Tuy nhiên, người bệnh tim mạch có thể gặp những nguy cơ về sức khỏe nếu tập luyện không đúng cách hoặc áp dụng chế độ tập luyện không phù hợp với tình trạng tim mạch của mình.
Chẳng hạn như khi người bệnh tim mạch tập luyện những môn thể thao loại tĩnh (liên quan chủ yếu đến hoạt động co cơ, nâng đỡ, duy trì một tư thế và không di chuyển tứ chi nhiều) như là cử tạ, những môn thể thao loại này có thể làm tăng huyết áp đột ngột, gây nguy hiểm cho những người bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành hay bệnh tim bẩm sinh…
Người bệnh tim mạch nếu tập nặng ngay khi mới bắt đầu tập thể dục hoặc tập với mức độ vượt quá khả năng chịu đựng của tim sẽ khiến tim quá tải và tạo gánh nặng cho tim, có thể đưa đến nhồi máu cơ tim ở người bệnh mạch vành, làm nặng hơn tình trạng suy tim ở những người suy tim...
Một yếu tố có thể ảnh hưởng đến tim mạch là thời tiết khi tập thể dục. Vận động ở thời tiết có độ ẩm cao làm mau mệt. Vận động trong thời tiết quá nóng hay quá lạnh đều có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây khó thở, đau ngực, có thể khiến cho huyết áp dao động, không ổn định và có thể là yếu tố khởi phát cho những đợt đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim.
Người bệnh tim mạch nên chọn các môn thuộc loại “động”, có liên quan sự co cơ và chuyển động nhanh của tứ chi như là chạy bộ, bơi lội, đi bộ, đạp xe… Loại vận động này làm tăng nhịp tim, tăng mức tiêu thụ ôxy, tăng cung lượng tim và huyết áp tâm thu, được xem là hữu ích cho sức khỏe tim mạch. Trong số đó, đi bộ được xem là môn thể thao thích hợp nhất để chọn lựa khi mới bắt đầu tiến hành tập thể dục do hình thức tập luyện đơn giản, dễ dàng, không yêu cầu một phương tiện đặc biệt nào và quan trọng là tốt cho sức khỏe.
Người bệnh tim mạch cũng cần được bác sĩ tư vấn về mức độ tập luyện. Khi mới tiến hành tập thể dục, cần tập nhẹ, sau này sẽ tăng dần cường độ. Bác sĩ thường khuyên bệnh nhân suy tim tập thể dục ở mức vừa phải đối với những trường hợp suy tim độ I - II, vận động nhẹ đối với những trường hợp suy tim độ III. Thông thường có thể tập trong vòng 30 phút mỗi ngày với các hoạt động ở mức độ nhẹ hoặc trung bình như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội, tập thái cực quyền, tập dưỡng sinh, tập yoga, khiêu vũ, làm công việc nhà…
Cần lưu ý đến những dấu hiệu của việc vận động quá sức như: thường xuyên mệt mỏi, mệt nhiều sau khi tập… Nếu cảm thấy chế độ tập luyện quá nặng nên giảm cường độ tập luyện xuống. Trong khi đang tập, nếu có những triệu chứng như đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, ngất, đau nhức cơ xương…, hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì cần ngưng tập. Nếu triệu chứng không giảm thì cần đến bác sĩ kiểm tra.
Ở người cao tuổi, chưa tính đến các bệnh lý tim mạch thì quá trình lão hóa cũng sẽ làm thành tim sẽ trở nên dày hơn, mạch máu trở nên xơ cứng, kém đàn hồi, từ đó khiến tim giảm khả năng co bóp hiệu quả, giảm khả năng thích ứng của hệ tim mạch với những thay đổi của cơ thể và môi trường.
Chính vì vậy, người cao tuổi mắc bệnh tim mạch sẽ nhạy cảm hơn và dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động, chẳng hạn như thời tiết nóng, lạnh hay việc gắng sức...
Do đó, người cao tuổi nên lưu ý tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá nóng hay quá lạnh hay ẩm ướt; cần giữ đủ ấm trong những ngày lạnh, uống đủ nước trong những ngày nắng, nóng; vận động và tập thể dục ở mức vừa sức, cần tránh các hoạt động gắng sức nhiều, đột ngột; chỉ tập khi cảm thấy khỏe, nếu bị cảm lạnh hay cảm cúm, cần nghỉ ngơi...
Những đối tượng sau nên tiến hành tầm soát bệnh tim mạch, kể cả có hay không áp dụng một chế độ tập thể dục.
- Người trưởng thành trên 40 tuổi.
- Người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch: đã biết có một các tình trạng đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, có hút thuốc, mắc bệnh thận hay thấp khớp.
- Người có một hoặc một số các triệu chứng như: đau thắt ngực; đau ngực liên quan gắng sức; khó thở nhiều; khó thở liên quan gắng sức; hồi hộp đánh trống ngực; ngất…
- Người trưởng thành có tiền căn gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm hoặc trong gia đình có người bị đột tử ở tuổi trẻ.