Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca tử vong do liên cầu khuẩn lợn. Như vậy đây là ca tử vong thứ 4 trong năm liên quan đến loại vi khuẩn này.
Bệnh nhân là nam, 59 tuổi, trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, làm nghề bán thịt lợn.
Bệnh nhân xuất hiện sốt cao 39-40 độ C, người mệt mỏi, yếu nửa người phải nên đã đến khám tại Bệnh viện 103. Tại bệnh viện, bệnh nhân tỉnh táo nhưng tiếp xúc chậm, cứng gáy, yếu nửa người phải.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính não của bệnh nhân phát hiện có hình ảnh nhồi máu não vùng nhân bèo phải. Kết quả nuôi cấy dịch não tủy dương tính với Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn).
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn bệnh, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, các vết trầy xước trên da.
Bệnh liên cầu lợn thường có xu hướng tăng lên vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch. Trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để liên hoan tổng kết cuối năm, ăn Tết, có nơi còn có tập tục ăn tiết canh hoặc các sản phẩm tái, sống để gặp may mắn.
"Đặc biệt, nhiều người vẫn có quan niệm lợn tự nuôi, 'cắp nách', thả đồi thì sẽ an toàn. Tuy nhiên, thực tế, vi khuẩn liên cầu lợn lưu hành ở quần thể lợn nên kể cả loại tự nuôi vẫn có thể truyền bệnh", chuyên gia cho biết thêm.
Để phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Người có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn như: Sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.