Từng là công trình xây dựng hiện đại, được mơ ước từ các đây… 30 năm, nhưng đến nay, khu nhà A7 (Nguyễn Chính, Hoàng Mai, Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người dân.
Nín thở… đi cầu thang
Theo thiết kế ban đầu khu nhà A7 được xây dựng theo phương án ghép tấm lớn, gồm 2 đơn nguyên và 2 cầu thang bộ. Để tăng số phòng, đơn vị thi công đã cắt đi 1 cầu thang, làm mật độ người đi lại cao gấp đôi so với thiết kế. Nơi xây dựng cầu thang là diện tích đất ao nên sau một thời gian dài sử dụng, hệ thống cầu thang đã bị lún xuống. Từ đó kéo theo sự xuống cấp của nhiều hạng mục khác trong tòa nhà.
Cầu thang nhà A7 đang được gia cố tạm bợ bằng giàn giáo |
Ông Nguyễn Quang Gắng (Tổ trưởng tổ 15) cho biết: Tình trạng cầu thang bị lún diễn ra từ đầu năm 2008, nhưng đến năm 2009, thì sụt lún diễn ra nghiêm trọng. Công trình có biểu hiện lún nghiêng về hai phía, gây nứt tách nguy hiểm cho khu vực cầu thang.
Các dầm chiếu tới và chiếu nghỉ của thang bị kéo ra khỏi tấm tường ngang, đoạn đầu dầm gối lên tường còn rất ít. Các bản thang và tấm bê tông mái bị tách ra khỏi tường dọc, tạo thành những vết nứt tách rộng 3 - 5 cm dọc theo chiều dài bản thang và tấm mái.
Sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị, cuối năm 2010, các cơ quan chức năng đã làm giàn giáo thép chống đỡ trong khi chờ di dời người dân và cải tạo xây mới tòa nhà. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây những vết nứt ở chân cầu thang ngày càng mở rộng, tách rời khỏi tường chịu lực. Toàn bộ mái lợp và hệ thống thoát nước mái tầng thượng của tòa nhà bị hư hỏng nặng khiến nước thấm dột xuống dưới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân sống trên tầng 5.
Chị Nguyễn Thị Huyền (tầng 5, nhà A7) cho biết: "Vào những ngày mưa bão, nước từ trên mái tràn xuống chảy theo tường nhà vào nhà. Ở trong nhà mà như ở ngoài trời".
Lo ngại trước sự xuống cấp của khu nhà, những hộ dân tại đây đã nhiều lần làm đơn gửi UBND phường, quận Hoàng Mai và đơn vị chủ quản đề nghị nhanh chóng khắc phục để đảm bảo cuộc sống của người dân. Năm 2011, Sở Xây dựng đã phê duyệt dự án xây mới chung cư A7. Tuy nhiên, đến thời điểm này không hiểu vì lý do gì mà dự án vẫn "giẫm chân tại chỗ".
Tiến gần mức độ nguy hiểm cấp D
Ông Vũ Ngọc Cương, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai cho biết: Dãy nhà A7 phường Tân Mai, hiện thuộc sự quản lý của Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà số 4 (Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội).
Trước sự xuống cấp của tòa nhà, Xí nghiệp và UBND phường đã cảnh báo về sự xuống cấp hư hỏng của một số hạng mục, đồng thời đề nghị người dân hạn chế đi lại trong khu vực nguy hiểm, nghiêm cấm người dân phóng thẳng xe máy lên cầu thang để giảm áp lực lên cầu thang. Tổ chức bố trí trực tại khu A7 để kịp thời di dời người dân và tài sản của người dân đến nơi an toàn mỗi khi có bão lũ xảy ra.
Tòa nhà cần được phá bỏ để đảm bảo an toàn cho những người sinh sống bên trong. |
Ông Cương cho biết, một trong những nguyên nhân khiến nhà A7 xuống cấp nhanh là trong quá trình xây dựng đơn vị thi công đã không thiết kế khe lún. 2 tòa nhà sử dụng chung 1 cầu thang nên trong quá trình sử dụng, do tuổi thọ và quá tải, các nhịp cầu thang này đã bị đứt gãy.
Cũng theo ông Cương, trước sự xuống cấp của khu nhà, ngày 1/2/2009, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã tiến hành kiểm tra mức độ xuống cấp của khu A7 và kết luận, mức độ nguy hiểm của công trình là cấp C, mức độ cực kỳ nguy hiểm, cần phải di dời dân.
"Hiện nay khu nhà đã nghiêng về phía Tây gần 30 cm, mức độ xuống cấp đã vượt qua mức độ C và tiến gần đến mức D, mức độ cần phải phá bỏ công trình", ông Cương nói.
Trước tình trạng xuống cấp của khu nhà, tháng 3 vừa qua Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu cơ quan quản lý tòa nhà lên phương án di dời người dân trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã gần qua mùa mưa bão đã qua nhưng 70 hộ dân với 240 nhân khẩu tại khu A7, vẫn chưa được bố trí chỗ ở tạm mới.
Văn Trinh