Người đàn ông có duyên với hai chữ “mồ côi”

“Mồ côi tội lắm ai ơi! Đói cơm khát nước biết người nào lo?”, chính vì cảm thương cho những đứa trẻ bị đấng sinh thành bỏ rơi nơi bệnh viện mà hơn 10 năm qua, anh Nguyễn Tấn Bông (SN 1965, ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã giang rộng vòng tay đón nhận những hài nhi kém may mắn đó. Không có gia đình riêng đúng nghĩa nhưng 11 đứa trẻ hiện giờ chính là những đứa con và là gia đình của anh.

“Mồ côi tội lắm ai ơi! Đói cơm khát nước biết người nào lo?”, chính vì cảm thương cho những đứa trẻ bị đấng sinh thành bỏ rơi nơi bệnh viện mà hơn 10 năm qua, anh Nguyễn Tấn Bông (SN 1965, ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã giang rộng vòng tay đón nhận những hài nhi kém may mắn đó. Không có gia đình riêng đúng nghĩa nhưng 11 đứa trẻ hiện giờ chính là những đứa con và là gia đình của anh.

“Đại gia đình” của anh Nguyễn Tấn Bông
“Đại gia đình” của anh Nguyễn Tấn Bông

Có duyên với hai chữ “mồ côi”

Câu chuyện về anh Nguyễn Tấn Bông cứ có cái gì đó trái ngược với quy luật thông thường. Người ta bỏ rừng xuống phố thì ngược lại, anh bỏ nơi sầm uất, đông vui tìm lên núi non rừng thẳm cư ngụ. Vốn quê mãi ở Cần Thơ, thế mà cuối năm 1991, hai mẹ con anh Bông bán căn nhà ở giữa phố xá tìm đường lên chân núi Cấm (Tịnh Biên) định cư. Rồi tiệm cà phê ở chân núi dường như vẫn còn ồn ào nên hai người lại quyết định mua rẫy, làm nhà tuốt trên đỉnh núi.

Trời đất run rủi thế nào mà miếng rẫy anh mua lại có tên “mồ côi”. “Dãy Thiên Cấm Sơn có nhiều vồ (một chỏm cao trên đỉnh núi - PV) như vồ Cây Quế, vồ Ông Bướm, vồ Đá Dựng... nhưng mình lại mua trúng vồ có tên vồ Mồ Côi. Lúc mua cũng không biết nó có tên gọi như vậy. Người dân ở đây gọi như thế bởi vồ này nằm khá tách biệt, chơ vơ một mình, hơn nữa lại không có nước, quanh năm phải đi bộ gánh nước từ chân núi lên”, anh Bông cho biết.

Chẳng biết có phải đó là ý định của “ông sanh” hay không nữa mà 10 năm sau, trên đỉnh núi mồ côi lại là mái nhà nương náu cho những đứa trẻ bị cha, mẹ bỏ rơi.

Thuật lại lần đón đứa trẻ đầu tiên về nuôi, anh bảo, đó là vào khoảng tháng 9/2001. Lần đó, anh Bông cùng mẹ là bà Võ Thị Ba (75 tuổi) về Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ thăm người cháu gái đẻ ở khoa sản. Trong lúc chuyện trò, anh được người cháu cho hay có chị bạn nằm viện cùng sinh con mà tính bỏ bởi một thân một mình không thể nuôi con được. Nghe vậy, anh Bông thấy tội nghiệp quá chừng nên mới gặp người phụ nữ kia bảo: “Chị khó khăn quá thì cứ đưa tôi nuôi đỡ cho vài tháng. Tôi để lại điện thoại với địa chỉ, khi nào chị có điều kiện thì lên nhận lại cháu về chứ đừng bỏ rơi, tội nghiệp thằng nhỏ”.

