Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái. |
Tam Thái là một trong số ít nghệ sỹ có được thành tựu đáng nể trên lĩnh vực nhiếp ảnh. Ngoài số ảnh đăng đều đặn khắp các báo, anh cũng đã tham gia nhiều cuộc triển lãm, thi ảnh trong và ngoài nước, tổ chức được hai cuộc triển lãm ảnh cá nhân với chủ đề “Khung trời tuổi thơ” tại Đà Nẵng vào năm 1983 và “Sài Gòn - Dáng xưa và nay” tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1998. NSNA Tam Thái liên tục đoạt giải tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế, trong số đó phải kể đến tác phẩm “Hai thế hệ” (giải đặc biệt ACCU năm 2001 với chủ đề: Trang phục và con người), tác phẩm “Bến hẹn” (giải xuất sắc Toàn quốc năm 1997), tác phẩm “Họp chợ trên sông Cà Mau” (giải nhất cuộc thi về thị trường do Báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức). Là một người đam mê viết báo nên anh đã thực hiện trên 500 phóng sự ảnh và chừng đó bài viết trên các báo.
Trong những năm gần đây, NSNA Tam Thái dành nhiều tâm sức để biên soạn, thực hiện sách ảnh và thành công ngay từ cuốn sách ảnh đầu tiên “Ký ức miền quê” với Cúp vàng VAPA năm 2007 (giải xuất sắc hàng năm của Hội NSNAVN). Năm 2010 anh cho ra mắt tập sách ảnh “Ngày xưa, Langbian... Đà Lạt”. Tập sách này giới thiệu trên 200 ảnh sưu tập từ các phim gốc chụp về cao nguyên Langbian từ thập niên 50 của thế kỷ trước và 50 tác phẩm nhiếp ảnh của Tam Thái chụp ở Lâm Đồng kèm theo nhiều biên khảo, bút ký.
Cuốn sách này là cơ duyên của anh với xứ sở ngàn thông. Trong những ngày săn ảnh ở thành phố du lịch, anh tình cờ phát hiện “kho” tư liệu phim ảnh về Đà Lạt được chụp giữa thế kỷ 20, do một tư nhân sở hữu. Anh đã dành nhiều thời gian thuyết phục, thương lượng với người giữ các bức ảnh và làm chủ sở hữu nó để có dịp xuất bản, sử dụng, chia sẻ nguồn tư liệu quý đến với đông đảo công chúng. Tam Thái bộc bạch: “Thật là lãng phí, nếu không phổ biến những hình ảnh xưa hiếm hoi này đến với mọi người. Tôi góp thêm một chút gì đó cho những người yêu thiên nhiên cao nguyên, người yêu du lịch, người yêu nghệ thuật kiến trúc, người yêu ảnh...”. Và quả thật, người nghệ sĩ năng động, nhạy bén này đã làm được nhiều điều hơn thế. Tập sách của anh hiện lên một Đà Lạt xưa với những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn phương Tây, là hình mẫu thích ứng với thiên nhiên đầy thông xanh sương trắng, khí hậu mát mẻ, trập trùng đồi dốc, cảnh vật hoang sơ...; là di sản vật chất vô giá của thành phố du lịch. Đó là những địa danh xưa còn in dấu chân của bác sĩ Yersin khám phá ra cao nguyên Langbian; là chợ, bến xe, ga tàu lửa, khách sạn, biệt thự, nhà thờ, trường học; đó là những ngọn thác và hồ nước thơ mộng, nét thiên nhiên đặc trưng của thành phố du lịch nổi tiếng - Đà Lạt.
Phải nói rằng người làm nên “kho” tư liệu bằng hình ảnh này phải có con mắt tinh đời, có ý tưởng và có tay nghề bậc thầy về nhiếp ảnh mới ghi vào ống kính những bức ảnh đẹp đến như thế. Ta không chỉ thấy trong tập sách hình ảnh Đà Lạt, Langbian xưa mà còn bái phục trước việc lựa chọn thời điểm để chụp với ánh sáng, mảng khối kiến trúc đẹp,lạ, lưu giữ nét riêng vốn có của nó với bố cục, đường nét khá chuẩn mực. Một điều đáng nói nữa là các “công đoạn” để hình thành nên tập sách này: Người chụp ảnh rất kỳ công, người lưu giữ rất bền bỉ và cẩn thận với ý thức sưu tập ảnh rất rõ ràng và đặc biệt, người tiếp nhận - nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái, với tình yêu và sự trân trọng với di sản của quá khứ, sẵn sàng bỏ thời gian, tiền của, công sức để sở hữu bộ sưu tập ảnh và dốc sức biên soạn để tập sách “Ngày xưa, Langbian... Đà Lạt” được sớm ra đời.
Tam Thái tâm sự: “Là nghệ sỹ nhiếp ảnh, ngoài máy ảnh phải luôn mang theo tâm hồn. Có tâm hồn trong sáng sẽ có tác phẩm lớn”. Lời tâm sự đó, với anh hoàn toàn chân thật, bởi nếu không có tâm hồn, không có nỗi đam mê bất tận với cái nghiệp cầm máy này sao anh có ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, khát khao tìm kiếm cái đẹp dâng tặng cho đời. Và mùa xuân này, anh đã mang lại cho độc giả cả nước, cho thành phố Đà Lạt một món quà đầy ý nghĩa - Tập sách ảnh “Ngày xưa Langbian... Đà Lạt”.
Chợ Đà Lạt năm 1953. |
Tấn Vịnh