Hội thảo “Hoạt động quản lý vận hành tòa nhà, thực trạng và giải pháp” vừa được Hiệp Hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam và Câu lạc bộ kinh doanh BĐS Reb Club tổ chức tại TP.HCM hôm 3/11..
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, tính đến nay cả nước đã có hơn 21 triệu m2 sàn nhà chung cư, trong đó trên 20 triệu m2 được xây dựng theo cơ chế mới.
Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư có trong Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành lại chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, cộng với ý thức người dân về quản lý, sử dụng nhà ở chung cư vẫn còn nhiều hạn chế, nên thời gian qua đã xảy ra một số tồn tại vướng mắc, gây ra khiếu kiện, tranh chấp giữa người dân với đơn vị quản lý vận hành tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà và chủ đầu tư cũng như ảnh hưởng đến mô hình phát triển nhà chung cư hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay các chung cư tại Việt Nam đang chủ yếu áp dụng mô hình chủ đầu tư trực tiếp quản lý, ban quản trị quản lý... Các mô hình này đều tồn tại nhiều bất cập, trong đó sự không minh bạch, thiếu tư cách pháp nhân và cơ sở pháp lý... Từ đó, thiếu sự đồng thuận nên dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư.
Vì vậy, theo ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, để giải quyết triệt để những vướng mắc này, cần nghiên cứu, bổ sung mô hình đơn vị quản lý nhà chung cư, có thể theo hướng hình thành công ty cổ phần phi lợi nhuận.
Ngoài ra, quy định về kiểm toán toán độc lập đối với các mô hình mà các nhà chung cư đang áp dụng quản lý, đồng thời công khai chi phí và làm rõ các vấn đề về nộp thuế. Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng giám đốc Cty CP QL & KT tòa nhà PMC, thậm chí còn đề xuất xây dựng luật về tòa nhà cao tầng...
Đ.Thiện