Nhiều vụ hỏa hoạn đau lòng
22 giờ ngày 1-10-2009, bãi gỗ của một chủ kinh doanh trên đường Nguyễn Văn Linh, thuộc thôn An Trang, xã An Đồng, huyện An Dương bốc cháy. Bãi gỗ trên gần như bao bọc nhà ông Nguyễn Đức Liên, khi lửa bùng lên bao trùm cả căn hộ, khiến người trong nhà không thoát ra được. Nếu như Cảnh sát PCCC không kịp thời giải cứu, chuyện tử vong đối với các thành viên trong gia đình ông Liên là không tránh khỏi. Vụ cháy trên là điển hình của việc các hộ dân, đặc biệt là hộ kinh doanh tận dụng tối đa mặt bằng, chất hàng hóa, vật liệu dễ cháy nổ ngay gần nơi ở. Trên các tuyến phố Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, các hộ kinh doanh để vật liệu dễ cháy như gỗ, nhựa, bìa các-tông choán hết lối đi. Đặc biệt, tại phố “chè chai” phường Tràng Minh (quận Kiến An), nhiều hộ tận dụng tối đa mặt bằng tập kết đồ phế thái. Chung quanh nhà, trên mái thậm chí là cả bên trong các ngôi nhà dược tận dụng để chứa nhựa, bìa các-tông, gỗ, những vật liệu rất dễ bắt lửa khiến nguy cơ cháy lớn.
Theo các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC: nguy cơ cháy ở các khu dân cư rất cao do kết cấu của các khu dân cư manh mún. Ở các đô thị, để tiết kiệm diện tích, nhiều nhà xây theo dạng nhà ống. Nhằm phòng ngừa trộm cắp, nhiều gia đình dùng thép bao bọc lan can dạng “chuồng cọp”. Với những ngôi nhà trên, khi xảy ra hỏa hoạn, những người trong nhà bị “nhốt” giữa vòng vây của lửa mà không thoát ra được do ngôi nhà đã bị bịt kín. Vụ cháy xảy ra ngày 7-3-2009 ở nhà ông Hà Công Bình, ở số 30 đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phù Liễn, quận Kiến An là một ví dụ. Do chập điện, ngôi nhà bốc cháy từ tầng 1 rồi lan lên các tầng trên. Lúc này trong nhà chất nhiều đồ đạc, hàng hóa, không có đường thoát hiểm, ông Bình cùng người con nuôi đã bị chết ngạt. Người giúp việc ở tầng 2 bị lan can sắt bưng kín không nhảy ra ngoài được cũng bỏng nặng, lực lượng cảnh sát PCCC phải cưa đứt lan can sắt để cứu người này.
Khó khăn trong khâu chữa cháy tại khu dân cư
Nguy cơ cháy tại các khu dân cư là rất cao nhưng đây cũng là khu vực khó triển khai phương án chữa cháy nhất. Tình trạng xây nhà lấn đường ngõ, cơi nới trái phép, tập kết vật liệu bừa bãi, xây bịt ngõ khiến xe chuyên dụng phòng cháy, chữa cháy không thể tiếp cận để triển khai phương án chữa cháy. Phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa phát triển ở nhiều khu dân cư. Tại các nơi này, nhân dân và chính quyền địa phương đầu tư xây dựng các trụ cổng khu dân cư văn hóa nhưng không tính đến kích thước để các phương tiện như xe chữa cháy có thể đi lọt. Thực tế, nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra, xe chữa cháy đến nơi đành dừng lại ở cổng khu dân cư vì với chiều dài 10 m, rộng 2,5 m, cao 4 m, xe chữa cháy không thể đi lọt.
Tình hình cháy gia tăng đột biến ở các khu dân cư đòi hỏi có những biện pháp quyết liệt tại cơ sở. Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định nguyên tắc PCCC là “huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân”, trong đó “mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”. Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra cuối năm 2009 về công tác PCCC ở khu dân cư cho thấy, lực lượng chữa cháy cơ sở chưa phát huy vai trò và sức mạnh của mình. Theo quy định, mỗi xã, phường, khu dân cư đều phải thành lập các đội dân phòng phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, dân phòng dường như chỉ là hình thức, có danh sách đội viên nhưng không hoạt động gì. Thậm chí, nhiều đội dân phòng khi được hỏi mới biết rằng đội viên của mình đã chuyển đi nơi khác hoặc đi làm xa nhà từ vài tháng trước. Hiện, lực lượng dân phòng mới được trang bị vài bình bọt, thang tre, câu liêm, xô múc nước, những phương tiện này chỉ còn phù hợp với việc chữa cháy các nhà lợp mái rạ của thập niên 60 của thế kỷ trước. Để bảo đảm công tác PCCC, các đội dân phòng cần được trang bị thêm máy bơm công suất lớn, cùng với các loại bình bọt, bình C02, mới có thể thực hiện nhiệm vụ cứu chữa ban đầu khi xảy ra cháy.
Để giảm thiểu các sự cố cháy tại khu dân cư hiện nay, công tác phòng ngừa cần được chính quyền cơ sở đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo, đầu tư. Trước hết cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở tới từng người dân để Luật PCCC thực sự đi vào cuộc sống. Ý thức phòng ngừa cháy nổ phải được thể hiện trong mọi sinh hoạt đời sống tại khu dân cư, mỗi người dân là một thành viên tích cực trong công tác PCCC. Song song với nâng cao ý thức PCCC trong quần chúng nhân dân, phương tiện và lực lượng chữa cháy tại chỗ cũng cần được đầu tư. Mặt khác chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động xây dựng, bảo đảm đường thông hè thoáng, có kế hoạch giải tỏa các trụ bê tông, cổng chắn ở các đường, ngõ vào khu dân cư; đồng thời khảo sát, điều chỉnh kích thước các trụ cổng, bảo đảm kích thước tối thiểu xe chữa cháy đi lọt. Thành phố sớm ưu tiên xây dựng hệ thống trụ nước chữa cháy trong các ngõ xóm, khu dân cư mà xe chữa cháy không thể vào được tận nơi để giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy xảy ra tại các khu dân cư.
Phạm Việt