Người khởi xướng phong trào 'Nghìn việc tốt'

Ông Nguyễn Đức Thìn bên bức chân dung Bác Hồ
Ông Nguyễn Đức Thìn bên bức chân dung Bác Hồ
(PLVN) - “Mỗi người được sinh ra trên cõi đời này đều mang một sứ mạng, một số phận. Sứ mạng ấy, số phận ấy gắn liền với gia đình và cộng đồng làng nước, gắn bó với những năm tháng lịch sử nhiều biến động hào hùng của dân tộc. Tôi chỉ là một giọt nước mắt nhỏ trong mênh mông biển đời khổ đau và hạnh phúc đan xen”- Đó là những lời tâm sự của Anh hùng Lao động - Nhà giáo Nhân dân (AHLĐ-NGND) Nguyễn Đức Thìn - người đã khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt” và trong suốt 57 năm qua, phong trào vẫn đang có sức lan tỏa sâu rộng trong thiếu nhi cả nước...

Ngôi trường đặc biệt 

Thời nhỏ ông Thìn là một đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng nổi tiếng cả nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tham gia giữ làng, giữ nước. Khi còn là giáo viên dạy tại Trường Cấp 2 Liên Sơn, tức Trường THCS Tam Sơn, Bắc Ninh (Từ Sơn ngày nay), ông là một thầy giáo trẻ luôn nhiệt huyết với các phong trào Đoàn-Đội. 

Ông Thìn cũng là người đã khởi xướng hoạt động “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự” năm 1961, sáng kiến phát động phong trào “Nghìn việc tốt” năm 1963 và gắn bó với tuổi trẻ nhiều miền đất nước “Theo Đảng, chúng ta đi”… Đặc biệt là phong trào “Nghìn việc tốt” đã nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước, trở thành nếp văn hóa, nếp sống đẹp của thiếu nhi Việt Nam và được thiếu nhi nhiều nước Đông Âu đến tìm hiểu, học tập. 

Sinh năm 1940 tại Đình Bảng, vùng quê hiếu học và giàu truyền thống yêu nước, năm 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Đức Thìn “bén duyên” với nghề giáo. Năm 1978, đang ở độ tuổi chín muồi của sự nghiệp, thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Thìn dạy học tại Trường cấp II Liên Sơn bất ngờ phát hiện mình bị mắc căn bệnh phong. Trước đây, căn bệnh này từng bị coi là “tứ chứng nan y”.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, gạt nước mắt để lại vợ dại con thơ nơi quê nhà, công việc còn dang dở và các em học sinh yêu quí, thầy Nguyễn Đức Thìn quyết định lên đường chữa bệnh. Chuyến xe chở ông đến viện phong tại xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào một ngày cuối đông giá rét. Giống như bao người mang trong mình căn bệnh quái ác cùng về đây, ông nặng trĩu buồn đau bởi không biết có còn cơ hội trở về quê nhà nữa không. Bởi nhiều bệnh nhân không chịu được đau đớn mà chết, người khỏi bệnh cũng không dám quay trở về quê vì sợ dân làng xa lánh và kì thị.

Đến trại phong, thầy Thìn mới thấm thía hết nơi này đau thương và bất hạnh thế nào. Vốn là thầy giáo dạy Văn - Sử, hành trang mang theo của thầy khi đó chỉ là những cuốn sách, tập vở, bút viết, chiếc máy ảnh và mấy bộ quần áo. Nhìn các cháu nhỏ không được học hành, phải theo bố mẹ sống trong trại phong mà ông không kìm được lòng. Thế rồi ông tự nhủ mình phải sống, sống để còn giúp đỡ các em được học hành và làm những việc có ý nghĩa.

Và rồi ông đến gặp Giám đốc Bệnh viện nói lên ý tưởng của mình và xin thành lập trường dạy chữ cho con em bệnh nhân phong. Trước nhiệt huyết và tấm lòng của thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Ban Giám đốc Bệnh viện đồng ý cho mở Trường học Lê Văn Tám.

