Người chiến binh già Hà Nội và chiếc chân giả

Chiến tranh đã lùi xa nhưng người cựu chiến binh vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động khi hồi tưởng lại những khoảnh khắc hào hùng ấy. Và rồi, ngày ngày với chiếc chân gỗ, ông lại tập tễnh đến trụ sở cơ quan để thực hiện nốt những tâm nguyện của đời mình...

Chiến tranh đã lùi xa nhưng người cựu chiến binh vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động khi hồi tưởng lại những khoảnh khắc hào hùng ấy. Và rồi, ngày ngày với chiếc chân gỗ, ông lại tập tễnh đến trụ sở cơ quan để thực hiện nốt những tâm nguyện của đời mình...

Chàng trai Hà Nội và những chiến công

Sinh ra trong một gia đình trí thức của Thủ đô, như bao chúng bạn, chàng trai gốc Hà Thành Ngô Tùng Phong cũng được gia đình cho ăn học rồi trở thành công nhân ấn loát của Bộ Tài chính. Ông cũng chính là người may mắn được tham gia in những đồng tiền giấy đầu tiên của đất nước. Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, cơ quan của ông được chuyển lên Bản Thi, Tuyên Quang. Với bản lĩnh trai trẻ và không đành lòng nhìn quê hương, đất nước bị giặc Pháp giày xéo, tháng 5/1947, ông đã cùng với một số đồng nghiệp đã vượt núi băng rừng từ Tuyên Quang về Thái Nguyên, tìm đến Trung đoàn 72 để xin đầu quân và trở thành cán bộ Tham mưu của Trung đoàn.

bgdgbh

Vợ chồng cựu chiến binh Ngô Tùng Phong.

Năm  1947, thực dân Pháp nhảy dù đánh chiếm Bắc Cạn, Trung đoàn 72 được điều lên đánh địch ở khu căn cứ này. Sau 2 năm bị quân dân Bắc Cạn quyết liệt chống trả, năm 1949, địch đã phải rút khỏi Bắc Cạn. Đây cũng là địa phương đầu tiên được giải phóng trong kháng chiến chống Pháp. Với chiến thắng giải phóng Bắc Cạn, Trung đoàn 72 đã được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi. Đó là phần thưởng xứng đáng của Trung đoàn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của “quân sư” Ngô Tùng Phong.

Với những chiến thắng vang dội ấy, Trung đoàn 72 lại được điều về xây dựng Sư đoàn quân tiên phong 308, lúc bấy giờ là Sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam và ông Phong tiếp tục công tác tại Ban tham mưu của Trung đoàn 88, sau này là Trung đoàn Tu Vũ anh hùng và tham gia nhiều chiến dịch nổi tiếng như chiến dịch Lê Hồng Phong, chiến dịch Biên giới, chiến dịch Hoàng Hoa Thám đánh về Quảng Ninh...

Trong thời gian này, ngoài phụ trách công tác tham mưu, ông còn được giao một nhiệm vụ đặc biệt đi vào vùng địch tạm chiếm ở nam phần Bắc Ninh để mua thuốc, hàng hóa cho bộ đội. Để hoàn thành nhiệm vụ đó ông phải nhiều lần đóng giả là lái buôn mang đặc sản từ Thái Nguyên về đó bán đổi lấy tiền Đông Dương để mua thuốc sốt rét về cho anh em uống và máy chữ về phục vụ cho việc đánh công văn, giấy tờ, tài liệu phục vụ quân đội. Hiểm nguy sát sườn, nhưng với bản lĩnh của một người lính, tham mưu Phong vẫn bám trụ và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Năm 1951, ông Phong tiếp tục tham gia Chiến dịch Tu Vũ đánh một tiểu đoàn của địch đóng ở Phú Thọ. Khi giải phóng đồn Tu Vũ, không may ông đã bị thương vào đầu và vai. Sau hơn 1 tháng điều trị, ông tiếp tục tham gia chiến đấu.

