Tuy là địa bàn công bố chưa xuất hiện dịch tai xanh ở lợn nhưng người chăn nuôi ở huyện Thủy Nguyên vẫn chao đảo vì vừa lo phòng dịch, vừa lo giá bán lợn đang hạ từng ngày bởi những thông tin không chính thống.
Mặc dù chỉ với giá 20.000 đồng/kg nhưng chị Nguyễn Thị Thanh (thôn 13, Ngũ Lão) thở phào nhẹ nhõm, cho rằng may mắn khi bán được hơn 2 tạ lợn thịt. Chị Thanh phàn nàn, “chẳng biết vì sao mà đợt này giá lợn giảm hẳn. Từ 26.000-27.000 đồng/kg xuống còn 20.000 -22.000 đồng/kg. Nhiều nhà muốn bán với giá 20.000 đồng/kg, song gọi cũng không ai mua”. Chị Thanh tính, bán với giá 20.000 đồng/kg, lỗ 3 triệu đồng. Bởi nuôi từ rằm tháng Giêng tới khi xuất chuồng, tốn 11 bao cám với giá 200.000 - 215.000 đồng/bao; thêm 1 triệu đồng tiền thuốc, tổng cộng chi phí nuôi 2 tạ lợn đến ngày xuất chuồng 3 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền bỗng rượu nhà chị có sẵn.
Đang cân lợn để bán, nhưng ông Nguyễn Văn Gắt (khu Ba Dân, Trung Hà) vẫn lo lắng khi trong chuồng còn khoảng gần 20 con chờ xuất chuồng. Ông Gắt cho biết, nhà ông đang nuôi 40 con, sau 3 lần gọi mới cân được 10 con với giá 22.000 đồng/kg, còn 10 con ông đã bán trước đó. Mặc dù lợn khỏe, không ốm đau gì. Nếu bán với giá 27.000 -28.000 đồng/kg thì người chăn nuôi lãi khoảng 100.000 đồng/con (đã trừ chi phí). Với giá 22.000 đồng/kg, bán 3-4 tấn lợn lỗ chục triệu đồng. “Nhưng dù thế thì vẫn tốt hơn là không bán. Nuôi tới ngày xuất chuồng mà không bán được, càng để lâu càng lỗ nặng”- ông Gắt than phiền. Trung bình một ngày 20 con lợn ăn ít nhất 3 bao cám.
Tính ra một ngày phải bỏ ra 600-800 nghìn đồng để nuôi. Trong khi, mọi chi phí (tiền cám, tiền trả lãi suất…) chỉ trông chờ vào lứa lợn.
Cũng có lợn đang độ xuất chuồng, ông Cao Văn Hóa (thôn 13, Ngũ Lão) than thở, “chăn nuôi bây giờ chỉ “béo” cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi”. Bởi giá bán lợn thịt đang bị trả rẻ, trong khi giá thức ăn ngày càng cao. Nhìn về phía chuồng có 5 con lợn thịt (trung bình 70 kg/con), 5 con lợn bé (35kg/con) ông Hóa thở ngắn, thở dài. Có người vào trả 22.000 đồng/kg ông đã đồng ý bán, nhưng hơn tuần nay chưa thấy vào bắt.
Theo chị Thanh, ông Gắt, giá bán lợn thịt giảm từ ngày có thông tin về bệnh tai xanh ở lợn. Mặc dù chưa hề có thông báo nào ở địa phương về tình hình dịch bệnh này nhưng tin đồn vẫn cứ lan truyền khiến nhiều gia đình bán chạy lợn; một số nhà có lợn ốm cũng gọi bán gấp vì thế mà giá giảm. Đây cũng là lý do để các lái buôn ép giá. Ngoài ra, cũng có tình trạng một số lò mổ nhập lợn ở nơi khác về với giá rẻ. “Đúng là chẳng tính trước được - ông Hóa buồn rầu nói.
Giải thích lý do giá thịt lợn ngày càng giảm, chị Nguyễn Thị Xuyên - bán mặt hàng này ở xã Ngũ Lão cho biết, từ khi có dịch tai xanh, không chỉ người chăn nuôi chao đảo mà lò mổ, người bán thịt lợn cũng vất vả không kém. Bởi thịt lợn không bán được. Bình thường một ngày nhà chị mổ 5 con, nhưng nay chỉ 3 con mà vẫn ế. Giá thịt lợn cũng hạ xuống để dễ bán nhưng người mua vẫn đắn đo, tiêu thụ chậm hẳn. Vì thế, đợt này, nhiều hộ gọi mua lợn nhưng chị không đến bắt.
Trước tình trạng này, các hộ chăn nuôi cho rằng, các ban, ngành chức năng địa phương cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn tới nhân dân về tình hình bệnh dịch để tránh những thông tin ngoài luồng, làm ảnh hưởng tới người chăn nuôi, tiêu dùng. Không phải cứ chờ đến lúc ở địa phương có dịch bệnh mới thông tin cụ thể. Ông Trần Văn Bé (Sáu Phiên, An Lư) phản ánh, ngay sau khi nhận được thông báo dịch bệnh tai xanh, các địa phương đều tổ chức tuyên truyền, phổ biến dịch bệnh. Các cán bộ thôn, xóm, địa phương, các chủ trang trại lớn được cung cấp thông tin, sau đó những cán bộ này về phổ biến lại cho các hộ chăn nuôi nhỏ. “Với cách làm này thì những hộ chăn nuôi gia đình đến nay vẫn chưa nắm được thông tin nào về dịch bệnh từ phía chính quyền địa phương. Cũng chính vì thế mà người chăn nuôi thiệt thòi”.
Hà Minh