Với chị, đó là một đức tính tốt, bởi là một người con có hiếu với cha mẹ, chị rất hiểu và cảm thông cho anh. Nhưng đến khi sống chung với nhau rồi, chị mới nhận ra, đó không đơn thuần là tình cảm thương yêu giữa con cái với cha mẹ, mà đó còn là sự phụ thuộc một cách kì lạ.
Lấy nhau về, anh bắt vợ phải cùng anh gửi tất cả thu nhập hàng tháng cho mẹ anh để bà chủ động chi tiêu. “Mẹ có kinh nghiệm hơn, đưa cho mẹ hết thì vợ chồng mình may ra mới có của để dành em ạ”. Dù cực kì không muốn, nhưng mới về nhà chồng, không muốn xảy ra mâu thuẫn, chị đành đồng ý.
Mỗi tháng, tiền lương hơn 15 triệu chị rút hết đưa cho mẹ chồng, chỉ giữ lại 2 triệu dằn túi. Chồng chị lương bao nhiêu chị chưa hề được biết. Để rồi, mỗi lần vợ chồng muốn mua gì, đều phải ngửa tay xin tiền mẹ, bà cho mới được mua, mà đa phần là bà không đồng ý.
Không chỉ thế, anh không bao giờ tự quyết chuyện của gia đình. Ngay cả những chuyện riêng trong cuộc sống của mình anh cũng không bao giờ tự thân vận động. Có nghỉ việc, đổi chỗ làm hay không, mâu thuẫn với sếp thì giải quyết thế nào anh đều “xin chỉ thị” của cha mẹ. Thậm chí, vợ chồng mà cãi nhau phút trước, phút sau cha mẹ chồng đã biết, đã gọi chị ra răn dạy.
Nhiều lần, chị nói chuyện với chồng, nhưng anh đều gạt phắt đi, bảo chị không được chống đối với nhà chồng. Nỗi ấm ức trong lòng chị cứ tích tụ ngày một nhiều. Tâm sự với gia đình thì cha mẹ lo, tâm sự với chồng thì không được. Kể với bạn bè, ai cũng bảo chị ngu ngốc, thiếu quyết đoán, ai cũng khuyên chị nên rõ ràng tiền bạc hoặc tìm cách ra riêng. Chị thì biết rằng, đời nào anh chịu ra riêng cho, anh gắn bó với cha mẹ đến thế kia mà.
Rồi mâu thuẫn xảy đến, khi cha mẹ chị xây cái nhà mới, chị bàn với anh rút lại ít tiền nơi mẹ chồng để chị gửi biếu cha mẹ. Tất nhiên là mẹ chồng chị không đồng ý. Chị âm thầm rút số tiền tiết kiệm riêng gửi về cha mẹ. Từ lâu nay, chị đã chọn cách làm thêm để tích cóp riêng hòng giữ cho mình sự chủ động tài chính. Số tiền lương cứng vẫn hàng tháng đưa cho mẹ chồng. Chị nghĩ đó đã là một cách hành xử khéo léo và trọn vẹn.
Thế mà khi chồng chị phát hiện, anh mách cha mẹ. Cả nhà họ tổ chức một cuộc họp “đấu tố” chị vì tội dám giữ quỹ riêng, gian dối với nhà chồng, mà chồng chị ngồi đó, không giúp chị nói một tiếng nào, mặt đầy đắc ý như một đứa trẻ mách cha mẹ bạn lấy cắp kẹo của mình.
Đó là giọt nước tràn ly cho cuộc hôn nhân ngạt thở của chị. Ngày hoàn tất thủ tục ly hôn, chị đi khỏi nhà chồng với bàn tay trắng. Gần 2 năm làm vợ hiền, dâu thảo, tiền bạc đưa hết cho mẹ chồng, giờ mẹ chồng bảo, tiền ấy lấy chi dùng trong nhà còn thiếu, bà phải bù vào chứ lấy đâu ra mà trả cho chị.
Chị cay đắng nghĩ, mình là nạn nhân của họ, hay mình là nạn nhân của sự thỏa hiệp sai lầm, sự nhu nhược của chính bản thân mình?