Người đàn bà tin tưởng giao con nhưng cũng từ đó “một đi không trở lại” và anh Bông cũng không một lời oán trách. “Có lẽ chị ta khó khăn quá, không chồng, không nhà cửa, nuôi thân mình còn không xong thì làm sao nuôi được con? Chứ có người mẹ nào lại nỡ...”, anh thở dài.

Một đứa rồi hai đứa, ba đứa. Biết tiếng anh nên từ ngày đó cứ đứa trẻ nào bị bỏ rơi ở khoa sản là người ta lại nhấc máy “gửi gắm” cho anh. Đứa nhỏ vừa sinh thì bà mẹ đã trốn biệt, tên cũng là tên giả thì biết đằng nào mà bệnh viện đi tìm nên đành gửi anh nuôi “cho đứa nhỏ đỡ tội”.

Không đành lòng để những “thiên thần” phải chịu cảnh không người nuôi dưỡng nên cứ nghe gọi là anh lại “tay xách nách mang” hạ sơn xuống bệnh viện ẵm về. Nhiều bà mẹ nuôi một đứa con đã cảm thấy tối tăm mặt mũi với sữa, với tã, với con khóc nhằng nhặc suốt đêm, đằng này anh vừa là “gà trống” lại chưa từng có kinh nghiệm chăm sóc con cái mà phải nuôi đến cả 10 đứa thì đúng là chuyện vượt quá sức người thường. Mỗi đứa trẻ được một người mẹ sinh ra, có một thể trạng, một bản tính khác nhau lại nuôi hoàn toàn bằng sữa bột không có sữa mẹ nên người nuôi lại càng thêm vất vả.

Những đứa con của anh Bông
Những đứa con của anh Bông

Chưa hết khó khăn khi ngày ấy đỉnh núi Cấm còn là nơi rừng núi hoàng vu rậm rạp, con đường từ căn nhà lá đơn sơ xuống chân núi dài mười cây số, dốc đá lởm chởm không có cách nào khác là cuốc bộ. Thế mà ngày ngày anh vẫn ròng rã gánh trái cây trên núi xuống đổi lấy gạo, lấy sữa, lấy tã nuôi đàn con. “Cũng may, mẹ tôi cũng thương mấy đứa nhỏ dữ lắm. Bà bảo: “Mày không nuôi được để tao nuôi” nên mình cũng có thêm động lực để cố gắng. Nụ cười tươi, giấc ngủ ngon của những đứa trẻ giúp hai mẹ con quên đi những nỗi cực nhọc”, anh Bông tâm sự.

Nguyện làm “gà trống nuôi con”

Đứa trẻ nào nhận về nuôi, anh Bông cũng đến ủy ban xã khai sinh đầy đủ với tên cha là Nguyễn Tấn Bông. “Mỗi đứa mỗi tên nhưng tôi đều đệm chữ Sơn. Mình sống dựa vào núi mong được núi chở che và cũng mong những đứa bé lớn lên cứng cáp, rắn rỏi, vững vàng như núi đá. Chúng đã chịu nhiều thiệt thòi rồi nên cũng mong trời đất phù hộ để đứa nào cũng lớn khôn nên người”, anh cho hay.

Đứa con nào, anh Bông cũng thuộc từng khuôn mặt, từng tính cách nhưng có một trường hợp để lại cho anh suy tư nhất là trường hợp cháu Nguyễn Sơn Thành.

Nhận Thành về nuôi vào tết năm 2005. Lúc phát hiện ra con mình bị bệnh não, người mẹ cũng bỏ rơi luôn đứa trẻ. Dưới bệnh viện gửi vào trại trẻ mồ côi họ cũng không nhận nên lại điện cho anh Bông xuống.

Lúc đầu bản thân cũng không hiểu não úng thủy là như thế nào chỉ biết đầu Thành cứ ngày càng bự ra nên anh đưa đi chiếu chụp rồi lại lo tiền mổ đặt ống cho dù các bác sĩ khẳng định “chỉ giúp đầu không to ra nữa chứ cũng không thể cứu sống được”. Từ bệnh viện về, Thành vẫn khóc tối ngày và phải duy trì sự sống bằng cách đổ cháo lỏng vào mồm.

