Có 3 phương án nối ray giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc, trong đó phương án 3 có nhiều ưu điểm hơn: nối ray bằng khổ đường lồng 1.435 và 1.000mm tại vị trí cầu Hồ Kiều mới cách cầu cũ 2,5km về phía thượng lưu theo hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tiêu chuẩn. Tuy nhiên phương án này lại đòi hỏi chi phí đầu tư lớn (hơn 2,5 nghìn tỷ đồng), gấp gần hai lần phương án 1 (1,5 nghìn tỷ đồng), gấp 3 lần phương án 2 (756 tỷ đồng).
Cụ thể với phương án này, phía Việt Nam sẽ nâng cấp cải tạo 200m tuyến hiện tại thành đường lồng 1.435mm và 1.000mm từ ga Lào Cai đến điểm đầu tuyến mới; làm mới 2,7km tuyến đường lồng 1.435mm và 1.000mm điểm đầu của tuyến mới đến điểm giữa cầu Hồ Kiều mới; làm mới 2,5km hầm khổ lồng 1.435mm và 1.000mm; làm mới 1/2 (dài 100m) cầu Hồ Kiều mới. Tại ga Lào Cai sẽ cải tạo 2.786m đường ga Lào Cai hiện tại thành đường lồng 1.435mm và 1.000mm.
Phía Trung Quốc sẽ làm mới 1/2 (dài 100m) cầu Hồ Kiều mới; làm 215m tuyến mới đường lồng 1.435mm và 1.000mm từ điểm giữa cầu Hồ Kiều mới về điểm kết nối với đường sắt hiện tại trên khu gian Sơn Yêu - Hà Khẩu; cải tạo 1,2km tuyến hiện tại thành đường lồng 1.435mm và 1.000mm từ điểm kết nối đến ga Hà Khẩu Bắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cho biết, tỉnh mong muốn Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện thủ tục đầu tư, sớm triển khai khởi công các hạng mục nâng cấp tuyến đường sắt trên nhằm đáp ứng nhu cầu về xuất nhập khẩu - lĩnh vực đột phá của Lào Cai. Tỉnh sẽ chủ động, phối hợp thực hiện các phần việc được giao để hiện thực hóa dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai kết nối với Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất lớn trong vận tải hàng hóa của ngành đường sắt, vì vậy việc cải tạo, nâng cấp nâng cao năng lực toàn tuyến là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt là việc kết nối đồng khổ với đường sắt Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị tỉnh Lào Cai phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trao đổi với phía Trung Quốc về chủ trương đầu tư của Việt Nam, thỏa thuận phương án kết nối, đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên. Bộ Giao thông vận tải sẽ đề xuất Chính phủ cân đối, điều chỉnh nguồn khi có phương án phù hợp nhất.