Liên quan đến vụ việc nhiều cây bản địa bị chặt hạ trái phép khi khai thác, tỉa thưa rừng phòng hộ JBIC ở thôn Hòa Dương mà PLVN đã phản ánh trước đây; theo Chủ tịch UBND xã Bình Thành, ông Hồ Chí Thịnh, phương án khai thác và dự toán tỉa thưa 10,9ha gỗ rừng trồng phòng hộ dự án JBIC để trồng bổ sung cây bản địa của cộng đồng thôn Hòa Dương được Sở NN&PTNN có quyết định phê duyệt vào tháng 8/2021.
Sau khi có được phê duyệt phương án, UBND xã đã phối hợp với một Cty đấu giá trên địa bàn để đấu giá các lâm sản khai thác được từ dự án tỉa thưa này. Có 17 hồ sơ đã nộp và người trúng đấu giá là ông Hà Văn Công (ngụ thôn Hòa Dương). Theo phương án đã phê duyệt của Sở NN&PTNN thì việc khai thác, tỉa thưa được giao cho các tổ cộng đồng thôn Hòa Dương, những người đã được giao trồng, chăm sóc rừng gần 18 năm qua và bàn giao sản phẩm lâm sản cho người trúng đấu giá. Trường hợp thiếu nhân lực, cộng đồng thôn được thuê lao động bên ngoài để khai thác nhưng phải bố trí đủ nhân lực để giám sát chặt chẽ quá trình tỉa thưa, khối lượng gỗ khai thác; đảm bảo đúng quy trình về tỉa thưa nâng cấp rừng, chất lượng rừng sau khai thác.
Như vậy việc người trúng đấu giá tự ý vào mở đường và khai thác cây tại rừng phòng hộ JBIC là không đúng phương án phê duyệt. Nói về trách nhiệm để xảy ra sự việc này, ông Thịnh cho rằng trước hết là do UBND xã khi trong quá trình triển khai dự án phổ biến chưa kỹ đến người dân. Trước đó, sau khi nhận phản ánh của cộng đồng thôn Hòa Dương về việc người trúng đấu giá đã chặt hạ nhiều cây bản địa tại rừng phòng hộ JBIC, UBND xã đã lập biên bản đình chỉ lần 1 vào ngày 9/4/2022. Sau đó, tiếp tục vào ngày 11/4/2022, hoạt động khai thác này lại tiếp diễn và được chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm lập biên bản và tiếp tục đình chỉ lần 2.
“Theo báo cáo từ các tổ cộng đồng đã có khoảng 60-70 cây keo kích thước lớn được đánh dấu sơn bài mới, sai so với thiết kế của phương án phê duyệt. Tới đây, UBND xã sẽ tính đến phương án thuê lại đơn vị thiết kế để đánh dấu sơn bài lại các cây keo được khai thác. Trong quá trình khai thác, UBND xã sẽ thành lập các tổ giám sát để thường xuyên giám sát hoạt động khai thác, tỉa thưa của các tổ cộng đồng”, ông Thịnh cho hay.
Một số đoạn đường vào khai thác thi công sai so với thiết kế. |
Được biết, đây là dự án phát triển rừng bền vững, trồng xen cây keo tràm với các loài cây bản địa, sau đó khai thác tỉa thưa và trồng dặm mới cây keo tràm để phục hồi đất, đảm bảo độ che phủ cho cây bản địa phát triển. Mục đích của việc tỉa thưa này là nhằm tạo không gian dinh dưỡng cho cây bản địa sinh trưởng, đồng thời trồng bổ sung nâng cấp chất lượng rừng. Đối tượng cây tỉa thưa là các cây keo cong queo, sâu bệnh đã được đánh dấu sơn bài được trồng từ năm 2004.
Trước đó, PLVN đã thông tin vụ việc trong quá trình thực hiện dự án khai thác tỉa rừng phòng hộ JBIC, phía trúng đấu giá đã chặt hạ nhiều cây bản địa và một số cây chưa có dấu sơn đỏ (dấu bài). Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và phát hiện có 19 cây đã bị chặt hạ trái phép. Trong đó có 1 cây keo 18 năm tuổi đường kính 30cm không đánh dấu bài và 18 cây bản địa gồm 16 cây dầu rái, 2 cây sao đen với đường kính từ 3-5cm. Không chỉ vậy, hoạt động khai thác tỉa thưa tại đây cũng thi công một số đoạn đường sai so với thiết kế.
Hiện vụ việc đang được các đơn vị liên quan phối hợp để làm rõ và xử lý theo quy định.