Bao nhiêu vốn liếng tích cóp được trong những năm biểu diễn cải lương, tiền bán tranh của "ông xã", nghệ sĩ Linh Huyền đổ hết vào “Hồn Việt”. Tiền đầu tư cho chương trình “Hồn Việt” rất tốn kém: thuê rạp hát, tiền catxe cho 50 nghệ sĩ, tiền phục trang, ánh sáng, sân khấu…
Hàng tỉ đồng đổ vào mà như “gió vào nhà trống” trong khi doanh thu lại “nhặt từng đồng”. Nhiều người lo cho Linh Huyền sẽ “trắng tay” nhưng “bà bầu” ấy vẫn nhất quyết chịu lỗ, theo đuổi niềm đam mê của mình.
Từ nghệ sĩ cải lương sang “bà bầu” Hồn Việt
Sinh năm 1970, trong một gia đình nghèo khó ở quận 4, TP Hồ Chí Minh, mê cải lương từ nhỏ nhưng nhà không có tivi, không có radio, Linh Huyền thường sang nhà hàng xóm nghe nhờ mỗi cuối tuần những vở cải lương nổi tiếng một thời. Thời ấy, một Thanh Nga uy nghiêm lẫm liệt trong “Tiếng trống Mê Linh” hay những vở cải lương mang giá trị lịch sử, xã hội đã hằn sâu trong ký ức cô bé Linh Huyền.
Nghệ sỹ Huyền Linh |
Để rồi, dù mẹ chị than rằng “Cơm vẫn chưa đủ ăn thì hát với ca làm gì”, chị vẫn nhất quyết đi học cải lương. May thay, có một chú xích lô tốt bụng gần nhà thấy chị ca hay và mê cải lương nên nói mẹ chị để đưa Linh Huyền gửi cho học thầy Út Trong. Lúc đó, chị mới 11 tuổi mà cải lương đã ngấm từ trong huyết quản. Vừa học chữ vừa ca, nhất là 3 tháng hè chị dồn tâm sức cho việc học ca.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL)- khẳng định rằng việc đưa chương trình "Hồn Việt" phục vụ khán giả Việt Nam và đặc biệt là phục vụ khách quốc tế là một bước đi táo bạo, tích cực của nghệ sỹ Linh Huyền. "Hồn Việt" với những tinh hoa văn hóa thể hiện qua nghệ thuật biểu diễn sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật chất lượng cao của nhân dân, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. |
Chính nhạc sĩ này đã đặt cho chị nghệ danh là Linh Huyền (tên thật là Ngọc Huyền). Có tố chất nghệ thuật và sự nỗ lực của mình, Linh Huyền liên tiếp gặt những giải thưởng lớn như huy chương bạc Giọng ca cải lương toàn quốc, giải A cuộc thi Tiếng hát ru, huy chương vàng trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc…
Và chị cũng là tác giả của các vở cải lương nổi tiếng như: Bà chúa thơ Nôm, Sương Nguyệt Ánh, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quốc Toản, Đoàn Thị Điểm…
Sau khi lấy chồng họa sĩ người Ý, Linh Huyền sống cùng với nhiều người nước ngoài và biết rằng họ rất muốn khám phá nền văn hóa nghệ thuật độc đáo, đầy sắc màu của Việt Nam. Chị ấp ủ dự định lớn. Sau 2 năm “thai nghén”, năm 2011, chị đã quyết định tạm dừng đi hát cải lương để tập trung vào dự án người giúp giới trẻ tìm về cội nguồn dân tộc, đồng thời truyền bá văn hóa truyền thống Việt Nam với du khách nước ngoài qua chương trình “Hồn Việt”.
“Đốt” tiền tỉ cho một đam mê
“Hồn Việt” được thiết kế như một hành trình minh họa lịch sử- văn hóa Việt Nam thông qua các loại hình nghệ thuật truyền thống lẫn hiện đại. Từ hát xẩm miền Bắc, hát Chầu văn Huế đến Cải lương của miền Nam, những âm thanh rộn ràng ngày hội múa sạp dân tộc Mường vùng Tây Bắc, tiếng tù và vang vọng, tiếng đàn đá đậm chất Tây Nguyên, tạo nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc và sống động. Toàn bộ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trong “Hồn Việt” đều là trang phục gốc của người bản địa”.
Thời lượng chỉ gói ghém trong 60 phút, nhưng nghệ sĩ Linh Huyền đã biết cách làm phong phú chương trình bằng những tiết mục đặc sắc. Nhằm tôn vinh văn hóa Việt với sự chuyển cảnh tinh tế mà không phải bất cứ sân khấu nào cũng làm được. “Hồn Việt” có những hoạt cảnh: lịch sử về Hai Bà Trưng với âm nhạc cồng chiêng, đàn đá và hai con voi như thật có thể di chuyển được. Tiếp theo là ba hoạt cảnh Bắc, Trung, Nam mô tả văn hóa, đời sống người Việt Nam qua câu chuyện “Chú Cuội cây đa”.
Hoạt cảnh cuối cùng là một Sài Gòn năng động, quyến rũ du khách với đời sống thị dân phong phú, thể hiện qua những tiếng rao, những âm thanh rộn ràng đủ loại của Sài Gòn. Đặc biệt, nghệ sĩ Linh Huyền sẽ hóa thân vào các nhân vật trong hoạt cảnh với tiếng rao đêm, với giọng ca cải lương thánh thót hay điệu ru ngọt ngào.
