Người dân quan niệm rằng, thuốc ở đền Bia là “thuốc thánh”, có thể chữa được nhiều bệnh cho mọi người. Thuốc thường là các loại thuốc lá được hái trực tiếp tại vườn thuốc nam của di tích, có khi chỉ là chai nước được người dân dâng lên Đức Thánh rồi xin lộc để uống.
Đa số người dân nơi đây tâm niệm rằng chỉ cần đến cửa đền Bia, xin được lộc thánh là cả năm gia đình, dòng tộc sẽ luôn khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn.
Người dân về đền Bia dâng hương dù trời mưa rải rác. |
Đền Bia vốn là một trong 3 di tích thuộc cụm di tích quốc gia đặc biệt đền Xưa – chùa Giám – đền Bia. Nơi đây là nơi thờ vị “Thánh thuốc nam” là Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh và Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (người mang nội dung tấm bia có di ngôn của Đại danh y Tuệ Tĩnh từ Trung Quốc về).
Theo sử sách, vào năm 1385, lúc đó Tuệ Tĩnh 55 tuổi và đã là một thầy thuốc có tiếng tăm vượt biên giới. Triều đình nhà Minh đề nghị vua nước Nam đưa danh y sang chữa bệnh trong cung.
Tại Nam Kinh, ông vẫn dồn tâm sức cho nghề trị bệnh giúp đời, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư sau khi ông cứu sống được hoàng hậu của vua. Nhưng cho đến phút cuối, ông không một lần được quay lại quê hương. Thời đó đường xá xa xôi cách trở, tin tức không thông nên cũng chẳng ai biết chính xác ông mất vào năm nào.
Quang cảnh đền Bia và hồ nước trước đền. |
Hai thế kỷ trôi qua, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638 – 1699) là người cùng làng với Tuệ Tĩnh, có dịp đi sứ Trung Quốc đã đến viếng mộ danh y tại Giang Nam. Khi đọc mặt sau tấm bia mộ thấy dòng chữ: “Về sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”.
Nguyễn Danh Nho đã vô cùng cảm động nên đã dập mẫu bia mang về kinh thuê thợ đá khắc lại và chở về làng. Không may cả vùng quê ông lại đang chịu lụt, thuyền xuôi đến địa phận đền hiện nay thì bị lật, tấm bia rơi xuống nước không lấy lên được.
Chính điện đền Bia. |
Khi nước cạn, dân làng mới đưa được bia lên. Nhận thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu (dụng cụ thái thuốc nam) bèn dựng miếu thờ. Ban đầu miếu làm bằng gianh tre, nhưng do người đến lễ đông, đèn nhanh nghi ngút thường gây cháy. Dân làng phải lập một ngôi đền ở gần đó gọi là đền Trung để thờ vọng. Sau đó mới xây đền Bia kiên cố bằng gạch và gỗ lim, gọi là đền Thượng.
Từ ngày dựng bia, người khắp nơi kéo đến đền lấy thuốc, hái lá, xin nước giếng ở đó về uống với hi vọng mọi bệnh sẽ khỏi. Tương truyền vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), mỗi ngày có tới hàng nghìn người như thế, vua phải hạ chiếu cấm việc cúng lễ và xin thuốc, đồng thời sai người đem tấm bia cất tại kho ở dinh quan Hải Dương.
Sau có một người gốc làng Văn Thai làm chức thủ kho đã bí mật lấy lại bia đem về đền cũ. Để giấu việc này, dân làng đã đặt bia vào trong tường chùa Văn Thai rồi xây kín lại, nhờ đó mà tấm bia tồn tại được cho đến ngày nay.
Mỗi năm đền Bia đón hàng nghìn lượt du khách về dâng hương, xin lộc. |
Trải qua nhiều thay đổi thăng trầm, đền Bia được trùng tu vào các năm 1936, 1993, 2006. Được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1974. Đền có kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh, tả vu, hữu vu và các hạng mục như nghi môn, nhà bia… tạo thành quần thể kiến trúc khép kín đồng bộ.
Di tích còn có nhà chẩn trị Đông y do Chi hội Đông y xã Cẩm Văn quản lý với bài thuốc cổ truyền và phương pháp chữa chẩn trị bằng thuốc nam trong đó có một số cây thuốc được trồng tại khuôn viên khu di tích.
Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp đầu năm mới người dân địa phương và du khách thập phương lại trẩy hội về đây để vãn cảnh, du xuân và xin “thuốc thánh” để cầu mong một năm mới mạnh khỏe, làm ăn thịnh vượng.
Năm nay, dù trời mưa to rải rác từ đêm giao thừa nhưng tính đến trưa ngày mùng 1 Tết, lượng người đến đền Bia vẫn đạt khoảng hơn 1.200 lượt khách. Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng đã chuẩn bị 10.000 túi lộc và khoảng 500 hộp thuốc để phát lộc cho nhân dân về du xuân.