Thực hiện một số dự án giao đất làm nhà ở cho công dân, huyện An Dương triển khai bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Song tới nay, có dự án qua 6 năm chưa hoàn thành kết cấu hạ tầng, giao đất cho người dân.
“Tắc” ở 10%
Dự án 5A, 5B xã Hồng Phong được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 1274/QĐ-UB ngày 9-6-2003, giao đất làm nhà ở cho 296 hộ với tổng diện tích đất thu hồi 9,65 ha (làm tròn), trong đó 5,83 ha đất làm nhà ở, còn lại là các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật. Dự án 301 (hay gọi là dự án Trang Quan B) trên địa bàn xã An Đồng được thực hiện theo Quyết định số 301 ngày 4-4-2003 của UBND huyện An Dương thu hồi đất nông nghiệp xen cư, rìa làng sản xuất kém hiệu quả giao cho các hộ làm nhà ở. Tổng diện tích dự án gần 24 nghìn m2, giao đất cho 164 hộ. Hiện cả 2 dự án đều giải phóng mặt bằng được 90%, chủ đầu tư san lấp gần xong khối lượng và bước đầu làm hạ tầng đường nội bộ, đường thoát nước… Tuy nhiên cả 2 dự án đều đang “tắc” phần còn lại với lý do một số hộ chưa nhận đền bù, bàn giao mặt bằng. Có hộ kiến nghị tính lại giá đền bù, hỗ trợ; hộ yêu cầu xem xét lại nguồn gốc đất; hộ khác yêu cầu cấp đất tái định cư… Về nguyên tắc, khi hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chủ đầu tư mới được giao đất làm nhà ở cho người dân. Thế là, chỉ vì 10% mặt bằng chưa giải phóng mà cả dự án phải chờ!
Nỗi bức xúc không chỉ của các hộ dân
Nhiều hộ dân đã nộp tiền tại các dự án trên đều bức xúc, bởi 6 năm rồi vẫn chưa được nhận đất. Chị Nguyễn Thị Phong, có đất tại dự án 5A xã Hồng Phong cho biết: “Chúng tôi phải vay mượn họ hàng, thậm chí vay lãi ngân hàng để nộp tiền sử dụng đất. Thế mà 6 năm nay chưa thấy đất đâu, trong khi số tiền đi vay lãi mẹ đẻ lãi con, trượt giá hàng năm quá lớn. Điều này khiến chúng tôi càng khó khăn hơn”. Được biết, không ít người vay tiền nộp tiền đất tại dự án nhưng nay không có khả năng trả nợ phải cầm cố chính mảnh đất của mình (cầm cố bằng miệng, bởi thực tế chưa được giao đất). Lãnh đạo các xã Hồng Phong, An Đồng khẳng định, việc các dự án kéo dài, chưa giao đất cho người dân khiến lãnh đạo địa phương cũng bức xúc không khác gì người dân. Nhiều kỳ họp HĐND huyện, lãnh đạo xã đều phản ánh sự việc trên nhưng chưa được giải quyết. Theo quy định, địa phương chỉ làm nhiệm vụ xác định nguồn gốc đất, thu tiền giúp Ban quản lý dự án của người dân nộp chứ không có thẩm quyền giao đất cho nhân dân. Dân bức xúc kiến nghị chính quyền, chính quyền địa phương kiến nghị cấp trên, rốt cuộc cả người dân và chính quyền cùng mắc.
Đối với phần mặt bằng chưa giải phóng xong, đại diện lãnh đạo UBND huyện An Dương khẳng định sẽ tổ chức cưỡng chế để bảo đảm tiến độ thi công các dự án khi địa phương, chủ đầu tư đã hoàn thiện các quy trình giải phóng mặt bằng đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc cưỡng chế chưa được thực hiện. Với dự án 5A, 5B, những hộ dân đã chấp hành nghĩa vụ tài chính, UBND huyện An Dương cần chủ trì cùng Ban quản lý dự án, Phòng Tài nguyên Môi trường sớm thực hiện các thủ tục giao đất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Điều đó góp phần thực hiện an sinh xã hội và bảo đảm an ninh chính trị địa phương.
Huyền Chi