Ba thế hệ trong gia đình của Trần Tuấn Anh (thôn Mỹ Duyệt, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đều bị mù bẩm sinh. Nhưng vượt lên hoàn cảnh, chàng trai sinh năm 1982 vẫn cố gắng học tập và trở thành người khiếm thị đầu tiên của Quảng Trị đỗ ĐH.
Hiện Trần Tuấn Anh là sinh viên năm thứ nhất lớp Công tác xã hội khoa Lịch sử K33 Trường ĐH Khoa học Huế.
Trần Tuấn Anh là người khiếm thị đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đỗ đại học. |
Biến cố cuộc đời
Khá cởi mở khi kể về cuộc đời của mình, Tuấn Anh cho biết bà ngoại anh bị mù. Sau đó, bà sinh được hai cô con gái. Mẹ Tuấn Anh là con gái lớn của bà ngoại, cũng chịu nỗi đau giống bà. Thời điểm ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn, chẳng ai dám lấy một người mù như mẹ Tuấn Anh. Thế nhưng khao khát được làm mẹ, mong một đứa con luôn cháy bỏng trong lòng cô thôn nữ mù lòa. Thế là cô đánh liều xin người ta một đứa con. Một người đàn ông thương tình và cái mầm sống nhỏ nhoi ấy bắt đầu thành hình hài trong cô.
Đứa bé sinh ra khôi ngô, kháu khỉnh lắm nhưng mắt chỉ nhìn thấy mỗi màu đen. Và điều bất hạnh hơn khi đằng nội không chịu nhận cháu. Cũng vì thế Tuấn Anh (tên thằng bé) phải mang họ mẹ.
Cứ thế Tuấn Anh lớn trong sự yêu thương đùm bọc của ông bà và mẹ. Trong gia đình, ông ngoại là người duy nhất nhìn thấy ánh sáng. Tuấn Anh còn nhỏ nên chưa cảm nhận được nỗi bất hạnh mà mình đang phải gánh chịu. Vào một ngày đẹp trời Tuấn Anh ngước đôi mắt mờ đục lên và hỏi mẹ: “Răng con không được đi học rứa mẹ?”. Mẹ chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc.
Khi những đứa trẻ con trong làng í ới gọi nhau đến trường cũng là lúc Tuấn Anh mò mẫm vác cuốc ra vườn giúp ông ngoại, giúp mẹ trồng rau, chăm bón mấy chục gốc tiêu. Chẳng mấy chốc đứa trẻ khiếm thị ấy trở thành một nông dân thực thụ, cuốc đất, chăm bón vườn cây thành thạo như những người bình thường.
Năm 15 tuổi, Tuấn Anh gia nhập Hội Người mù tỉnh Quảng Trị. Tại đây, Tuấn Anh được các cô chú trong Trung tâm hướng dẫn học chữ nổi Brai. “Hồi đầu nghe đến chữ Brai thì lạ lẫm lắm, không tin mình sẽ học được. Nhờ sự hướng dẫn của các thấy cô, mình đã được học chữ bằng những đầu ngón tay”, Tuấn Anh tâm sự. Cứ thế Tuấn Anh được các thầy cô ở Trung tâm phổ cập đến hết lớp 3.
Một biến cố lớn đã xảy ra. Năm 2000, khi Tuấn Anh đang học lớp 3 thì ông ngoại qua đời. Mọi công việc trong nhà dồn lên đôi vai già yếu của bà ngoại và mẹ. Tuấn Anh quyết định nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình.
Được sự động viên, an ủi của bà, của mẹ và các thầy cô trong Trung tâm, Tuấn Anh lại tiếp tục đến trường. Kết thúc năm học lớp 4 Tuấn Anh vẫn là học sinh xuất sắc.
Trung tâm chỉ dạy học sinh đến hết lớp 4. Ai muốn học thêm phải học hòa nhập với các bạn học sinh bình thường. Thấy Tuấn Anh ham học và học giỏi, các thầy cô dắt em đến Trường tiểu học Hà My (TP Đông Hà). Nhìn em, các thầy cô không khỏi ái ngại. Có người còn nói thẳng với Tuấn Anh: “Thì cứ thử xem, người tỏ (sáng mắt - PV) học còn khó nữa là người mù” và người ta cho em học theo kiểu thính giảng.
