Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, hoạt động công chứng ở nước ta đã được đặt nền móng với Sắc lệnh số 59/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mãi đến năm 2006, hoạt động công chứng mới chính thức được luật hóa với sự ra đời của Luật Công chứng năm 2006 và tiếp đó là Luật Công chứng năm 2014.
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015, Luật Công chứng 2014 tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng quy mô lớn, hoạt động ổn định, bền vững, tăng cường chất lượng hoạt động, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng. Đồng thời, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Luật Công chứng 2014 có nhiều quy định mới tác động đến tổ chức và hoạt động công chứng, chế độ hành nghề của công chứng viên. Tinh thần của Luật là tiếp tục phát triển mạnh mẽ xã hội hóa hoạt động công chứng, kiện toàn hơn nữa chất lượng đội ngũ công chứng viên ngang tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới và hội nhập quốc tế, đề cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.
Sau bốn năm triển khai thực hiện kể từ ngày Luật Công chứng 2014 có hiệu lực, các tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước đã công chứng gần 20,66 triệu việc, đóng góp cho ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế gần 1.300 tỷ đồng. Hiện nay, cả nước có tổng số 1.003 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 128 phòng công chứng và 875 văn phòng công chứng, với trên 2.000 công chứng viên đang hành nghề. Số lượng các văn phòng công chứng, đội ngũ công chứng viên, số lượng việc công chứng trong cả nước cũng như số tiền nộp ngân sách tăng lên đáng kể.
Luật Công chứng được ban hành và đi vào cuộc sống rất nhanh chóng, đặc biệt là việc xã hội hóa nghề công chứng được triển khai mạnh tại các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như TP Hà Nội, TP HCM, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai… Các văn phòng công chứng được thành lập từng bước hoạt động ổn định. Một số văn phòng có quy mô gần 10 công chứng viên, thậm chí có văn phòng hơn 10 công chứng viên.
Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp gắn với địa bàn dân cư theo chủ trương xã hội hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các yêu cầu công chứng. Các phòng công chứng cũng nắm bắt nhanh các quy định của Luật, đổi mới phương thức làm việc phù hợp với xã hội hóa hoạt động công chứng.
Đặc biệt, một quy định đáng chú ý của Luật là về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên. Chỉ sau thời gian ngắn triển khai thực hiện Luật, 50 Hội Công chứng viên đã được thành lập và đi vào hoạt động, là chỗ dựa tin cậy cho các hội viên. Và ngay trong những ngày đầu năm mới 2019, công chứng viên cả nước lại sôi nổi đón chào Đại hội thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, ngôi nhà chung của giới công chứng viên, với sự quan tâm tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Đích thân Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho ban lãnh đạo Hiệp hội là phải phát huy tính nêu gương, sự đoàn kết, nhất trí cùng chung tay xây dựng Hiệp hội thực sự là tổ chức xã hội – nghề nghiệp đáng tin cậy, ngày càng lớn mạnh, quy tụ đông đảo đội ngũ công chứng viên trên cả nước, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn Hiệp hội sẽ góp phần kiện toàn, củng cố và phát triển các Hội Công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước; tham gia tích cực vào các hoạt động giúp cho các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý tổ chức và hoạt động công chứng…