áo mưa của mình phủ kín chồng báo.
Mùa mưa ai cũng mang theo áo mưa nhưng thường chỉ có một, nên nhiều người chọn cách “mình ướt cho báo được khô”. Mỗi ngày một người bán thuận lợi cũng kiếm được 50 đến 70 ngàn đồng. Ít hơn thì khoảng 30 ngàn. Nhiều người bán báo rong cho biết, bây giờ mọi thứ đều tăng giá, giá báo cũng tăng nên người đọc cũng dè dặt hơn trong việc mua báo.
Chị Nguyễn Thị Tứ (quê ở Thanh Hóa) vào nghề bán báo dạo cách nay hơn năm năm sau một thời gian bán vé số. Cộng lượng báo dài hạn và số lượng bán dạo, mỗi ngày chị tiêu thụ được hơn 200 tờ, kiếm được trung bình khoảng 70 ngàn đồng sau khi trừ báo tồn.
Chị Tứ có hai con nhỏ, hiện gửi cho ông bà nuôi giúp, vợ chồng chị cùng ra Hà Nội làm nghề bán báo rong. Tuy nhiên, để tiện làm ăn, mỗi người phải đi một “chợ báo” và bán ở một khu vực khác nhau. Đến tối mới gặp mặt tại nhà trọ để tổng kết thu nhập của một ngày và bàn về “chiến lược” bán báo cho sáng sớm hôm sau.
Chị tâm sự: “Trăm thứ nghề cơ cực, thì nghề bán báo rong là một trong những nghề cơ cực nhất. Người bán phải không được nản, phải có sức khỏe để cắp tập báo trên người và đi rong hết phố này đến phố khác. Rồi cũng phải nhanh nhạy, nhận biết được thị hiếu của độc giả, thích đọc báo nào để lấy tờ đó nhiều hơn. Vào mùa mưa, chúng tôi khổ cực lắm vì luôn nơm nớp nỗi lo ướt báo. Chẳng may bị ướt thì đúng là khổ sở. Vì vậy, hôm nào có ướt vài tờ xem như lãi giảm”.
Bà Nguyễn Thị Mai năm nay đã hơn 60 tuổi cũng đưa cô con gái có hai "mặt con" của mình ra Hà Nội làm nghề bán báo rong. Bà chia sẻ: “Tôi thấy mình còn sức thì còn làm. Hai năm trước, mấy chị trong làng ra đây bán báo liền về rủ tôi đi vì thấy cũng kiếm được hơn làm ruộng.
Tôi bảo cả đứa con gái đã gả chồng của mình cùng đi. Con cái, ruộng nương để nhà cho chồng lo. Ra đi bán báo cho nó có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, để kiếm được đồng tiền cũng thật khó lắm. Nghề nào nghiệp ấy mà…”
Bà Mai nói thêm rằng, mình và con gái không nhớ nổi mỗi sáng phải đi bộ qua bao nhiêu con đường, rẽ vào bao nhiêu con ngõ để đi tắt ra phố khác. Bà chỉ biết, đích đến phụ thuộc xấp báo trên tay còn hay hết. Khi hết sớm thì lấy làm mừng, vì có thể chạy qua sạp báo lấy thêm những tờ bán chạy để lại tiếp tục đi bán rong, kiếm chút chênh lệch.
Tôi hỏi bà: "Một ngày tính ra bà đi bộ bao nhiêu km?”. Bà trả lời sau một hồi tính nhẩm: “Chắc khoảng 50km cả đi lẫn về. Đi nhiều cũng thành quen, lại thấy công việc nó bình thường, chưa vất vả bằng đi gánh gạch. Nhiều khi, những người như chúng tôi phải đi bộ 1km mới bán được 1 tờ báo, lãi chỉ được 500 đến 1000 đồng. Năng nhặt chặt bị mà!”
Hỏi về ước mơ, tôi nhận được những câu trả lời phần nhiều là sự mong mỏi thời tiết thuận lợi, như thế sẽ tiện cho công việc và không ảnh hưởng đến việc chuyển báo tới tay độc giả. Họ cũng ao ước giá cả đừng tăng, để đừng tăng tiền ăn, tiền thuê trọ, giá bán báo, trong khi hoa hồng mỗi tờ báo không tăng.
Một phụ nữ chia sẻ, trước đây chị bán ba tờ báo là đủ tiền lãi mua một ổ bánh mì ăn sáng, sáu tờ đủ một bữa ăn trưa, nhưng bây giờ phải bán gấp đôi số lượng báo đó mới đủ.
Cứ thế, mỗi sớm họ lại đi nhận báo, lại đôn đáo khắp các nẻo phố đông đúc để mưu sinh, tìm kiếm những đồng bạc lẻ cho cuộc sống của mình. Và những người làm báo chuyên nghiệp, vẫn còn nợ họ một lời cảm ơn…
Sơn Bình