Trường được thành lập trong niềm vui sướng, hân hoan của biết bao người, đặc biệt là những đứa trẻ đáng thương và những gia đình đang điều trị bệnh phong nơi đây. Ngoài việc trực tiếp tổ chức, lên kế hoạch và đứng lớp giảng dạy, thầy Nguyễn Đức Thìn còn tập hợp tất cả những người từng làm giáo viên, họa sĩ, đang  điều trị tại đây, bất cứ ai có thể dạy được điều gì hữu ích cho các em thì ông đều mời tham gia giảng dạy.

Nhớ lại những ngày tháng chống chọi với căn bệnh quái ác, thầy Nguyễn Đức Thìn kể: “Bệnh phong kéo theo đau thần kinh trụ, đau như khoan vào xương. Để vơi đi nỗi đau, những lúc ấy tôi phải hát lên để quên cơn đau”. Hơn ai hết, ông biết rõ rằng những lúc đau đớn mà nằm gục một chỗ sẽ không thể gượng dậy được và cái chết sẽ chực chờ phía trước.

Trong suốt thời gian điều trị, không ngày nào thầy Thìn không viết nhật ký và chụp những bức ảnh ghi lại cuộc sống của các bệnh nhân phong phải chịu những cơn đau đớn hành hạ hằng ngày. Xúc động nhất vẫn là những câu chuyện của các em nhỏ, con của bệnh nhân phong ở  đây.

Sau bốn năm vất vả điều trị, sức khỏe của ông đã đủ điều kiện để có thể trở về quê nhà sinh hoạt và làm việc bình thường. Gắn bó với lớp, với trường tại bệnh viện phong như không thể rời xa, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, một lần nữa ông đành phải gạt nước mắt trở về trường cũ, mang theo đôi bàn tay tật nguyền, tê cứng không cảm giác, di chứng của căn bệnh quái ác.

Ông Thìn còn là hướng dẫn viên đặc biệt tại di tích Đền Đô, Bắc Ninh
Ông Thìn còn là hướng dẫn viên đặc biệt tại di tích Đền Đô, Bắc Ninh 

Miệt mài cống hiến 

Trở về trường lớp cũ, ông lại tiếp tục đứng lớp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người và phong trào “Nghìn việc tốt” do chính ông khởi xướng trước khi bị bệnh. Phong trào “Nghìn việc tốt” khi đó lan tỏa khắp miền Bắc, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của nhiều người.

“Ngày 24/3/1963, sau buổi sinh hoạt toàn trường với nội dung “Làm nghìn việc tốt để thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”, thầy và trò Trường Tam Sơn khi đó đã cùng nhau đi trồng cây hai bên đường, lối vào nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự, người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Những năm sau đó, ngày 24/3 đã trở thành “Ngày hội nghìn việc tốt” của Trường Tam Sơn. Bác Hồ biết chuyện đã rất hoan nghênh và Người đã nêu ra khẩu hiệu: “Làm nghìn việc tốt - chống Mỹ cứu nước”. 

Thật vinh dự cho thầy, trò Trường Tam Sơn, đúng ngày mùng một Tết năm 1967, Bác Hồ đã về thăm trường, Bác căn dặn: “Các cháu hãy làm nhiều việc tốt hơn nữa để xứng đáng là cháu ngoan của Bác”, thầy Nguyễn Đức Thìn nhớ lại.

