QTV - Tại Mỹ, ai kiếm được trên 200.000 USD đến 250.000 USD được xếp vào lớp giàu, nhưng chính những người này cho biết cuộc sống của họ cũng không dễ dàng gì.
Ở Manhattan, New York, giá vé đỗ xe tháng trung bình là 550 USD. Một chuyên gia tổ chức tiệc tùng cho trẻ con đòi 650 USD mỗi giờ đồng hồ. Cô trông trẻ được trả lương 600 USD một tuần. Bữa sáng cho bốn người tại quán ăn bình dân là 40 USD. Dịch vụ dắt chó đi dạo có mức phí 10.000 USD mỗi năm. Trong trường hợp "khẩn cấp", ngay cả anh thợ thông cống cũng nhất định không chịu nhấc nắp bồn cầu lên với giá dưới 250 USD.
Trên đây mới là tính toán "sơ sơ" trong số hàng loạt những chi phí mà người dân New York nói riêng và các thành phố lớn khác tại Mỹ phải đối diện hàng ngày.
Ricky Metz, 45 tuổi, một cô thợ làm đầu ở Manhattan tự hào cho biết thu nhập của hai vợ chồng là 310.000 USD, tuy nhiên cũng phải ngập ngừng khi được hỏi về tổng chi tiêu hàng năm.
Metz nhẩm tính, thuế má các loại chiếm đến gần nửa thu nhập. Tất cả các chi phí sinh hoạt gia đình gói gọn trong nửa còn lại, từ trả phí thế chấp cho căn hộ 2 phòng ngủ ở khu Bờ Đông, tiền tiết kiệm đi học đại học cho hai con trai, một cậu 11 và đứa còn lại 13 tuổi. Cả hai cậu bé hiện đi học trường công, nhưng thỉnh thoảng những chi phí như gia sư, huấn luyện viên cũng khiến hai vợ chồng đau đầu.
"Ở New York, trừ khi là triệu phú, bạn sẽ không thể cảm thấy mình giàu", Metz nói. Hiện cô là thợ làm tóc tại một salon, nơi thu 150 USD mỗi lần cắt tóc. Chồng cô làm luật sư cho một ngân hàng. Đã nhiều năm nay cả hai vợ chồng không ai được nâng lương.
Mặc dù vậy, vợ chồng cô thợ làm đầu này vẫn thuộc nhóm 2,5% người giàu nhất nước Mỹ theo định nghĩa của Tổng thống Mỹ Obama. Theo đó, những cá nhân kiếm nhiều hơn 200.000 USD và cặp đôi thu nhập cao hơn 250.000 USD một năm được chính quyền Obama coi là tầng lớp giàu có.
Những người có thu nhập như cô thợ làm tóc Ricky Metz cho biết họ vẫn đang khá chật vật với cuộc sống. Ảnh: AFP |
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải miễn cưỡng đồng ý kéo dài luật cắt giảm thuế dành cho người giàu vốn có từ thời George Bush. Đây là đề tài tranh cãi giữa hai đảng phái suốt vài tháng trở lại đây. Tổng thống Mỹ và phe Dân chủ cho rằng đã đến lúc kết thúc thời kỳ ưu đãi thuế cho người giàu, có từ năm 2001. Trong khi đó, phe Cộng hòa, hiện chiếm ưu thế về số lượng tại hai viện, lại muốn người giàu tiếp tục được cắt giảm thuế.
Trong khi đó, cô thợ làm tóc Ricky Metz cũng như nhiều người khác có mức thu nhập tương tự thì cho biết họ ủng hộ ý kiến của một Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ cho rằng chỉ những người kiếm được trên một triệu USD mỗi năm mới nên áp thuế cao.
"Triệu phú nên đóng thuế nhiều hơn. Còn chúng tôi, đang ngày ngày vật lộn với đủ thứ chi phí của một gia đình, ở nơi cái gì cũng ngày càng đắt đỏ, thì nên được giảm thuế", Metz tâm sự với tờ Los Angeles Times.
Ở Mỹ, câu hỏi "bao nhiêu tiền mới được gọi là giàu" cũng làm đau đầu nhiều chuyên gia trong ngành xã hội học và kinh tế học. Nhiều thống kê, báo cáo đã đưa ra những đánh giá khác nhau về mức độ giàu nghèo. Có thống kê cách đây không lâu còn cho rằng tính trung bình, một người Mỹ thấy mình giàu khi mỗi năm kiếm được 122.000 USD. Còn nếu thu nhập ở trên mức này, cứ càng kiếm được nhiều tiền thì họ càng muốn giàu hơn.
Trong khi đó, câu chuyện "ngưỡng giàu" trở nên khác đi xem xét ở tầng lớp thấp hơn nhiều. Tương tự New York, Los Angeles là thành phố có mức độ chênh lệch giàu nghèo rất lớn, và cũng là nơi có nhiều người vô gia cư nhất trên đất Mỹ.
Tại đây, những ai đi ngang qua đại lộ Hollywood Freeway có thể bắt gặp Arnold Cantu, một trong rất nhiều người sống bằng nghề ăn xin, với một cái cốc giấy cùng bảng xin tiền ở trước mặt. Cantu không thể nhớ được mình trở thành người vô gia cư từ bao giờ, chỉ biết sau lần bị thương khi đang làm việc, ông phá sản và bị đuổi ra đường. Mỗi ngày của Cantu trôi qua với cái dạ dày rỗng tuếch. Khi được hỏi bao nhiêu tiền sẽ làm ông cảm thấy giàu có, Cantu trả lời: "Khoảng 20 đôla".
Theo VnExpress