Theo VCCI, các dự án đường bộ có thu phí hiện nay đang được phản ánh là có mức thu phí quá cao và thời gian thu kéo dài, gây nhiều tác động tiêu cực đến việc đi lại của người dân cũng như hoạt động vận tải của các doanh nghiệp.
Theo ý kiến chuyên gia, một phần nguyên nhân của hiện tượng trên có thể là do các báo cáo về lưu lượng phương tiện qua trạm và số phí thu được chưa thực sự chính xác. Cụ thể, trong giai đoạn lập dự án, các số liệu này chỉ là ước đoán nên sai số có thể rất lớn. Đến khi đi vào vận hành thì việc báo cáo và giám sát hoạt động thu phí chưa thực sự minh bạch. Tất cả các công việc về lập dự án, ước đoán số thu, báo cáo và giám sát số thu thực tế hiện nay chỉ là việc nội bộ giữa cơ quan nhà nước và chủ dự án.
Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp vận tải, dù là người phải trả tiền, nhưng lại không được nắm bắt thông tin cũng như giám sát thực tế. Công tác báo cáo và giám sát hoạt động thu phí sử dụng đường bộ hiện nay cũng như quy định của dự thảo chưa bảo đảm hiệu quả.
VCCI cho rằng phương pháp tốt nhất để bảo đảm cân bằng lợi ích giữa chủ đầu tư, Nhà nước và người dân là phải bảo đảm sự minh bạch các hoạt động của dự án hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm quyền được biết thông tin và tham gia giám sát của người dân vào các dự án này.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tăng cường thêm các quy định về báo cáo và giám sát hoạt động thu phí. Cụ thể, các báo cáo cần phải có bảng kê chi tiết đến từng ngày và số lượng từng loại phương tiện. Các thông tin này phải được công bố rộng rãi chứ không chỉ gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền như tại Dự thảo. Mức độ chi tiết và sự công khai này sẽ giúp người dân và doanh nghiệp vận tải có được đủ thông tin để giám sát việc thu phí.
Việc kiểm tra, giám sát (đếm xe) phải được thực hiện định kỳ (khoảng 3 tháng một lần), có sự tham gia chung của cơ quan nhà nước, chủ đầu tư, đại diện doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp có vận tải nội bộ, đại diện HĐND và UBND địa phương (các cấp tỉnh, huyện, xã), đại diện cơ quan thuế, cơ quan báo chí, và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
Mặt khác, dự thảo đã liệt kê rất chi tiết các trường hợp tạm dừng thu phí và thẩm quyền quyết định việc tạm dừng thu phí. Các quy định này rất hợp lý, tuy nhiên chưa đầy đủ, do chưa xác định được vai trò của một bên liên quan khác là chủ phương tiện trong công tác này. “Khi mặt đường xuống cấp, cơ quan quản lý giao thông có thể chưa nhận thấy được ngay, nhưng các lái xe, đặc biệt là các hãng vận tải là người trực tiếp phải chịu hậu quả và có động lực rõ ràng để kiến nghị về việc yêu cầu dừng thu phí” – văn bản do ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI – ký, lấy ví dụ.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép người dân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp có vận tải nội bộ quyền phản ánh, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm dừng thu phí. Đi cùng với quyền đó là trách nhiệm kiểm tra thực tế, trả lời phản ánh kiến nghị của cơ quan nhà nước và công khai quá trình kiểm tra thực tế (cho cả chủ đầu tư và người nêu kiến nghị tham gia), công khai kiến nghị và trả lời kiến nghị trên cổng thông tin điện tử.