V-League 2010 đang tiến đến những vòng đấu cuối căng thẳng và quyết liệt. Hàng loạt sự cố mà một nhóm nhỏ cổ động viên gây nên, cả ở sân nhà và sân khách, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh thành phố cũng như danh dự của người Hải Phòng.
Là người theo dõi hầu hết trận đấu của Xi măng Hải Phòng trên sân nhà và một số trận trên sân khách mùa giải vừa qua, nhưng những gì diễn ra khiến tôi liên tưởng lại và thèm khát không khí của sân Lạch Tray những năm cuối thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Ngày còn là học sinh, tôi được theo bố và chú đến sân vận động, nơi cách nhà tôi gần 20 km bằng phương tiện duy nhất là chiếc xe đạp. Sân vận động cũng kín người xem, lực lượng an ninh, trật tự chỉ vài chục người, nhưng sự cổ vũ cuồng nhiệt của người xem không bao giờ là nguy cơ hay sự lo lắng quá mức như “ngồi trên đống lửa” đối với ban tổ chức sân Lạch Tray và cả VFF của những mùa giải gần đây. Hay gần nhất, khi đội tuyển quốc gia thi đấu, số người đến sân Mỹ Đình không thể nói là ít hơn so với sân Lạch Tray ở V-League, nhất là khi diễn ra giải đấu AFF Cúp. Cùng với đó là những quy định khắt khe, ràng buộc không thể xem thường của luật lệ FIFA hay AFC, nhưng Việt Nam vẫn kiêu hãnh, tự hào về sự cuồng nhiệt và cổ vũ vô tư của người hâm mộ. Điều đó được bạn bè trong khu vực và toàn thế giới biết đến, trở thành “thương hiệu” của cổ động viên Việt Nam.
Thu hút người xem đến sân là một điều rất khó, nhưng Hải Phòng đã làm được, bởi đội bóng và các cầu thủ Xi măng Hải Phòng chơi bốc lửa, sòng phẳng và vì người hâm mộ, đúng với tính cách và đặc trưng của người Hải Phòng luôn cháy hết mình, luôn chơi đẹp dù bất kỳ hoàn cảnh nào và không chấp nhận những hành động thiếu văn hóa. Vậy những hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” do đâu? Ban tổ chức có thể thu hút đông người xem đến sân chẳng lẽ không thể ngăn được những hành động thiếu kiềm chế, kém văn hóa và không vì đội bóng, không vì hàng vạn người xem chân chính của một nhóm người quá khích. Chúng ta có thể nếu kiên quyết loại bỏ những phần tử quá khích ra khỏi khán đài trong mỗi trận đấu, thậm chí cấm đến sân vĩnh viễn. Cần phát loa cho người xem trên sân hiểu rằng, chỉ có những kẻ phá hoại, kém văn hóa mới có lời lẽ thô tục, ném chai lọ, vật cứng xuống sân, vào người cầu thủ, ngay cả khi họ đang nằm trên cáng vì bị thương, vì những pha bóng xả thân, cống hiến trận cầu hấp dẫn cho người xem. Ngay cả lực lượng an ninh, ban tổ chức sân cũng cần nhìn lại xem mình đã làm hết trách nhiệm chưa khi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cảnh sát ngồi trên các khán đài mà không thể ngăn nổi hành động quá khích của một nhóm người. Mặt khác, việc kiểm soát chặt chẽ từ vòng ngoài của lực lượng chức năng, chắc chắn ngăn được nhóm người ấy mang chai lọ, pháo sáng, vật cứng vào sân… Cách thức có nhiều, chỉ lo những người có trách nhiệm có chịu “làm” và nghiêm khắc với những kẻ quá khích hay không thôi?!.
Quang Hướng