“Giai đoạn cuối, bệnh biến chứng đủ thứ. Đêm nào tôi cũng bế cháu ngủ mà nước mắt cứ chảy. Được 33 tháng thì cháu mất. Tôi cũng xây cho cháu một kim tĩnh đàng hoàng trên đỉnh núi. Mặt thằng nhỏ dễ thương lắm!”, anh Bông ngậm ngùi kể lại.

Hiện giờ trong số 11 cháu nhỏ đang được nuôi dưỡng tại đây có một cháu gái 3 tuổi bị câm điếc. Kể về trường hợp này, anh cho biết: “Cháu được đón về năm 2009 ở khoa Sản, Bệnh viện 121 Cần Thơ. Chắc mẹ là sinh viên lỡ vụng dại nên sinh xong thì cũng bỏ đi luôn. Sinh xong cháu được vỏn vẹn có 1,3 kg, các bác sĩ gọi xuống nhận tôi bảo cháu nhỏ vậy thì nuôi sao sống nhưng vẫn nhận về nuôi. Đã hai lần tôi phải bế cháu đi cấp cứu nhưng vẫn may mắn giữ được tính mạng đến giờ”.

Anh Bông dạy học cho con
Anh Bông dạy học cho con

Hỏi về chuyện lập gia đình riêng, anh cười bảo: “Cứ sống hoài trên đỉnh núi có quen cô nào đâu mà lấy vợ?”. Nói là vậy nhưng trên thực tế, khi câu chuyện về người đàn ông tình nguyện nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi về nuôi vang ra ra ngoài dãy Thất Sơn cũng là lúc nhiều cô gái nguyện về làm vợ anh. Có người ở nước ngoài, có người ở Hà Nội biên thư vào bảo chỉ cần anh nhận lời, họ sẽ bán tất cả tài sản đất cát vào giúp anh nuôi dạy những đứa trẻ.

Tuy nhiên, anh từ chối tất cả và giải thích rất mộc mạc rằng: “Có thể họ cảm động và việc họ muốn đến giúp là thật lòng. Nhưng có vợ rồi là có một gia đình riêng. Rồi con riêng, con chung. Những đứa trẻ kia sẽ cảm thấy tủi thân, tủi phận. Thôi thì mình cứ sống với đàn con vậy được rồi”.

Cách đây vài năm, có một ông Việt kiều về thăm thấy lũ trẻ ở mãi trên đỉnh núi mới động viên, tài trợ cho anh cất nhà xuống dưới chân núi cho mấy đứa trẻ còn đi học. Chứ chúng không được học nữa thì khổ lắm! Nghe cũng phải, anh mới đồng ý hạ sơn. Thế là anh “sở hữu” một căn nhà khang trang.

Cũng từ đó không ít lời ra tiếng vào rằng anh lợi dụng để mưu lợi, rằng cái chỗ anh nuôi mấy đứa trẻ giàu có lắm. Anh thì không sợ tiếng khen, chê chỉ có điều sự thực thì anh vẫn đang phải chật vật để lo cho “các con” có cuộc sống bằng bạn bằng bè.

“Ngày xưa ở trên núi rau cỏ tự trồng, giờ xuống dưới này cái gì cũng phải bỏ tiền ra. Lúc trước mấy đứa còn nhỏ chỉ lo tã, sửa thôi còn không đáng ngại. Giờ chúng đi học hết rồi. 3 đứa học lớp 5, 4 đứa lớp 4 và 3 đứa lớp 1 nên cũng nhiều khoản phát sinh. Thôi thì mình cứ cố gắng làm hết sức mình. Ai cũng muốn có hạnh phúc riêng tư nhưng cái hạnh phúc đó là cái nhỏ còn hy sinh cho xã hội mới là hạnh phúc lớn”, anh Bông chia sẻ.

Quang Toản - Kim Quy

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.