Làm rõ về nội dung này, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, so với Nghị định 36/2009, nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo quy định cụ thể, nghiêm khắc hơn. Theo Nghị định 137, về khái niệm về pháo thì có 2 loại: Pháo nổ và pháo hoa. Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, "chứ không được sử dụng loại pháo hoa nổ cũng như pháo nổ" - Thiếu tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Đồng thời nghị định 137 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Theo Chánh Văn phòng Bộ Công an, cụ thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được mua pháo từ các doanh nghiệp Bộ Quốc phòng - pháo được sản xuất trong nước.
Nghị định 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021 và thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009.
Cung cấp thêm thông tin, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định 137 thay thế Nghị định 36, quy định rất rõ, liên quan đến pháo nổ và pháo hoa nổ. Trước đây Nghị định 36 quy định pháo hoa nổ, Nghị định 37 quy định pháo nổ và cấm sử dụng trong các trường hợp cấm. Pháo hoa là loại pháo không có thuốc nổ, chỉ tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây tiếng nổ.
"Sau 11 năm Nghị định 36 ban hành, chúng ta đã quản lý tốt so với trước đây rất nhiều. Trước đây, chúng ta nhập pháo từ khắp nơi, sử dụng không có quy định nào cả. Sau khi có Nghị định 36 liên quan đến sử dụng, đốt pháo, tỉ lệ người bị thương và tai nạn trong sử dụng pháo không còn đáng kể. Đó là chúng ta đã thành công, thực hiện tốt Nghị định 36" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhận xét.