Đường sắt Việt Nam có lịch sử phát triển 135 năm. Đến nay, mạng đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.134km trong đó 2.531km chính tuyến, 612km đường nhánh và đường ga. Đường sắt Việt Nam đã đóng góp hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tích cực tham gia vào vận tải toàn ngành giao thông nói riêng. Tuy nhiên, do đã xây dựng từ lâu lại không được nâng cấp, mở rộng theo đúng yêu cầu phát triển, nên đường sắt Việt Nam hiện vẫn hoàn toàn là đường đơn, khổ đường hẹp 1.000mm và ngày càng xuống cấp.
Tiêu chuẩn kỹ thuật kết cấu hạ tầng đường sắt thấp, lạc hậu, hạn chế cả về bình diện trắc dọc, kết cấu tầng trên dẫn đến năng lực thông qua và năng lực chuyên chở rất hạn chế, tính cạnh tranh không cao. Hành lang an toàn giao thông đường sắt bị lấn chiếm nghiêm trọng; đường sắt giao cắt bằng với đường bộ và đường dân sinh có mật độ cao là những nguyên nhân chủ yếu hạn chế tốc độ chạy tàu, đe dọa an toàn giao thông đường sắt.
Do điều kiện địa hình nước ta có bề ngang hẹp, trải dài với hai trung tâm kinh tế lớn là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tập trung ở hai đầu đất nước, nên việc phát triển giao thông kết nối hai khu vực này và nối liền các thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch dọc tuyến là rất cần thiết.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa ngày càng cao, giải quyết tình trạng quá tải của đường bộ và hàng không, việc tiếp tục cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có phục vụ vận tải hàng hóa, vận tải hành khách nội vùng, bảo đảm khai thác hiệu quả hơn, an toàn hơn thì việc nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam phục vụ vận tải hành khách với chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học và đồng bộ toàn tuyến
Xuất phát từ đặc thù của Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Dự án) cần quy trình, thủ tục đầu tư kéo dài, nhu cầu vốn rất lớn, khả năng thu hồi vốn hết sức khó khăn; đặc biệt là việc đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt phải do Nhà nước đầu tư sẽ gây áp lực đối với trần nợ công; đồng thời, với công nghệ hiện đại, chất lượng nhân lực cao, khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, từ đó yêu cầu Dự án phải được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học và đồng bộ toàn tuyến, có tính toán phân kỳ đầu tư phù hợp.
Đồng thời xác định định hướng xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách huy động vốn, chương trình nội địa hóa phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam, có kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ đường sắt tốc độ cao, làm cơ sở báo cáo Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Quốc hội quyết định.
Từ những yêu cầu trên, để thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, triển khai có hiệu quả Chiến lược, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 297/TB-VPCP ngày 16/9/2016 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu bổ sung quy định về cấp kỹ thuật đường sắt tốc độ cao vào Tiêu chuẩn ngành và Tiêu chuẩn quốc gia về cấp kỹ thuật đường sắt.
Bên cạnh đó, sớm cập nhật các nghiên cứu; tổ chức nghiên cứu; tổ chức hội thảo, truyền thông và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ thông qua năm 2017 để xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2018.
Khi được Quốc hội thông qua, cần chuẩn bị kỹ về thiết kế kỹ thuật và nguồn vốn để năm 2022 - 2030 thực hiện xong các dự án ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí vốn ngân sách cho công tác chuẩn bị đầu tư Dự án. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất với JICA tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; lựa chọn tư vấn nước ngoài thẩm tra Dự án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo chủ động nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách huy động vốn; các đề án về phát triển các lĩnh vực liên quan, bao gồm cả đào tạo nguồn nhân lực… phục vụ phát triển đường sắt tốc độ cao theo Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ).