Từ thất vọng…
Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Đăng Lương qua lời giới thiệu của ông Phạm Hữu Nghiêm, Chủ tịch UBND thị trấn Cô Tô (huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh). Theo ông nghiêm, đây là ông chủ lớn với dự án “hoành tráng” trị giá hơn 2,6 tỷ đồng. Có thể với nhiều người trong đất liền, đây chỉ là số tiền nhỏ, nhưng nơi đảo xa, ít người giàu có, mà có cũng chẳng ai dám bỏ ra số tiền lớn đến thế để đầu tư cho một dự án chưa nắm chắc được mức độ thành công.
Tìm đến với sự kỳ vọng quá lớn nhưng khi bước chân vào khu trang trại rộng hơn 2 héc-ta, chúng tôi khá thất vọng. Ngôi nhà không lớn lắm, hai chiếc ao đầy rau bèo, một dãy chuồng lợn và một khu sản xuất nước mắm. Nghe có khách đất liền là người Hải Phòng ra thăm, anh Lương tất tưởi chạy ra, tay vẫn còn đang cài cúc áo. Sau cái bắt tay, chưa kịp hỏi han giới thiệu, anh Lương chỉ vào đống đất cát còn dở trên sân, mặt buồn buồn cho hay, vừa mới đào cây cảnh mình yêu quý nhất, bán lấy tiền…trả nợ.
Nhưng rồi, sau màn “chào hỏi” khá não lòng là cơ man những câu chuyện khó khăn, từ thiếu vốn, khó khâu đầu ra, nhân lực mỏng đến việc mong mỏi sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương. Càng nghe, chúng tôi càng não ruột.
Nhưng rồi, sau tuần trà cùng gia chủ, lúc đầu còn “gắng gượng” lắng nghe cho phải phép, chúng tôi bị cuốn dần theo câu chuyện cuộc đời, chuyện vật lộn với cuộc sống để sinh tồn. Hóa ra mọi thứ luôn không phải như vẻ bề ngoài của nó…
…đến niềm tin
Quê gốc ở Bắc Hà, (quận Kiến An), anh Lương ra đảo Cô Tô này từ tháng 6-1979 khi mới 7 tuổi. Do điều kiện gia đình, anh chỉ học hết lớp 7, sau đó, năm 1993 về quê Kiến An lấy vợ và thuyết phục chị ra đảo cùng sinh sống. Bao cảnh khó khăn, khổ cực anh đều trải qua. Hồi nhỏ chỉ ăn cơm độn khoai, đi học chỉ có bộ quần áo duy nhất. Lớn lên một chút theo các anh ra biển đánh cá song, mực, sứa, bào ngư. Đến giờ, thỉnh thoảng anh vẫn đi biển cho đỡ nhớ nghề và cũng để kiếm thêm thu nhập.
Có lẽ, cái tên Nguyễn Đăng Lương cũng chỉ rất bình thường như bao cái tên khác trên đảo Cô Tô, nếu như không có một ngày nào đó, anh nảy sinh ý tưởng “khác người” được mệnh danh là “người đổ tiền lên cát”. Đầu tư tới 50% trên tổng số tiền 2,6 tỷ đồng, chủ yếu là tiền đi vay, nhưng dưới ao vẫn thưa bóng cá, dự án nuôi ba ba vẫn chỉ trên giấy, mấy luống rau xanh cũng chỉ đủ gia đình ăn, còn dư một chút đem bán. Còn dãy chuồng lợn chỉ có mấy chục con suốt ngày réo đòi ăn.
Nhưng đáng nói nhất và hy vọng nhất là khu làm nước mắm. Bắt đầu làm thử nước mắm từ năm 2007, anh Lương thấy nước mắm mình làm ngon chẳng thua kém bất cứ loại nước mắm nổi tiếng nào khác. Hơn thế, nguồn cá làm mắm (chủ yếu là cá nhâm, cá quẩn), ở đây lại rất dồi dào và giá rẻ. Tính ra, giá thành 1 lít nước mắm chỉ bằng 50% giá thành các loại nước mắm khác, còn về độ ngon, cũng chẳng thua kém, nếu không nói là ngon hơn. Nếu chỉ làm trong quy mô gia đình không nói, nhưng suy nghĩ táo bạo tạo thương hiệu riêng cho nước mắm Cô Tô khiến anh nổi tiếng. Ban đầu nghe tưởng chừng đơn giản nhưng càng làm càng khó. Ngoài vốn đầu tư, có lẽ khó nhất là khâu đầu ra cho sản phẩm. Hiện những thùng nước mắm đầy ắp đang chờ được đem vào đất liền đóng chai. Anh Lương cho biết, anh sẽ đem nước mắm Cô Tô về Kiến An đóng chai và tìm thị trường ngay trên mảnh đất quê hương.
Dự án táo bạo tìm thương hiệu riêng cho nước mắm Cô Tô của anh Lương đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương. Ông Phạm Hữu Nghiêm cho biết, chính quyền huyện đảo hứa sẽ làm đường tận tới trang trại. Trong thời gian tới, sẽ duyệt vay số vốn để hoàn thiện dự án. Nếu thành công, trong tương lai không xa, thương hiệu nước mắm Cô Tô sẽ chẳng kém thương hiệu nước mắm Phú Quốc, Cát Hải.
Nếm thử một ngụm nhỏ nước mắm Cô Tô, chúng tôi tin dự án của anh Lương sẽ thành công, thậm chí còn hơn việc “đổ tiền xuống biển” của Hoàng Thanh. Trong tương lai không xa, có thể nước mắm Cô Tô sẽ trở nên quen thuộc với người dân đất Cảng. Nhưng điều trân trọng nhất, thương hiệu đó lại được xây dựng lên từ bàn tay và khối óc của một người con đất Cảng.
Hạnh Quyên