Ông Phan Thành Cam (Củ Chi – TP Hồ Chí Minh) hỏi: Cha tôi qua đời để lại di chúc phân chia tài sản cho các anh chị em tôi. Riêng về phần tôi, cha tôi còn kèm theo một số điều kiện. Vậy tôi có quyền từ chối nhận phần di sản thừa kế của mình không?
- Ông có quyền từ chối nhận di sản thừa kế, trừ việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc UBND cấp xã nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế ( Điều 642 Bộ luật Dân sự).
Ngược đãi cha, mẹ có được hưởng di sản thừa kế?
Anh Võ Quang Tuy (Tân Uyên – Bình Dương) hỏi: Cha mẹ tôi sinh được 7 anh chị em (đã ra ở riêng 6 người và cha mẹ cũng đã cho đất). Khi cha, mẹ tôi còn sống ở với người con út, do tính tình người em út ngổ ngược, lại có ý chiếm đoạt hết số tài sản của cha, mẹ nên thường xuyên quậy phá, xúc phạm nghiêm trọng cha, mẹ tôi. Nay cha, mẹ tôi đã mất, số tài sản để lại gồm nhà, đất…em út tôi có được hưởng không?
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản sẽ không được hưởng di sản thừa kế. Tuy nhiên, nếu cha, mẹ anh để lại di chúc vẫn cho người con út hưởng di sản thì em của anh vẫn được hưởng di sản. Trong trường hợp không có di chúc, những người trong hàng thừa kế thứ nhất (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) có thể tự thỏa thuận về chia di sản thừa kế. Khi không thể thỏa thuận được thì khởi kiện tại Tòa (Nếu đang còn trong thời hiệu là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế) (Điều 643, 645, 676 Bộ luật Dân sự).
PLVN