Phong trào “Nghìn việc tốt” theo bước thầy Thìn đến với thiếu nhi quốc tế ở Berlin (Đức) năm 1971, Ulanbato (Mông Cổ) năm 1975, Viên Chăn (Lào) năm 1988... Giúp các em nhận thức được cuộc sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội, có ước mơ hoài bão, có ý chí vươn lên, khắc phục khó khăn để rèn luyện và học tập, trau dồi phẩm chất, năng lực, kỹ năng và sức khỏe, năng động, tự tin, dám nghĩ dám làm… Từ đó xác định được mục tiêu, lý tưởng, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới của tỉnh và đất nước

Sau này, ông cũng là đại diện của người bệnh dự hội nghị khoa học và nhân đạo về bệnh phong do Bộ Y tế tổ chức ở Quỳnh Lập, tham luận góp tiếng nói về xóa bỏ thành kiến không khoa học, không nhân đạo về bệnh phong, đề xuất những ý kiến cụ thể, thiết thực về tổ chức cuộc sống điều trị và cuộc sống xã hội cho những người mắc bệnh phong. Bản thân ông là một minh chứng điển hình của việc vượt lên số phận để chiến thắng bệnh phong và chiến thắng cả những thành kiến về căn bệnh này. 

Đến nay, ở tuổi 80, AHLĐ-NGND Nguyễn Đức Thìn vẫn đã và đang tích cực hoạt động xã hội, đặc biệt tất cả đam mê của ông phần lớn dành cho Đền Đô - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nơi thờ 8 vị vua Triều Lý, cũng là nơi ông tham gia vào Ban quản lý Di tích và hướng dẫn viên cho các du khách. Ông còn có bút danh Lý Hiếu Nghĩa yêu thích nghiên cứu, viết lịch sử Đền Đô; là hướng dẫn viên Đền Đô. Ông còn làm thơ để nhân lên niềm tin yêu con người và cuộc sống, khát vọng sống đẹp; là một nhà nhiếp ảnh ngày ngày ghi lại những nét đẹp của Đền Đô bằng một trái tim nghệ sĩ.

Dù tay tê liệt, ông vẫn tự đánh máy hàng nghìn trang bản thảo, xuất bản 15 đầu sách, trong đó có 8 tập thơ và đặc biệt, cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời” dày gần 500 trang là tư liệu quý, kịch bản hay cho các nhà làm phim xây dựng hơn 10 bộ phim tài liệu... Trong đó cuốn sách “Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô, cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời” đã được tái bản nhiều lần. Ông cũng là nhân vật chính trong phim phóng sự “Sứ giả nghìn việc tốt” của đài Truyền hình Bắc Ninh, Huy chương Bạc phim video toàn quốc năm 2009, là “Người thắp lửa” trong phim nhựa đạt giải Cánh diều Vàng của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương năm 2010… 

Ông cũng là ủy viên UBMTTQ, ủy viên BCH Hội Khuyến học, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn. Ngoài ra còn tham gia Hội Di sản Văn hóa, hội viên Hội Sinh vật cảnh, là thầy giáo danh dự của nhiều trường..

Trong sách vàng “Những gương mặt vì sự nghiệp khoa học, giáo dục, văn hóa ở Việt Nam” của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, đã nhận xét ông là một nhà giáo hội tụ đủ Tâm - Tài - Đức. Ông từng chia sẻ trong một cuốn sách của mình: “Con đường tôi đi không chỉ thênh thang mà bao cam go, gập ghềnh, chìm nổi. Tôi vẫn ước mơ và hành động, sống hòa đồng trong tâm hồn nhân ái Việt Nam, tâm hồn nồng cháy của một nhà giáo, trong tinh thần của Đảng - Đoàn - Đội - Hội, trong phong trào quần chúng thi đua yêu nước”… 

Có lẽ đó chính là ngọn lửa từ trái tim để AHLĐ-NGND Nguyễn Đức Thìn mỗi ngày thêm chắt chiu, chia sẻ, như ông tâm niệm: “Hãy thắp lên ngọn lửa nhân ái, cho cuộc đời vơi bớt thương đau”...

Mới đây nhất, ngày 16/8/2019, ông được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018 - 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Và trong những năm gần đây, ông cũng là một trong những điển hình tiêu biểu về việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 31/8/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh về việc “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.