Ảnh minh họa |
Cách đây chừng hơn năm, khi vụ cháy tòa nhà 18 tầng ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 2 người thiệt mạng, nhiều người dân sống ở chung cư cao tầng đã tính chuyện thay đổi chỗ ở. “Rõ là rủi ro vào nhà ai nhà ấy phải chịu, nhưng mà cứ vừa sống vừa lo, tội lắm”, anh Đức, người sống trên tầng 14 một chung cư ngay gần chung cư bị cháy cho biết. Nhất là, sau khi xảy ra vụ cháy, kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy có khá nhiều khu chung cư có ống đổ rác làm bằng loại vật liệu tương tự loại vật liệu đã được sử dụng ở khu chung cư 18 tầng đường Khuất Duy Tiến.
Nhưng rồi, bẵng đi một thời gian, cùng với sự ảm đảm trên thị trường BĐS, chuyện cháy nổ chung cư không được nhắc tới, cho đến vụ cháy ở tòa nhà cao bậc nhất Việt Nam – tổ hợp Keangnam (đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Theo ông Kim Sang Kook - Giám đốc dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower, vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 14h17 ngày 27/8, tại tầng 6, tòa nhà đỗ xe cạnh khách sạn 72 tầng, nguyên nhân được xác định do công nhân nhà thầu phụ bất cẩn khi thi công, lắp đặt hệ thống máy tản nhiệt, máy làm mát cho tòa nhà 72 tầng, đặt trên nóc tòa nhà đỗ xe gây ra.
Khi phát hiện đám cháy xảy ra, lực lượng chữa cháy tại chỗ đã sử dụng nhiều bình bột, 4 họng nước vách tường tổ chức cứu chữa. Tuy nhiên, đám cháy vẫn lan rộng và bùng phát dữ dội, phải nhờ đến Cảnh sát PCCC ứng cứu.
Thực tế các vụ cháy nổ xảy ra cho thấy, vấn đề về an toàn cháy nổ và công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư cao tầng tại Hà Nội rất đáng lo ngại.
Dù mỗi tòa nhà, khi xây dựng, đều phải có phương án phòng cháy chữa cháy, và khi đưa vào sử dụng phải có chứng nhận về hệ thống phòng cháy chữa cháy, thế nhưng, thực tế hiệu quả của hệ thống này thế nào thì lại cứ “có cháy mới biết”.
Trong khi đó, hầu hết người ân Việt Nam chưa có tâm lý bình tĩnh ứng phó với rủi ro. Thực tế cho thấy, hậu quả rủi ro có thể nặng nề hơn, một phần chính là do sự hoảng loạn xảy ra khi có cháy.
Trong khi các tòa nhà ngày một cao, thì khả năng chữa cháy của các lực lượng chức năng Hà Nội lại không cao theo kịp. Theo Giám đốc Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP. Hà Nội Nguyễn Đức Nghi, hiện phương tiện xe chữa cháy chỉ đảm bảo cứu hỏa đến độ cao 53m, tương đương tầng 17. Đây là một trong những khó khăn trong công tác cứu hỏa.
“Việc trang bị thang cao 73m cho xe cứu hỏa của Hà Nội là không khả thi vì xe rất nặng, có thể gây sập cống, đứt dây điện, đường cua xe dài không thuận tiện với địa hình "đường đông ngõ nhỏ”. Vì thế, chỉ có thể trang bị thang cứu hỏa từ 53m trở xuống" – ông Nghi nói.
Ông Nghi nêu, đối với những nhà cao tầng chủ yếu phòng ngừa và tự chữa cháy là chính, và khi thiết kế nhà cao tầng phải theo quy chuẩn tự động chữa cháy. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cho nhà siêu cao tầng (trên 30 tầng) cho nên, ngoài trang thiết bị tự ứng cứu ở các chung cư cao tầng hiện nay, khi xảy ra cháy nổ, quan trọng nhất là phương án bình tĩnh “tự cứu mình”.
Bình quân mỗi năm lực lượng Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội phải chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trên 200 vụ. Toàn thành phố có 90 xe chữa cháy cùng một số xe cứu hộ, chở nước... song số xe hoạt động tốt chỉ chiếm 40%, quá nửa còn lại đã trên 15 năm sử dụng. Toàn thành phố mới có trên 940 trụ cấp nước chữa cháy trong khi theo yêu cầu cần tới 6.000 trụ. |
Bách Nguyễn – Hải Yến