Cuối năm 1951 cả tiểu đoàn của ông chuyển về Xuân Mai (Hà Tây). Gần nửa tháng trời ông cùng đồng đội ban ngày phục trong rừng, ban đêm lại ra rải truyền đơn vận động địch, đào phá đường để địch không có đường rút. Trong trong một trận đánh phục kích trên đường số 6, ông lại bị dính đạn của kẻ thù. Chết đi sống lại vì bị đa chấn thương vào chân và đứt động mạch chủ, nhưng chiến sỹ Tùng Phong vẫn không chút nao núng, run sợ. Thậm chí, ông còn rất tự hào với những thành tích mà đơn vị mình đạt được (tiêu diệt được một đoàn xe hơn chục chiếc, gồm xe cam nhông và thiết giáp của địch) và thấy rằng mình vẫn là người may mắn thoát chết, khi 9 đồng đội khác đã hy sinh vì đất nước.

Nghĩ về những ngày tháng hào hùng đó, trong mắt ông bỗng ánh lên một ngọn lửa. “Lúc ấy, tôi không nghĩ gì cả mà chỉ cố gắng chiến đấu không để cho địch rút quân. Nhìn đồng đội đã hy sinh hết, tôi thực sự rất đau xót và rừng rực quyết tâm trả thù cho họ...” - ông Phong ngẹn ngào tâm sự. Và như để phá đi những phút hoài niệm đau thương đó, ông cười hóm hỉnh: “Cũng may trời hôm đó rét đậm, máu nhanh đông bịt lại vết thương, nếu không tôi đã “toi” rồi”.

“Tàn” nhưng không “phế”...

Với một chiếc chân đã bị tàn phế, ông Phong đành phải gác lại sự nghiệp binh đao. Sau khi đã điều trị khỏi vết thương, năm 1952, ông được phân công về làm quản đốc Trại thương binh Phú thọ chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục tư tưởng và dạy nghề cho thương binh. Hưởng ứng chủ trương đưa thương binh về làng của Bác Hồ, ông đã giúp hàng trăm thương binh trở về quê hương, đoàn tụ gia đình.

Cũng trong những năm tháng ấy, từng ngày chứng kiến những người thương binh bị cụt chân đi lại khó khăn, từ cảnh ngộ của bản thân mình, ông đã nảy ra sáng kiến thành lập tổ sản xuất chân giả cho anh em thương binh. Ông Phong đã tập hợp được hơn 10 thương binh trẻ, biết nghề mộc cho họ sang Bắc Giang học cách làm chân giả. Tiếp đó, ông cử người về Việt Trì tìm những vỏ đại bác của Pháp về làm nẹp chân, rồi lại cử người về Hà Nội mua da về khâu thành các ống chân, xin gỗ của nhân dân về làm bàn chân. Với những nỗ lực và sự cố gắng không mệt mỏi của mình, ông đã cung cấp chân giả cho hầu hết những thương binh bị mất chân của Phú Thọ. Cũng nhờ sáng kiến này, năm 1953 ông đã được tỉnh Phú Thọ bầu là chiến sỹ thi đua công nghiệp.

Đến năm 1954, ông được cử làm quyền Trưởng Ty thương binh Phú Thọ. Giải phóng Điện Biên ông xin về Hà Nội học ngoại ngữ (tiếng Trung Quốc) tại Việt Nam học xá (nay là đại học Bách khoa Hà Nội). Kết thúc khóa học, năm 1956 ông được chọn về công tác tại Tạp chí Học tập (tiền thân của tạp chí Cộng sản) làm cán bộ biên tập, dịch thuật tiếng Trung Quốc cho tạp chí. Tiếp sau đó ông lại được điều về công tác tại Vụ chính sách (Bộ LĐ-TB&XH) rồi làm Phó hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy trường cán bộ lao động xã hội (tiền thân của trường Đại học LĐXH ngày nay). Dù ở cương vị nào, ông Phong cũng luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều đóng góp được cấp trên đánh giá cao.

