Không ít người “mừng như bắt được vàng” khi tới chợ trời tìm được đúng món đồ vừa bị mất cắp![links()]
Đi chợ trời tìm đồ… mất cắp
Chợ trời đê La Thành mới được chừng 3 – 4 năm tuổi, thế nhưng nó đã trở thành “địa chỉ” dành cho đa số các sinh viên nam, và phần lớn là các sinh viên học các khối ngành tự nhiên. Lý do: chợ trời đê La Thành là chợ trời điện tử.
Chợ trời có đồng nghĩa với cách hiểu: chợ họp ngoài trời, không mái che? - Ảnh: Tuấn Ngọc. |
Chợ bán thập cẩm đủ loại. Tuy nhiên, người ta biết đến chợ trời đê La Thành với các “ngành hàng” chủ yếu là đồ điện dân dụng, các thiết bị điện, phụ tùng sửa chữa xe máy với các bộ cờ-lê, tuốc-nơ-vít, các bộ ốc, vòng bi, máy khoan, máy cưa, máy sấy tóc… Thượng vàng hạ cám, kiểu gì các thượng đế cũng được chiều. Sau này, song hành cùng với sự bùng nổ của thị trường công nghệ thông tin và các nhà cung cấp dịch vụ mạng, chợ trời đê La Thành cũng nhanh chóng thích ứng bằng việc cung ứng các phụ kiện cho máy vi tính, bàn phím, chuột, cổng USB, điện thoại di động đủ các chủng loại, vỏ điện thoại, đề-can, bàn phím điện thoại, thậm chí công nghệ “cưa sim, ghép sim” để “hai sóng cùng ngủ yên” trên một bàn phím…, chợ trời đê La Thành cũng đáp ứng được cả.
Những chợ trời họp lẫn với sương sớm như thế này ở Hà Nội thường đìu hiu vì ế ẩm. Thỉnh thoảng mới có vài người khách dừng lại, rồi nhanh chóng rồ ga... - Ảnh: Tuấn Ngọc. |
Anh Nguyễn Văn Tùng (quê Hà Nam) là một người lao động tự do. “Muốn người ta thuê mình về làm việc, mình phải tự trang bị các dụng cụ, như dao, xẻng, xà-beng, cưa, khoan, đục…”. Được người ta “bắn tin”, anh tìm tới chợ trời La Thành. “Ở ngoài cửa hàng bán đồ sắt, một cái máy khoan vài trăm ngàn, ở đây bán có vài chục ngàn. Rẻ tới bất ngờ!”.
“Chợ nào cũng thế, cần phải kiểm tra, xem xét, ngắm nghía món hàng mà mình sắp mua. Đối với chợ trời thì càng phải ngắm kỹ. May mắn thì anh kiếm được “quả hời”, đấy là hàng xịn mà giá rẻ như cho, còn đen đủi, thì lại “dính” quả hàng “có vỏ mà không có ruột”, hệt như cảnh “Đông-ki lên thành phố”, mua trúng chiếc máy bơm rởm vỏ kim loại nhưng ruột lại bằng… bìa cứng!” – anh Tùng nói với vẻ đầy kinh nghiệm.
Một tấm bạt giữa lòng đường, thế là có một sạp hàng... - Ảnh: Tuấn Ngọc |
Trong câu chuyện của anh Tùng, anh tự hào về một chiếc máy khoan anh “rinh” từ chợ trời La Thành với giá 80 ngàn đồng. Ai dè, chiếc máy khoan đó là máy khoan Tiệp, ngoài cửa hàng người ta bán vài trăm ngàn. Anh đoán già đoán non, nhưng sau này, anh được biết, chiếc máy khoan ấy là “hàng nhẩy” của một tay “sáu ngón”. Và, chiếc máy khoan tốt đang từ một công trường nào đấy, đã "may mắn" rơi vào tay anh, thông qua cái chợ trời họp giữa thênh thang đường phố La Thành.
Nguyễn Đức Tiến, sinh viên trường ĐH Giao thông Vận tải cũng là một người "may mắn" như anh Tùng. Nhưng, câu chuyện của Tiến còn ly kỳ hơn khi em tìm lại được đúng bộ loa, bàn phím, con chuột của bộ máy vi tính bị mất tuần trước. “Chúng em tổ chức sinh nhật. Sau đó quá chén, ngủ lúc nào không biết. Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy chỉ còn mỗi cái màn hình trên bàn. Ra chợ trời, cũng chỉ muốn tìm mua hàng giá rẻ, ai ngờ tìm lại được trọn vẹn món đồ bị mất!".