Ở hoạt cảnh về văn hóa phố phường Sài Gòn và Hà Nội, nghệ sĩ Linh Huyền chia sẻ, sau nhiều tìm tòi, chị nhận ra rằng Việt Nam hấp dẫn du khách nước ngoài một phần nhờ những tiếng rao hàng của người buôn gánh bán bưng tỏa ra khắp các nẻo đường, ngõ hẻm... Nhiều vị khách quốc tế khi nghe những tiếng rao này cho rằng, chúng chất chứa giai điệu của một cuộc sống lao động chân chất, đặc trưng Việt Nam. Chính vì thế, Linh Huyền đặt hàng nhạc sĩ Hoài Anh viết tiếng rao hàng rong thành lời ca khúc, phổ nhạc để biểu diễn trên sân khấu.
Ngoài ra, việc đích thân Linh Huyền giữ vai trò người dẫn chương trình kết nối những câu chuyện, hoạt cảnh bằng tiếng Anh. Đây là một lợi thế, bởi chị có thể sẵn sàng giải thích được ngay các thắc mắc của du khách nước ngoài.
Chương trình “Hồn Việt” - diễn ra định kì ngày 15 và 23 hàng tháng tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh. Diễn ra định kỳ, nhưng không phải lúc nào, “Hồn Việt” cũng đông khách. Có nhiều lúc, rạp 500 ghế chỉ lèo tèo vài chục khách nhưng đèn vẫn sáng, các nghệ sĩ vẫn “cháy” hết mình. Các anh em nghệ sĩ ái ngại và đề nghị rút bớt tiền catxe của mình để chia sẻ với “bà bầu”. Nhưng Linh Huyền một mực không đồng ý và trả đầy đủ tiền như đã hợp đồng. Chị cho hay: “Các nghệ sĩ đã bỏ công sức, tài năng, mình không thể bớt của họ được”. Cứ mỗi lần rạp sáng đèn là chị lại lỗ hàng chục triệu đồng.
Bao nhiêu vốn liếng tích cóp được trong những năm biểu diễn cải lương, tiền bán tranh của ông xã, nghệ sĩ Linh Huyền đổ hết vào “Hồn Việt”. Tiền đầu tư cho chương trình “Hồn Việt” rất tốn kém: thuê rạp hát, tiền catxe cho 50 nghệ sĩ, tiền phục trang, ánh sáng, sân khấu, đạo cụ… Hàng tỉ đồng đổ vào mà như “gió vào nhà trống” trong khi doanh thu lại “nhặt từng đồng”.
Nhiều người lo cho Linh Huyền sẽ “trắng tay” nhưng “bà bầu” ấy vẫn nhất quyết chịu lỗ, theo đuổi dự án của mình. “Nhiều lúc bị sức ép về tài chính, nhưng khi thấy những gương mặt du khách say mê thưởng thức nghệ thuật Việt, tôi lại thấy ấm lòng, như được tiếp thêm động lực để vượt qua khó khăn”- Linh Huyền chia sẻ. Vì thế, sự thất bại về mặt doanh thu đã không làm Linh Huyền nản chí mà chùn bước.
Thật may mắn khi đứng sau Linh Huyền là ông chồng người Ý luôn động viên, cổ vũ tinh thần cho vợ. Câu nói mà Huyền cảm phục và nể trọng chồng đó là: “Em đầu tư vào văn hóa không mất được đâu. Các con của chúng ta, các bạn trẻ Việt Nam và du khách nước ngoài sẽ được hưởng sự đầu tư ấy!”.
10.000 du khách thưởng thức “bữa tiệc” văn hóa
Được sự khích lệ của chồng, chương trình ở TP Hồ Chí Minh đến giờ chưa thấy lãi thì Linh Huyền lại “bạo gan” đưa “Hồn Việt” ra thủ đô trước sự “choáng váng” của các đồng nghiệp. Ngày 1/7 vừa qua, “Hồn Việt” đã bắt đầu “sáng đèn” tại Nhà hát lớn Hà Nội và định kỳ thứ 2 hàng tuần.
Một cảnh trong Hồn Việt |
Linh Huyền tâm sự: “Nhiều người nghĩ rằng, tôi điên điên, thừa tiền, hay thích chơi trội. Ai lại đem tiền nhà mình đi để đổ vào những việc không đâu. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Tình yêu mà tôi dành cho nghệ thuật không phải mù quáng. Thực sự tôi ý thức được rằng góp sức cho sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật truyền thống là điều gì đó vượt qua mọi giá trị vật chất thông thường. Dù biết rằng, tình hình sân khấu nghệ thuật dân gian còn quá nhiều khó khăn”.
Cảm phục những gì nghệ sĩ Linh Huyền đã làm vì văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Cty tư nhân-Dragon Capital - đã tự nguyện “ghé vai” giúp chị một phần kinh phí để chị bớt áp lực. Chị xúc động: “Đây là sự hỗ trợ cần thiết đối với các doanh nghiệp và các đơn vị tư nhân để cùng nhau thúc đẩy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam một cách có hiệu quả”.
Nghệ sĩ Linh Huyền cho biết thêm: “Sau 2 năm sáng đèn, đã có 10.000 du khách quốc tế được thưởng thức “bữa tiệc” văn hóa dân gian Chúng tôi thực hiện chương trình này với nhiều tâm huyết, vì vậy trước tiên không chỉ vì doanh thu, mà còn là để quảng bá cho văn hóa dân tộc mình cho bạn bè quốc tế. Nếu nói đến lợi nhuận, thì lợi nhuận trước nhất là chúng tôi đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho du khách khi đặt chân đến TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội”.
Bởi chị biết, du khách đến Việt Nam không chỉ để tham quan danh lam thắng cảnh, mà hơn thế nữa, họ đến để tận hưởng những âm sắc đặc thù của nghệ thuật Việt. Những hoạt cảnh, tiết tấu, trang phục, âm nhạc trong Hồn Việt đã phần nào lưu lại ký ức mỗi du khách nước ngoài trong hành trình đến đất nước hình chữ S này…
Thùy Dương