Gìn giữ cho muôn đời sau...

Năm 1986, ông Phong về nghỉ hưu, song với nhiệt huyết của người lính Cụ Hồ, ông tiếp tục tham gia nhiều công tác tại địa phương. Năm 1987 ông tham gia Đảng ủy phường và làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thành Công. Trong 6 năm phụ trách công tác mặt trận, dù phải mang chiếc chân giả nhưng ông không quản ngại khó khăn đến từng nhà, leo lên từng khu tập thể trong phường để vận động nhân dân. Nhờ những cố gắng của ông mà phường Thành Công trong 3 năm liền đã trở thành lá cờ đầu về công tác mặt trận của quận Ba Đình. Bản thân ông cũng được tặng bằng khen của UBND TP.Hà Nội. Nghỉ làm công tác mặt trận ông lại tiếp tục làm Bí thư chi bộ Cụm B phường Thành Công trong 5 năm liền.

Nối tiếp truyền thống của cha, các con của ông Phong đều rất thành đạt, có địa vị trong xã hội và nhiệt tình tham gia các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các cháu của ông thì học giỏi, ngoan ngoãn và có ý chí tiến thủ. Để khuyến khích các cháu ăn học, sau này trở thành người có ích cho xã hội, tháng nào ông Phong cũng trích ra từ khoản lương hưu của mình một khoản tiền cố định nho nhỏ để lập quỹ “Khuyến học gia đình”, tặng thưởng cho những cháu có hiếu thảo và có thành tích cao trong học tập. Mỗi khi đến ngày sinh nhật của thành viên nào đó trong gia đình, dù bận bịu đến đâu, ông bà vẫn rủ nhau đi mua quà, hoặc tự tay làm những món quà nho nhỏ để tặng.

Công sức của ông đã được đền đáp xứng đáng khi con cháu thành đạt, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Ngày ngày, có gì ăn ngon, các con ông lại sai cháu mang sang biếu ông bà...

Khi tuổi đã xế chiều, ông Phong thực sự cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đã và đang có. Và niềm hạnh phúc, món quà quý giá nhất của ông chính là bà Đặng Lan Hoa - cô văn thư xinh đẹp ở Ty Thương binh Phú Thọ năm xưa, chỉ vì cảm thương anh thương binh có khuôn mặt điển trai với chiếc chân tật nguyền đã từng đem lòng thương, yêu rồi tự nguyện “dứt áo về phục vụ chàng”.

Với ông, bà luôn là người bạn đời, người bạn tri kỷ thân thiết nhất. Mỗi khi trái nắng, trở trời chân của ông lại giở chứng. Lúc ấy, bà lại là người chia sẻ, động viên và xoa bóp cho ông. Khi ông đổ bệnh người già (huyết áp cao, tiền liệt tuyến…) bà kiên trì đề ra chế độ uống thuốc, thậm chí chế độ ăn đặc biệt cho ông. Bởi vậy, ông luôn tự hào tuyên bố với mọi người: “Bà ấy là hộ lý số 1 của tôi đấy!”.

Không phải ai cũng ngợi ca nhau trước mặt mọi người như  vậy. Trường hợp của ông bà là đặc biệt. Và họ luôn chia sẻ, dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất để động viên nhau vượt qua khó khăn và làm gương sáng cho con cháu học tập. Nhìn cảnh ông bà chăm chút cho nhau từng li, từng tí, chúng tôi như vui lây với hạnh phúc của họ.

Cứ gần đến ngày Quốc khánh của đất nước (2/9), năm nào cũng vậy ông Phong lại náo nức hẹn hò, gặp gỡ các đồng đội, thăm lại chiến trường xưa để nhớ về những kỷ niệm cũ. Và, đó chính là động lực rất lớn thôi thúc ông hoàn thành nhiệm vụ, cống hiến cho đất nước và giữ vững phẩm chất của Anh bộ đội Cụ Hồ!

Trà Long

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.