“Mình đã thiệt thòi thì mình càng phải cố gắng nhiều hơn, phải chứng minh người mù cũng có thể học giỏi như những người bình thường khác”, Tuấn Anh tự hứa với mình và quyết tâm học. Kết quả là học kì 1, em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Với kết quả đó, các thầy cô giáo trong Trường tiểu học Hà My đã gửi đơn lên Phòng, lên Sở giáo dục tỉnh Quảng Trị để em được trở thành học sinh chính thức của trường.
Lên cấp 2, Tuấn Anh được chuyển đến Trường THCS Nguyễn Huệ để tiếp tục học và liên tiếp đạt học lực loại khá. Với học lực ấy, năm học 2006 - 2007, em có thể vào thi vào bất cứ trường cấp 3 nào nhưng các trường THPT công lập lại chỉ chấp nhận những học sinh sinh từ năm 1987 trở về sau. Bởi vậy Tuấn Anh quyết định vào học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên TP Đông Hà. Những ngày nghỉ học, Tuấn Anh lại bắt xe ô tô về nhà giúp mẹ chăm sóc vườn tiêu.
Trần Tuấn Anh (trái) với một người bạn cùng cảnh ngộ tại phòng trọ ở Huế. |
Lỡ sinh con... vẫn đi học tiếp
Lúc đó Tuấn Anh cũng đã bước sang tuổi 24, cái tuổi đã biết yêu và khao khát được yêu. “Cô ấy học cùng trường cấp 3, cùng chung cảnh ngộ nên hai đứa thương nhau dữ lắm. 24 tuổi nhưng người ta cũng chưa thể chín chắn trong mọi việc, cô ấy có thai. Nhưng bố mẹ nhất định không cho hai đứa đến với nhau. Cô ấy không thể vượt qua được áp lực của cha mẹ. Sinh con xong, cô ấy định cho đi nhưng mình giữ lại: “Em cứ đi tìm hạnh phúc của riêng mình, đó là con anh, anh sẽ nuôi nó nên người”.
Mình đặt tên con là Thiên Phúc. Thằng bé ngoan lắm, đang ở với bà nội và cụ ngoại ở quê. Nhớ nó quá nên một tháng mình lại bắt xe về thăm một lần. Hiện giờ cháu vẫn nhìn thấy như những đứa trẻ bình thường khác nhưng bệnh khiếm thị của nhà mình là do di truyền nên chỉ sợ nó giống mình rồi sẽ khổ. Đợi nó lớn thêm ít tuổi mới đưa đi kiểm tra thị lực được” - Tuấn Anh trìu mến kể chuyện về con trai.
Tốt nghiệp THPT, Tuấn Anh quyết định thi vào đại học và đỗ vào lớp công tác xã hội của Trường ĐH Khoa học Huế với số điểm khá cao và trở thành người khiếm thị đầu tiên thi đỗ ĐH của tỉnh Quảng Trị. Với thành tích này, Tuấn Anh được tổ chức Y tế Việt Nam - Hà Lan tặng một dàn máy vi tính để phục vụ cho việc học tập.
Học phí thì Tuấn Anh được nhà trường miễn giảm còn toàn bộ chi phí sinh hoạt phải nhờ đến nguồn vốn hỗ trợ dành cho sinh viên. Trong lòng anh luôn canh cánh một nỗi lo: “Không biết đến lúc ra trường có trả được nợ mà lấy bằng về không?”.
Khi được hỏi “Anh đã dự định ra trường làm việc ở đâu chưa?”, Tuấn Anh cười: “Với ngành công tác xã hội đang theo học mình sẽ xin về Hội Người mù của tỉnh Quảng Trị để công tác hầu mong giúp được nhiều hơn cho những người kém may mắn như mình...”.
Hiện anh sinh viên năm nhất lớp Công tác xã hội đang tất bật chuẩn bị cho kì thi học kì. Tuấn Anh bảo: “Mong thi nhanh nhanh để về nhà thăm thằng nhỏ và chăm bón mấy chục gốc tiêu cho mẹ. Gần một tháng nay chưa về rồi. Em nhớ con, nhớ nhà lắm chị à”.
Theo Dân trí