Theo như sự “cởi lòng” hớ hênh của bà Nguyễn Thị T. (tiểu thương chợ trời Kim Liên) với chúng tôi, bà cho biết việc các chủ hàng chợ trời đã vô tình (hay cố tình) tiêu thụ giúp đồ ăn cắp của mấy tay trộm vặt là có thật. Tuy nhiên, để đến với các chủ hàng “bán tận ngọn” như bà, thì qua rất nhiều nấc, rất nhiều zic-zắc…, chứ không phải là thứ hàng “trao tay” dễ dàng.
Chợ trời là sự nghèo nàn về văn hóa dù chỉ so với chợ quê
“Lời khuyên từ những khách hàng thường xuyên “ghé” chợ trời, đấy là “nói mười chỉ trả một”, và “đừng có vội bày tỏ sự hứng thú ra mặt với món hàng đồ cũ, vì những người bán hàng sành sỏi và kinh nghiệm, họ nhìn vào sắc mặt khách mà ra giá!” – Tiến chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng lời Tiến: “Sinh viên tụi em là khách hàng chủ yếu của những cái chợ… ngoài trời như thế. Các bạn nữ thì là “fan” của các chợ đêm sinh viên, chợ Nhà xanh (Dich Vọng – Cầu Giấy). Đó là các chợ bán hàng quần áo, đồ dùng học tập, dép guốc… Còn đám sinh viên nam, chủ yếu tìm ra chợ trời Kim Liên, chợ “si-đa”, hàng thùng Xã Đàn, chợ trời đê La Thành… Những đứa lọ mọ hơn, biết địa chỉ của các cửa hàng tận trong ngóc ngách, như vài cửa hàng bán túi xách đầu phố Đặng Văn Ngữ (Chùa Bộc)… để săn hàng hiệu giá rẻ. Thế nên, ban đầu em tưởng tụi nó hầm hố lắm, ngờ đâu toàn hàng cũ giá rẻ!”.
Thử làm vài phép so sánh với những phiên chợ quê... (Ảnh: Minh Luận). |
Bạn của Tiến đi mua đồ ở chợ hàng thùng Kim Liên. “Qua quầy bán giầy dép bày cả mớ trên cái rổ sề ngay vỉa hè, nhìn đôi giày da “mõm bệt” – mốt thịnh hành năm 2006, bà chủ đòi 200 ngàn. Bạn em lỡ miệng trả 50 ngàn, rồi bỏ đi thì bị bà chủ hàng gọi lại, kiên quyết bắt phải lấy đôi giày đó bằng được, vì lý do “chị quý mày, biết mày là sinh viên nên mới bán cho cái giá đấy!”. Lúc ấy mới biết là trả hớ, dù giá chỉ bằng ¼ giá bà chủ đưa ra. Nhưng, “đau” nhất, là về không đi được, vì giày da công đại trà, cong vênh hết cả…”.
Mới thấy những "chợ trời" giữa Thủ đô thật nghèo nàn về văn hóa... (- Ảnh: Minh Luận). |
“Giới thạo tin” cho hay, hàng thời trang, quần áo… bày bán tại các gian hàng “đại hạ giá” hay các chợ đêm, chợ trời, nếu không phải là hàng đánh từ Trung Quốc, thì cũng là hàng gia công của các “đầu nậu” Việt Nam. Người ta thuê thợ may gia công hàng loạt bằng cách ăn cắp mẫu mã sau đó đính nhãn mác vào. Thế cho nên mới có cái giá “bèo” đến như thế.
Ngày nay, theo nhu cầu của người tiêu dùng, những “chợ trời” ngày càng xuất hiện với tần suất dày đặc, để “đón lõng” lượng cầu của nhóm người thu nhập thấp, gồm các đối tượng sinh viên ngoại tỉnh, lao động ngoại tỉnh… lên cư trú tại các đô thị lớn. Sự phong phú về chủng loại, và mặc định “giá cả liền chất lượng”, những người mua hàng cũng chuẩn bị sẵn tâm lý khi đến chợ trời.Tuy nhiên, cái đáng bàn, đấy là thái độ của người bán và văn hóa của chợ trời…
Theo